Cố gắng cân đối
Thông thường, trong thực đơn của bếp ăn bán trú, thịt lợn được xem là “món đinh” bởi thuộc nhóm thực phẩm phổ biến, chứa nhiều protein; chế biến được nhiều món ăn và hợp khẩu vị nhiều người, nhất là trẻ em. Giá thịt lợn tăng cao đồng nghĩa các trường gặp khó khi phải tính toán sao cho phù hợp nên việc chế biến trở nên khó khăn, nhất là khâu lựa chọn thực phẩm thay thế mà vẫn bảo đảm chi phí và chế độ dinh dưỡng.
Bữa ăn bán trú tại Trường tiểu học Phước Vĩnh (TP. Huế)
Mỗi bữa ăn, các em đóng bình quân từ 14.000 đồng đến 20.000 đồng/em/ngày. Cũng chừng ấy tiền, nhưng bữa ăn có phong phú hay không lại phụ thuộc vào cái tài, cái tâm của nhà trường. Trước đây khi giá thịt lợn ổn định, thực đơn ở các trường thường là thịt kho, thịt rang, thịt xào… còn giờ nhiều trường phải đổi lại như là thịt kho trứng cút hoặc trứng đúc thịt. Cơ bản là cố gắng cân đối để không gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng bữa ăn của học sinh.
Trường tiểu học Quang Trung (TP. Huế) có 1.040 học sinh ở lại bán trú. Định mức bữa ăn/ngày được nhà trường xây dựng với mức 14.000 đồng/ngày/học sinh. Ông Nguyễn Thế Sinh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Quang Trung, cho hay: "Hiện nay, bữa ăn bán trú tại trường không có thịt lợn trong thực đơn vì không cân đối được nguồn kinh phí và phía công ty không có nguồn hàng sạch để cung ứng. Trường đã lựa chọn các thực phẩm thay thế khác như thịt gà, thịt bò, tôm, cá, trứng,… cùng các loại rau củ, đảm bảo đa dạng thực phẩm cho các em".
“Thịt lợn là món khoái khẩu của nhiều học sinh nên bữa ăn thiếu món này, sự hào hứng ăn uống của trẻ có phần giảm sút. Chúng tôi cố gắng mỗi tuần ít nhất lên một thực đơn có thịt lợn để trẻ cải thiện và ngon miệng hơn", cô Lê Thị Mai Lan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thuận Thành, cho hay.
Linh hoạt nhưng phải đảm bảo an toàn thực phẩm
Nhiều trường đã linh hoạt thay đổi thực đơn để các em ăn đủ chất
Theo chia sẻ của các trường, vì chỉ có thịt lợn tăng giá đột biến do nguồn cung hạn chế, giá các thực phẩm khác gần như không có biến động nên không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh. Các bếp ăn vẫn kiểm soát, cân đối được khẩu phần ăn hợp lý về giá cả mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ.
“Chúng tôi xây dựng thực đơn cho trẻ hàng tuần theo phần mềm của Bộ Y tế để cung cấp cho các cháu đủ chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, để phụ huynh yên tâm, thực đơn được nhà trường công khai ở nhà bếp và bảng thông tin cho phụ huynh từ đầu tuần để họ cân đối lượng thực phẩm các bé nạp vào cơ thể trong ngày”. Cô Phạm Thị Hiên, cấp dưỡng ở Trường mầm non Thủy Xuân cho hay.
Một số phụ huynh cho rằng họ không quá xem trọng bữa ăn ở trường có thịt lợn hay không vì khi về nhà, các em sẽ được bổ sung. Tuy nhiên, mong muốn các trường nên có trong thực đơn của trẻ ít nhất là mỗi tuần một lần để thay đổi khẩu vị cho các em. Vấn đề chủ yếu là nguồn gốc thịt lợn phải đảm bảo.
Bà Hồ Thị Ngọc Như, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Huế cho biết: "Các trường học tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh đã linh hoạt lựa chọn, bổ sung thực phẩm khác thay thế thịt lợn, tuy nhiên, chúng tôi lưu ý cần chú trọng chọn thực phẩm, cơ sở uy tín để ký hợp đồng cung ứng. Việc lưu trữ mẫu thực phẩm, kiểm tra quy trình sơ chế, chế biến cũng được cán bộ y tế thực hiện nghiêm túc, đúng quy trình và có sự giám sát của ban giám hiệu nhà trường… đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và dinh dưỡng cho học sinh".
Bài, ảnh: Huế Thu