Tại cuộc họp báo Chính phủ tối 3/8, báo giới nêu khúc mắc liên quan đến việc thi tốt nghiệp THPT khi Bộ GD&ĐT đưa ra phương án triển khai thi tốt nghiệp thành 2 đợt, về phương án triển khai cụ thể, cách thức bảo đảm an toàn và công bằng cho các thí sinh tham dự các đợt thi khác nhau…
Đợt thi đầu không có thí sinh phải cách ly, điều trị Covid-19
Giải đáp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 26 giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm trong công tác tổ chức từng khâu của kỳ thi (chuẩn bị, coi thi, chấm thi, lên điểm, xét tốt nghiệp).
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ thông tin về phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020 theo 2 đợt.
Thứ trưởng Độ thông tin, qua kiểm tra, Bộ GD&ĐT thấy công tác chuẩn bị của các địa phương đã được thực hiện tích cực. Nhiều địa phương đã ra các văn bản chỉ đạo cụ thể để thực hiện, đặc biệt là phương án bảo đảm an toàn trong phòng chống dịch bệnh cho thí sinh trong quá trình thi.
Hiện nay, tình hình diễn biến dịch bệnh phức tạp tại các địa phương, đặc biệt là Đà Nẵng và Quảng Nam cũng đã có văn bản đề xuất với Chính phủ phương án lùi kỳ thi.
Trước tình hình đó, Bộ GD&ĐT đã nghiên cứu, tham mưu với Chính phủ và tại cuộc họp thường kỳ tháng 7 ngày hôm nay, Thủ tướng đã thống nhất nội dung theo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thành 2 đợt.
Theo đó, có 4 vấn đề cụ thể đặt ra:
Thứ nhất, Đà Nẵng và một số huyện, thị xã của tỉnh Quảng Nam đang thực hiện cách ly xã hội sẽ tiến hành lùi thời gian tổ chức kỳ thi tốt nghiệp. Kỳ thi sẽ tổ chức vào thời điểm thích hợp do địa phương đánh giá và đề xuất khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát.
Thứ hai, các địa phương còn lại sẽ thực hiện thi đúng kế hoạch theo phương án bảo đảm phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thứ ba, trong Thông tư 2832 ngày 30/7/2020, Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản để hướng dẫn cách thức tổ chức kỳ thi để phân thí sinh theo từng nhóm đối tượng. Những đối tượng đang là bệnh nhân sẽ được xét đặc cách theo quy chế của Bộ GD&ĐT, những trường hợp F1, F2 sẽ được tổ chức thi riêng tại một phòng riêng tại điểm thi đó.
Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, do quyết định tổ chức thi thành 2 đợt nên Bộ GD&ĐT đề xuất phương án, các thí sinh diện F1, F2 (người tiếp xúc với người nhiễm Covid-19, đang phải thực hiện cách ly bắt buộc để phòng dịch - PV) trong kỳ thi đầu tiên sẽ được dừng thi và chuyển sang thi vào đợt 2. Thời điểm thi lúc đó các thí sinh đã qua thời điểm bị cách ly.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ giải thích, như vậy, kỳ thi ngày 8-10/8 sẽ không có trường hợp thí sinh nào đang phải cách ly hay điều trị bệnh.
Vấn đề thứ tư, trong tình hình tổ chức thi 2 đợt, với việc xét tuyển ĐH thì Bộ GD&ĐT tiếp tục có công văn để các trường đại học tạo điều kiện thuận lợi bằng cách có phương thức tuyển sinh chia tỉ lệ, chỉ tiêu phù hợp cho các em học sinh thi cả 2 đợt, bảo đảm quyền lợi cho các em học sinh được công bằng.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong cuộc họp ngày hôm nay, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã báo cáo Thủ tướng phương án thi 2 đợt như Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trình bày.
Thí sinh được đặc cách tốt nghiệp tham gia tuyển sinh đại học ra sao?
Người phát ngôn Chính phủ lưu ý, trước hết, cần phải khẳng định ngành Giáo dục tại các địa phương đều đã chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT vào ngày 8-10/8, kỳ thi này liên quan đến vấn đề xét tuyển đại học nên không thể lùi được.
“Thẩm quyền quyết định thi như thế nào là thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT theo Luật Giáo dục 2019. Như vậy, những địa phương không phải giãn cách xã hội thì tổ chức thi bình thường. Trong quá trình thi phải bảo đảm các giải pháp về phòng chống dịch bệnh (ngồi giãn cách, đeo khẩu trang, rửa tay…).
Còn những địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề xuất lùi lại thời điểm thích hợp cùng với số thí sinh đang ở diện F0, F1, F2 cũng thi lùi lại” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ giải thích.
Việc này liên quan vấn đề xét đặc cách công nhận tốt nghiệp THPT với các thí sinh bị nhiễm Covid-19, không thể dự thi. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phân tích, xem xét kỹ về pháp lý thì thấy, Luật Giáo dục có quy định, học sinh tốt nghiệp đã học hết chương trình THPT đủ điều kiện theo quy định được dự thi, đạt yêu cầu thì được cấp Bằng Tốt nghiệp THPT.
Do đó, khi xét đặc cách, cơ quan quản lý phải báo cáo Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định vấn đề này.
Bên cạnh đó còn vấn đề phải tính là việc xét đặc cách ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh vì kết quả thi tốt nghiệp THPT liên quan đến công tác xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, đặc biệt, hệ thống 42 trường của Công an, Quân đội đều dựa vào phương thức xét tuyển sức khỏe và kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Vâỵ nên, việc xét đặc cách tốt nghiệp với những học sinh không tiếp tục đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng không ảnh hưởng nhiều nhưng những học sinh có nhu cầu đăng ký xét tuyển vào các trường này thì việc đặc cách tốt nghiệp cũng phải cân nhắc thực hiện sao cho phù hợp.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chốt lại: “Hôm nay, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã báo cáo Chính phủ và các địa phương về vấn đề này để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, phụ huynh.
Cần có cái nhìn tổng thể về việc thi tốt nghiệp THPT, để vừa bảo đảm phòng chống dịch, vừa bảo đảm thực hiện Luật Giáo dục.
Công tác chuẩn bị của Bộ GD&ĐT và các địa phương là để quyết định vấn đề thi cử sao cho đảm bảo điều kiện thi tốt nhất cho thí sinh cũng đáp ứng điều kiện không lây nhiễm trong quá trình thi cho thầy cô, học sinh…”.
Theo Dân trí