Trao thưởng cho các em hoc giỏi ở làng An Truyền
Ngày sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, làng An Truyền là một trong những nơi đầu tiên thành lập Hội đồng hương tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Cùng với các việc làm tình nghĩa, đoàn kết và chăm lo giúp đỡ nhau trong cuộc sống, một trong những mục tiêu hướng tới của hội là thúc đẩy phong trào khuyến học và khuyến tài, tạo điều kiện cho con em trong làng gặp khó khăn có điều kiện vươn lên trong học tập.
Hội đồng hương làng An Truyền thành lập và đi đầu trong việc xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài. Thông qua việc quyên góp và giúp đỡ các học sinh nghèo trong làng vượt khó và học giỏi, hội tổ chức nhiều hoạt động có tác dụng khơi dậy tinh thần hiếu học cho con em địa phương. Hằng năm, lễ biểu dương và khen thưởng các học sinh và sinh viên giỏi được Hội đồng hương tổ chức với nghi thức trang trọng tại Trung tâm văn hóa đình làng An Truyền. Mỗi năm một chủ đề, các buổi lễ đều hướng tới việc tạo cho các học sinh trong làng một một sân chơi trí tuệ, năng động và sáng tạo đầy lý thú.
Đáng chú ý, hội đã tổ chức chương trình “Sinh viên hỏi các anh trả lời” có sự tham gia của các trí thức Huế, như luật sư Hồ Ngọc Đàn, giáo sư Tôn Thất Viễn Bào. Học sinh và sinh viên của làng được các bậc cha anh tư vấn những kiến thức và kỹ năng về luật học, ngoại ngữ và toán học. Hội cũng đã tạo điều kiện cho câu lạc bộ sinh viên tham gia các chương trình nói chuyện về chủ đề khuyến học và khuyến tài, qua đó phát động phong trào thu đổi sách giáo khoa nhằm bổ sung nguồn sách mới cho các học sinh nghèo; tổ chức cuộc thi viết về làng và triển khai dự án trồng cây bóng mát sân trường.
Thông qua tổ chức hội, Hiệp hội may mặc thành phố Huế may tặng học sinh nghèo của làng 100 chiếc áo mới trong một dịp khai giảng; một gia đình hội viên cũng may tặng 547 chiếc áo ấm mùa đông cho học sinh Trường tiểu học Phú An 1, trị giá hàng chục triệu đồng. Ngoài ra, quỹ học bổng “Vòng tay tài năng” do nhà báo Đại Đề thực hiện từ năm 2008 hỗ trợ 320 suất học bổng hỗ trợ cho sinh viên toàn tỉnh, trong đó có nhiều sinh viên làng An Truyền với tổng trị giá 320 triệu đồng. Hội đồng hương làng An Truyền tại Thừa Thiên Huế cũng tạo điều kiện cho con em trong làng tham gia tiếp cận 30 chương trình từ thiện hỗ trợ khuyến học, hỗ trợ người nghèo, ủng hộ đồng bào bị lão lụt với trên 4.000 suất quà, có tổng giá trị trên 1,2 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Mễ, Chủ tịch Hội Khuyến học Thừa Thiên Huế nhận xét: “Hội đồng hương làng An Truyền đã thực hiện có nề nếp các hoạt động khuyến học, khuyến tài với phạm vi, quy mô ngày càng mở rộng, tính quần chúng ngày càng cao, là một điển hình đặc biệt xuất sắc của tỉnh”.
Xưa, An Truyền nổi danh là vùng đất hiếu học. Nay phát huy truyền thống, vùng quê này tiếp tục xuất hiện ngày càng nhiều những con ngoan, trò giỏi. Nhiều gương mặt trong đó đã góp phần rạng danh quê hương. Có thể kể đến, như học sinh Võ Sao Khuê tốt nghiệp tiến sĩ công nghệ thông tin Đại học Khoa học Wien (Áo), Đoàn Quốc Hoài Nam là một trong 4 đại diện Việt Nam tham gia kỳ thi Olympic hóa học quốc tế 2014, Võ Thị Kim Thảo là nghiên cứu sinh tiến sĩ nhỏ tuổi nhất Đại học Huế… Mới đây là Hồ Đắc Thanh Chương, vô địch cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia 2016.
Đằng sau những khuôn mặt thân thương đó là cả tấm lòng thân thương của người dân làng quê An Truyền, của những tấm lòng tận tâm với các hoạt động khuyến học, khuyến tài nơi đây. Có dịp tham dự lễ trao thưởng và học bổng vào dịp thu tế tại đình làng An Truyền trong dịp chào đón Hồ Đắc Thanh Chương về làng bái tổ, nhiều người có cảm giác được sống trong không khí của ngày hội khi đầu làng, ngõ xóm rợp bóng cờ hoa. Rõ ràng, để có được không khí hội làng ngập tràn yêu thương kia là khát vọng của bao đời và nó được thắp sáng bằng những việc làm cụ thể và thiết thực gắn với mô hình khuyến học, khuyến tài cần được nhân rộng.
An Nhiên