Chất lượng giáo dục đại học (ĐH) và uy tín quốc tế là 2 trong nhiều yếu tố quan trọng tác động đến sự tồn tại và phát triển của các trường ĐH.
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng hiện tại ở Việt Nam vẫn còn ít trường ĐH nằm trong bảng xếp hạng các trường ĐH châu Á và cơ bản là vắng bóng trong các bảng xếp hạng quốc tế khác.
Các trường đại học Việt Nam vắng bóng trong bảng xếp hạng quốc tế (ảnh minh họa)
Như vậy, với nhiều điểm yếu về chất lượng và thương hiệu, nhìn ở góc độ cạnh tranh trong hệ thống và cạnh tranh quốc tế, các trường ĐH của Việt Nam đang gặp nhiều bất lợi, thậm chí nguy cơ “thua ngay trên sân nhà” khi có sự tham gia của các trường ĐH quốc tế đặt tại trong nước. Bên cạnh đó, các trường ĐH của Việt Nam chưa đầu tư xứng đáng để vươn tầm quốc tế mặc dù tiềm lực của các trường còn nhiều và chưa được thế giới biết đến.
Chính những bất cập trên khiến Việt Nam cần phải có sự xếp hạng để các trường không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, phục vụ xã hội và hội nhập với xu thế phát triển giáo dục của thế giới. Thông qua bảng xếp hạng, người học có thể biết được năng lực giảng dạy của từng trường đến đâu để có chọn lựa trường học phù hợp và đảm bảo quyền lợi nhất.
Đó là mục tiêu được đưa ra tại Hội thảo Giải pháp nâng cao chất lượng và uy tín quốc tế của các trường ĐH Việt Nam diễn ra sáng 11/4.
Các trường ĐH đề xuất có được thứ hạng cao
GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội nêu quan điểm, hiện nay, Việt Nam có 6 trường lọt tốp 400 ĐH châu Á. Đó là: ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH QG TP HCM, ĐH Cần Thơ, ĐH Huế, ĐH Bách khoa Hà Nội, Đà Nẵng.
cac truong dai hoc viet nam vang bong trong bang xep hang quoc te hinh 2
GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội
Dự kiến đến năm 2020, Việt Nam có hơn 10 trường ĐH vào nhóm 400 ĐH châu Á, 1-2 trường vào nhóm 100 châu Á và 1-2 trường vào nhóm 1000 thế giới. Đến năm 2025, Việt Nam phải quyết tâm có vài trường vào nhóm 500 thế giới.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, Việt Nam cần có sự đầu tư bài bản cho những trường ĐH trọng điểm vì đây sẽ là những trường dẫn dắt việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của đất nước và đi đầu trong việc phát triển nền kinh tế tri thức.
Theo ông Vũ Thế Dũng, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa TP HCM, để một trường ĐH nằm trong bảng xếp hạng của châu Á hay thế giới, vai trò nghiên cứu khoa học và có được các công bố khoa học đăng trên các tạp chí uy tín quốc tế có ý nghĩa rất lớn. Tuy nhiên, việc công bố công trình nghiên cứu của các các trường ĐH còn chưa khoa học. Mặt khác, phần khảo sát ý kiến của cộng đồng các nhà khoa học và tuyển dụng nhận xét về trường ĐH chưa rõ ràng.
Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT nên tập trung vào việc kiểm định chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học ở các trường ĐH. Sau đó là đến công đoạn đánh giá và xếp hạng các trường ĐH.
Còn GS.TS Nguyễn Lộc, Phó Hiệu trưởng ĐH Nguyễn Tất Thành nêu quan điểm, công trình nghiên cứu khoa học và sự hợp tác quốc tế trong đào tạo với các trường ĐH quốc tế của các trường ĐH Việt Nam còn hạn chế. Có một số trường ĐH tốp đầu của Việt Nam đã thừa nhận có sự yếu kém về vấn đề này. Ngoài ra, việc mời một lượng giáo sư ở nước ngoài đến Việt Nam giảng dạy vẫn còn là rào cản lớn.
Theo GS.TS Nguyễn Lộc, để đến năm 2020, Việt Nam có 20 trường nằm trong 400 trường hàng đầu châu Á và có trường nằm trong bảng xếp hạng của thế giới, các trường cần tập trung phát triển nghiên cứu khoa học, chú trọng đầu tư cho giáo dục sau ĐH.
Theo VOV