Học sinh THCS có thể sẽ được miễn học phí
Âu lo nếu học phí tăng gấp đôi
Dự kiến, kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa VIII sẽ thông qua 25 Nghị quyết, trong đó có quy định mức thu học phí của các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập đối với chương trình đại trà trên địa bàn tỉnh, năm học 2022-2023… Theo đề án của tỉnh, mức thu học phí, năm học 2022-2023 quy định tại nghị quyết dự kiến được thông qua tại kỳ họp sẽ tăng cao khoảng gấp đôi so với năm học 2021-2022. Dẫu mức dự kiến trên chỉ bằng mức sàn (thấp nhất) trong khung học phí mới tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ, nhưng so với mức hiện hành thì vẫn tăng đáng kể.
Thông tin này khiến nhiều phụ huynh cảm thấy lo lắng. Dịch bệnh hoành hành, họ quá vất vả để mưu sinh, gồng gánh gia đình đi qua. Chị Vũ Thu Phương, một phụ huynh có hai con học THCS và THPT cho biết, việc tăng mức học phí sẽ khiến gia đình chị khó khăn hơn. Bởi lẽ, tăng học phí, tăng giá các loại ở thời điểm này gây tâm lý hoang mang.
Một số phụ huynh đồng ý với mức tăng học phí theo lộ trình, nhưng cho rằng, cần có những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ để ngăn chặn việc lạm thu tiền trường vào đầu năm học mới, vì đây mới là những khoản thu khiến nhiều phụ huynh “lao đao”. Chưa kể, giá sách giáo khoa mới tăng gấp 2-3 lần, tiền đồng phục, đồ dùng học tập và nhiều khoản ủng hộ nhà trường...
Nhiều ý kiến cho rằng, dù tăng học phí cũng rất cần thiết, đặc biệt là khi nước ta đang đẩy mạnh tự chủ tài chính trong các cơ sở giáo dục, nhưng nên xem xét lại thời hạn, lộ trình tăng để thể hiện được tính nhân văn, chia sẻ với người dân, đồng thời giảm áp lực tăng lạm phát trong nền kinh tế quốc dân. Muốn tăng học phí cần có lộ trình và tạo được niềm tin, sự đồng thuận từ phụ huynh. Cần thiết là sự minh bạch trong thu chi của nhà trường bấy lâu nay, đặc biệt là hệ thống trường công lập phải xóa bỏ được tình trạng lạm thu ở các nhà trường, đó mới là vấn đề khiến phụ huynh bức xúc chứ không hẳn là học phí.
Đề xuất giữ nguyên mức học phí
Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến các địa phương về đề xuất lộ trình học phí và chính sách miễn phí đối với học sinh THCS. Nếu ý kiến đề xuất của Bộ GD&ĐT được Chính phủ chấp nhận thì Thừa Thiên Huế sẽ áp dụng mức học phí như năm 2021-2022. Thế nên, mặc dù Thừa Thiên Huế đã hoàn thiện đề án về học phí để trình HĐND, tuy nhiên, phải lùi bàn về mức học phí sang thời gian sau. Còn lộ trình miễn học phí cho học sinh THCS thì tiếp tục chờ sự chấp thuận theo lộ trình của Bộ GD&ĐT.
Cũng theo đề xuất của Bộ GD&ĐT, về học phí giáo dục mầm non công lập năm học 2022-2023, đối với cơ sở giáo dục mầm non chưa tự bảo đảm chi thường xuyên: đề nghị giữ ổn định học phí như năm học 2021-2022. Với những cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên, cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: cơ sở giáo dục xây dựng mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ sở giáo dục ban hành. Cơ sở giáo dục trình UBND cấp tỉnh để đề nghị HĐND cấp tỉnh xem xét phê duyệt mức thu học phí.
Ngoài ra, đối với các địa phương đã ban hành Nghị quyết quy định mức thu học phí năm học 2022-2023 mà mức thu học phí cao hơn so với năm học 2021-2022: HĐND cấp tỉnh giao UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh cho phép tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với năm học 2021-2022 đến hết năm học 2022-2023. Từ năm học 2023-2024, HĐND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh khung và mức học phí mầm non theo chỉ số giá tiêu dùng hàng năm.
Đối với hệ THCS, Bộ GD&ĐT đề xuất thực hiện ngay việc miễn học phí cho toàn bộ (100%) học sinh THCS từ năm học 2022 – 2023. Đối với hệ THPT, đề nghị giữ ổn định mức học phí như năm học 2021 - 2022 đối với cơ sở giáo dục THPT công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên.
Tiếp nhận thông tin từ việc Bộ GD&ĐT đề nghị giữ nguyên mức học phí hiện tại, nhiều phụ huynh cho rằng, giữ nguyên học phí là sự chia sẻ, giúp giảm gánh nặng về tài chính cho phụ huynh và học sinh.
Bài, ảnh: Huế Thu