ClockThứ Hai, 06/03/2023 07:08

Cải thiện vị trí xếp hạng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT

TTH - Ngành giáo dục và đào tạo Thừa Thiên Huế đang nỗ lực phấn đấu để cải thiện vị trí xếp hạng trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT).

Bộ GD&ĐT công bố lịch thi tốt nghiệp THPT 2023Cẩn trọng khi luyện thi đánh giá năng lực trên mạngPhấn đấu 90% học viên tốt nghiệp THPT hệ giáo dục thường xuyên

leftcenterrightdel

Học sinh ở Trung tâm GDTX thị xã Hương Trà tăng tốc ôn tập

Không thể bằng lòng

Khảo sát của Sở GD&ĐT cho thấy, không thể bằng lòng khi trong 3 năm học gần đây, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của Thừa Thiên Huế luôn thấp hơn so với mức trung bình của toàn quốc từ khoảng xấp xỉ 2%. Điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp thấp và không cải thiện được tình hình. Cụ thể, 3 năm qua lần lượt đứng các vị trí 30, 27, 29 trên 63 tỉnh, thành trong toàn quốc. Đây là vị thứ chưa thể hiện đúng vị thế và truyền thống học tập của vùng đất hiếu học.

Kết quả thi tốt nghiệp THPT phản ánh chính xác thực tế chất lượng dạy học trong trường phổ thông giai đoạn vừa qua. Tuy nhiên, tỷ lệ tốt nghiệp ở một số trường khu vực miền núi, vùng sâu và một số trung tâm GDNN-GDTX còn rất thấp, đã ảnh hưởng chung đến kết quả toàn tỉnh. Điểm số trung bình của các học viên các trung tâm này chủ yếu tập trung ở vùng dưới 6,0 điểm.

Mục tiêu mà ngành giáo dục và đào tạo Thừa Thiên Huế đặt ra là phấn đấu tăng từ 7 đến 10 bậc xếp hạng trong kỳ thi tốt nghiệp. Giải pháp cũng đã có, nhưng năm 2022 không đạt được mục tiêu đề ra. Chất lượng giáo dục đại trà chưa thật bứt phá. Giáo dục giữa khu vực miền núi và miền xuôi vẫn còn khoảng cách nhất định. Một số đơn vị, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn có khuynh hướng đi xuống.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, bên cạnh một bộ phận học sinh thiếu nỗ lực, chưa cố gắng trong học tập, đáng nói hơn cả là công tác tổ chức dạy phụ đạo của nhiều trường hiệu quả mang lại chưa cao, công tác duy trì việc ôn tập, phụ đạo cho học sinh sau thời gian 15/5 đối với các học sinh yếu, kém chưa đạt yêu cầu và chưa được kiểm soát chặt chẽ. Đơn vị GDNN-GDTX còn giao khoán việc dạy kiến thức cho các đơn vị liên kết mà thiếu quan tâm kiểm tra, giám sát chất lượng học tập của học viên.

Đề án nâng cao chất lượng

Ngay từ tháng 10/2022, Sở GD&ĐT đã ban hành đề án nâng cao chất lượng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm học 2022 - 2023 và năm học 2023 – 2024 với nhiều giải pháp đặt ra. Đầu tiên là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Cụ thể, Sở GD&ĐT sẽ tăng cường kiểm tra, đánh giá quá trình thực hiện kế hoạch của các đơn vị, căn cứ vào đó để xem xét thi đua, gắn trách nhiệm người đứng đầu với kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Các phòng chuyên môn của Sở GD&ĐT tổ chức các nhóm giáo viên cốt cán tham gia giúp đỡ, tháo gỡ khó khăn cho nhà trường nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong dạy học, ôn tập và thi tốt nghiệp, đặc biệt là các trường có kết quả điểm thi tốt nghiệp thấp trong năm học 2021 - 2022. Các chuyên viên và hội đồng bộ môn tăng cường dự đột xuất và thường xuyên giờ dạy của giáo viên, kể cả việc sinh hoạt tổ chuyên môn để góp ý, định hướng và điều chỉnh.

Sở GD&ĐT yêu cầu các chuyên viên nắm kế hoạch ôn tập phụ đạo của từng đơn vị và tổ chuyên môn; xây dựng kế hoạch môn học với mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của từng môn học. Lãnh đạo nhà trường có trách nhiệm tích cực kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch ôn tập, phụ đạo. Tổ trưởng (tổ phó)/nhóm trưởng chuyên môn có kế hoạch và tích cực dự giờ kể cả giờ ôn tập, phụ đạo nhằm rút kinh nghiệm, điều chỉnh kịp thời nội dung để phù hợp từng nhóm đối tượng.

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, ngành triển khai đồng bộ cùng việc xây dựng chương trình, kế hoạch dạy, học phù hợp với đối tượng học sinh; đổi mới kiểm tra, đánh giá; phân loại, tổ chức dạy, học theo năng lực và nguyện vọng của học sinh. Đồng thời, tăng cường sinh hoạt chuyên môn, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ giáo viên cốt cán; xây dựng nền tảng giáo dục cho học sinh; chú trọng công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật và chú trọng hiệu quả quán triệt học tập quy chế thi tốt nghiệp THPT.

Đổi mới ôn tập để thi tốt

Cuối tháng 2/2023, chúng tôi có dịp về một số trường THPT. Đây là thời điểm các trường tăng cường công tác ôn tập nhằm chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Em Nguyễn Thị Anh Tuyết, học sinh Trường THPT Cao Thắng cho biết: Trong quá trình ôn tập, giáo viên thường nhắc nhở học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa. Thời gian còn lại, em tìm hiểu những kiến thức bên ngoài thực tế, cũng như thư giãn đầu óc. Em nghĩ, không nên tạo áp lực cho bản thân.

Thầy giáo Hoàng Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài chia sẻ: Đây là thời gian vàng để các em ôn tập song song với học chính khóa. Giáo viên bám sát đề thi trong 3 năm gần đây và đề tham khảo của Bộ GD&ĐT để ôn tập cho các em. Bắt đầu từ học kỳ II, trường tổ chức ôn thi các môn thi cho học sinh sau khi các em đăng ký. Nhà trường bố trí thời khóa biểu hợp lý để đáp ứng giữa học chính khóa và ôn tập.

Theo thầy giáo Đoàn Xuân Tú,  Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (Huế), nhà trường tăng cường ôn tập, rà soát học sinh yếu kém, phân công giáo viên bộ môn theo dõi và giúp đỡ. Giáo viên vừa dạy bài mới, vừa ôn tập, học bài nào thì cung cấp những kiến thức liên quan cho các em. Giáo viên cân nhắc trong 1 số tiết học để giúp học sinh 12 có điều kiện ôn tập tốt hơn. Ngoài kiến thức lớp 12, việc ôn tập kiến thức lớp 11 được tăng cường vào cuối học kỳ 2. Trong quá trình dạy học có những bài liên hệ hay kiến thức trước đó, thì giáo viên sẽ xen kẽ và từ đó nhắc lại bài.

 “Nhà trường ưu tiên tuyển chọn giáo viên có uy tín, chuyên môn vững vàng, có kinh nghiệm trong ôn tập, luyện thi tốt nghiệp THPT hằng năm để giao đứng lớp. Phân công giáo viên chủ nhiệm, đoàn thanh niên quản lý nền nếp học tập của học sinh, phản ánh những trường hợp học sinh nghỉ học, học chưa tích cực đến lãnh đạo trường để có giải pháp kịp thời. Với giải pháp tổ chức ôn tập như trên, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của trường những năm qua rất ổn định, dao động từ 99,7% đến 100%”, thầy Hoàng Minh tự tin.

Bài, ảnh: Đan Duy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di tích lăng Tự Đức

Dự án “Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lăng vua Tự Đức”, gồm điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Đường, la thành, cổng, bình phong đang được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế triển khai.

Tôn trọng yếu tố gốc trong trùng tu di tích lăng Tự Đức
Hướng đến quy mô lớn và an toàn trong chăn nuôi

Hình thành các trang trại có quy mô lớn, các khu chăn nuôi tập trung phù hợp với từng địa phương; phát triển mạnh theo hướng công nghệ cao, an toàn sinh học và bền vững là vấn đề đặt ra trong phát triển chăn nuôi ở giai đoạn mới.

Hướng đến quy mô lớn và an toàn trong chăn nuôi

TIN MỚI

Return to top