Ngọc (ngoài cùng, bên trái) cùng cô giáo hướng dẫn và bạn cùng nhóm nghiên cứu đề tài trong một buổi tìm hiểu về các loại nhạc cụ của dân tộc Pa Cô tại nhà già làng, nghệ nhân Vỗ Trâm. Ảnh: Nguyễn Ngọc Toàn
Thầy giáo Võ Sỹ Đoàn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT A Lưới nói rằng, những thành tích mà Thái Lê Linh Ngọc đạt được (đạo đức tốt, học tập tốt, thể lực tốt) là niềm tự hào, đồng thời là tấm gương cho các bạn học sinh, thế hệ tương lai của mảnh đất nơi biên giới xa xôi cùng nỗ lực vươn lên. Cô giáo Trương Thị Khánh Hòa, giáo viên chủ nhiệm liên tục trong 2 năm học (lớp 10B2 và nay lên 11B2) kể về Thái Lê Linh Ngọc, cô lớp trưởng “nhỏ bé” nhưng đầy năng nổ, xông xáo, mạnh mẽ và đam mê trong rèn luyện, học tập, nghiên cứu khoa học, bằng cảm xúc tự hào.
Cô học trò ngoan, chăm chỉ, luôn hòa nhã, giúp đỡ bạn bè, là học sinh giỏi toàn diện với điểm tổng kết cuối năm học là 8.4 (trong đó, điểm tổng kết các môn toán, văn, Anh văn đều đạt 8.0 trở lên), cũng là học sinh đạt số điểm tổng kết cao nhất lớp. Trong vai trò “thủ lĩnh” của lớp, Ngọc hướng dẫn, điều hành các bạn, đồng thời trực tiếp tham gia và đạt giải trong các hội thi hội khỏe phù đổng cấp trường. “Đoàn trường tổ chức hoạt động thi gói bánh chưng, Ngọc tham gia và đoạt giải nhất. Cùng với hai bạn khác đại diện khối, thi ngoại khóa các khối lớp môn toán cấp trường, nhóm của Ngọc cũng đoạt giải. Trong cuộc thi tìm hiểu về pháp luật do Huyện đoàn A Lưới tổ chức, Ngọc là một trong những thành viên của nhóm đại diện Đoàn trường đi thi, cùng góp sức để Đoàn trường Trường THPT A Lưới đoạt giải nhất” - cô giáo Trương Thị Khánh Hòa cho biết.
Bên cạnh học tốt, điều khiến cô giáo chủ nhiệm và nhiều thầy, cô giáo trong trường ấn tượng đối với Thái Lê Linh Ngọc, đó là niềm đam mê nghiên cứu khoa học của cô học trò. Khi thực hiện đề tài nghiên cứu, tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp trường (sau đó gửi dự thi và đoạt giải tư cấp tỉnh), Ngọc đã lựa chọn đề tài “Bảo tồn, phát triển dân ca và nhạc cụ của người Pa Cô”. Trước câu hỏi vì sao lại chọn đề tài này, Ngọc chia sẻ tự đáy lòng về tình yêu của một người con Pa Cô đối với các làn điệu dân ca, những nhạc cụ của dân tộc mình, tạo nên âm thanh linh thiêng mà mộc mạc của núi rừng, của cuộc sống nơi bản làng ngàn đời nay truyền lại. Không muốn những điều kỳ diệu đó bị mai một, bị giới trẻ lãng quên.
Ngọc và một học sinh khối lớp trên (người cùng thực hiện đề tài) cùng cô giáo Trương Thị Khánh Hòa (giáo viên hướng dẫn đề tài) suốt nhiều tháng ròng rã, tranh thủ lúc buổi trưa hoặc những ngày nghỉ cuối tuần “lụi cụi” khắp các bản làng, tìm đến phỏng vấn những già làng, trưởng bản, những cụ ông, cụ bà lớn tuổi am hiểu về các làn điệu dân ca và các loại nhạc cụ, đặc biệt là những nghệ nhân, để tìm hiểu, thu thập các thông tin, hình ảnh liên quan. Sau đó, nhóm nghiên cứu “quay về” khảo sát sự am hiểu, mức độ quan tâm của giới trẻ, các bạn học sinh trong trường về vấn đề này, từ đó đưa ra các giải pháp làm thế nào để nhiều người biết đến, hiểu và yêu âm thanh của các loại nhạc cụ, các làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc Pa Cô.
“Có những lúc cô trò đi trong rét mướt, phải qua những chặng đường bùn lầy để đến các bản làng xa xôi, nhưng ai cũng vui vẻ, hào hứng. Tuổi còn nhỏ, nhưng đã biết yêu văn hóa cội nguồn, đam mê nghiên cứu, các em rất chịu khó, cố gắng hết mình. Chứng kiến điều đó, chúng tôi - những người đứng trên bục giảng, với nhiệm vụ “trồng người” vui và tin rằng, Ngọc và nhiều bạn trẻ khác sẽ thành công trên con đường học tập và làm việc, sau này sẽ là “trụ cột”, bằng kiến thức của mình chung tay xây dựng của quê hương A Lưới ngày càng phát triển” - cô giáo Trương Thị Khánh Hòa chia sẻ.
Quỳnh Anh