ClockThứ Bảy, 21/05/2022 14:28

“Biết rồi nói mãi”, chuyện tuyển dụng & thuyên chuyển giáo viên - Kỳ III: Hãy tin & hy vọng

TTH - Minh bạch và công khai trong tuyển dụng và thuyên chuyển giáo viên ở Thừa Thiên Huế đã được khẳng định. Điều đáng nói là vẫn còn những nghịch lý.

“Biết rồi nói mãi”, chuyện tuyển dụng & thuyên chuyển giáo viên - Kỳ II: Vừa lòng kẻ tới, thỏa lòng người đi“Biết rồi nói mãi”, chuyện tuyển dụng & thuyên chuyển giáo viên - Kỳ 1: Khung cửa hẹp & những bất ngờ

Niềm vui của cô và trò

Công khai

Giáo sư Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng khoa học và đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội, có nhận định khá chua chát: "Cách tuyển dụng như hiện nay chưa thực sự chọn được người giỏi nghề và còn phụ thuộc vào chủ quan của người được giao nhiệm vụ ở hội đồng tuyển dụng. Người ngồi ở hội đồng tuyển dụng muốn đánh trượt ai không khó vì họ sẽ chủ động đưa ra hàng rào đánh đố thí sinh...".

Khi thực hiện phóng sự điều tra, tôi bị ám ảnh bởi cái gọi là "hàng rào đánh đố" kia. Hỏi về tuyển dụng giáo viên ở A Lưới có chi khó xử, ông Trần Viết Văn bảo mọi thứ nơi đây đều công khai và minh bạch. Giáo viên trẻ mới ra trường theo nguyên tắc chung là phải đi xa, tới những vùng khó khăn, nhưng nhiều người xung phong đến dạy ở vùng đặc biệt khó khăn để được hưởng thêm nhiều khoản hỗ trợ của Nhà nước. Cũng dễ hiểu khi giao thông đã được kết nối về tất cả các vùng trong huyện, khoảng cách không quá xa, xa nhất chỉ cách trung tâm chừng 30km. Mặt khác, vị trí tuyển dụng nay đã được thông báo công khai để thí sinh tham khảo, thích thì nộp hồ sơ dự tuyển, không bắt buộc. Hàng chục năm làm công tác quản lý giáo dục và có chân trong Hội đồng tuyển dụng, ông Văn bảo không gặp vấn đề khó xử và chưa hề nhận được sự gửi gắm nào cả.

Mới đây, ông Nguyễn Thuận không ngần ngại khi cho biết, những năm qua, ngành đã tham mưu UBND TP. Huế điều động giáo viên, nhân viên theo nguyện vọng được thuyên chuyển nhằm tạo điều kiện cho họ được dạy học gần nhà hơn. Tuy nhiên, việc xét thuyên chuyển không phải trường hợp nào cũng được giải quyết. Có nhiều giáo viên xin về trường gần nhà, nhưng với điều kiện trường đó đang thiếu, chứ đã đủ giáo viên thì không thể giải quyết được. Phòng GD&ĐT đã làm việc với tinh thần trách nhiệm và công khai dân chủ minh bạch nên việc điều động được giáo viên và nhân viên rất hài lòng.

Ông Nguyễn Tân khẳng định, tiêu cực trong việc luân chuyển, tuyển dụng giáo viên sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, kìm hãm động lực của đội ngũ giáo viên. Tiêu cực biểu hiện ngay chính người “chạy trường”, họ phải lập ra các lớp dạy thêm hoặc vất vả bán hàng online để đạt được nguyện vọng. Qua đó, kìm hãm mục tiêu mà ngành đang phấn đấu, có đội ngũ giáo viên trình độ chuyên môn và trách nhiệm cao. “Từ ngày làm Giám đốc Sở GD&ĐT đến nay, tôi chưa thấy xuất hiện trường hợp tiêu cực về chạy trường, chạy lớp ở bậc trung học phổ thông. Nếu có trường hợp chạy trường, chạy lớp thì khuyến cáo, cảnh báo đó là người ta lừa lấy tiền, chứ trong ngành giáo dục những năm qua không có tình trạng tiêu cực”, ông Tân dứt khoát.

Vĩ thanh

Tôi quen một cô gái tốt nghiệp đại học sư phạm loại giỏi đến nay cũng ngót nghét 5 năm. Đó là cô bé có niềm đam mê nghề giáo đặc biệt. Nhớ lúc mới ra trường, cầm tấm bằng "đỏ" trên tay, cô hồ hởi khoe với tôi bao dự định dạy học, đầy phấn khích. Ban đầu, cô xin dạy hợp đồng ở một trường trung học cơ sở cách nhà chừng 7 - 8 cây số. Lương “ba cọc, ba đồng” nhưng không sao, thỏa mãn được niềm vui đứng lớp. Vả lại, cô cũng đã tranh thủ kiếm cho mình một “cái lò” dạy học riêng để bổ sung chi tiêu. Rồi cô lấy chồng, sinh con… bỏ dạy học hợp đồng và làm thêm nghề bán hàng online. Mới đây gặp, tôi thấy cô bận rộn mà thương nên khuyên, thế nào cũng cố mà giữ lấy nghề nhé. Cô “dạ” mà sao thấy buồn buồn. Hôm rồi Trường THPT chuyên Quốc Học tổ chức thi tuyển giáo viên, tôi lướt phây, thấy tấm hình cô chụp ở cổng trường, với status “xin mơ tý thôi” mà thương đến chi lạ.

Ông Võ Văn Thịnh cho biết, chiếm tới hơn 80% hồ sơ ứng tuyển giáo viên tại Phú Vang là những sinh viên của “lò” Trường đại học Sư phạm Huế. Những người làm công tác quản lý giáo dục huyện nhà có thể yên tâm trong tuyển dụng nguồn giáo viên này, đặc biệt là đối với những thí sinh tốt nghiệp khá giỏi, bởi đa số đều có kiến thức chuyên môn và các kỹ năng sư phạm rất tốt. Thế nhưng, cũng như nhiều tỉnh, thành khác trong cả nước, Thừa Thiên Huế đang đứng trước nghiệt ngã “biết rồi nói mãi”, đó là cung đã vượt xa cầu giáo viên.

Chỉ riêng khóa 2017 - 2021 nhận bằng tốt nghiệp vào tháng 6/2021 của Trường đại học Sư phạm Huế đã có 635 sinh viên ra trường. Một vị làm công tác quản lý giáo dục tỉnh ở tỉnh nhà từng làm phép tính với tôi, rằng một giáo viên có tuổi thọ về nghề tới hàng chục năm, trong khi thời gian đào tạo một cử nhân sư phạm sư phạm chỉ có 4 năm. Hàng năm liên tục “xuất lò” thầy cô giáo mới với số lượng lớn thế kia, nhưng nhu cầu thì ổn định, không thừa mới là chuyện lạ!

Những tín hiệu vui về tỷ lệ “chọi” khá thấp trong tuyển dụng giáo viên mới đây như ở huyện Phú Vang mở ra cơ hội nghề nghiệp cho nhiều cô thầy trẻ. Thế nhưng, mọi chuyện không chỉ có màu hồng. Không chỉ ở Huế mà ngay ở các vùng quê tôi có dịp ghé qua hiện cũng có khá nhiều lò dạy học theo kiểu “thầy đồ tại gia”. Cũng như cô bạn trẻ, họ cũng đều có tấm bằng đại học hẳn hoi, nhưng vì nhiều lý do không thể nào chen chân được để trở thành viên chức giáo dục nên phải an phận làm ông đồ, bà đồ dạy kèm, dạy thêm để kiếm sống. Họ phải tự cập nhật, tự bổ sung kiến thức trong bối cảnh ngành giáo đang đổi thay từng năm như hiện nay. Còn với nhiều thầy cô giáo vì cuộc sống khó khăn, không thể theo nghề và giữ nghề đã chọn, nên đã phải chọn cho mình lối rẽ cuộc đời, nộp đơn đi làm công nhân hay xuất khẩu lao động.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao chất lượng dạy tiếng Pháp ở cấp tiểu học

Từ ngày 27-29/11 tại TP. Huế, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Trung tâm Pháp ngữ Châu Á - Thái Bình Dương tổ chức hội nghị tập huấn cho giáo viên tiếng Pháp cấp tiểu học.

Nâng cao chất lượng dạy tiếng Pháp ở cấp tiểu học
ĐẠI HỌC HUẾ HƯỚNG ĐẾN ĐẠI HỌC QUỐC GIA:
Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu

Trong tiến trình xây dựng và phát triển, đặc biệt kể từ sau 30 năm tái thành lập, Đại học Huế (ĐHH) đã cơ bản đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí để trở thành Đại học Quốc gia theo quy định.

Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu

TIN MỚI

Tổng hợp tin đăng tuyển việc làm mới nhất Viết cv xin việc chất lượng
Return to top