Sinh viên Trường ĐH Nông lâm, ĐH Huế nghiên cứu phần mềm xác định thiếu, thừa đạm trên cây trồng cho smartphone
Đầu tư, ươm tạo những dự án tiềm năng
TS. Hoàng Kim Toản, Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (KN&ĐMST) ĐH Huế cho biết, năm 2018, ĐH Huế đẩy mạnh nhiều hoạt động tạo nền móng để phát triển phong trào khởi nghiệp; trong đó, có hàng loạt hoạt động đào tạo kiến thức, kỹ năng, nâng cao nhận thức cho cán bộ và sinh viên.
Đến hết năm 2018, ĐH Huế có nhiều nhóm khởi nghiệp đạt giải cao tại các cuộc thi của tỉnh, tổ chức ĐH Pháp ngữ (AUF), khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước. Đa phần các ý tưởng, dự án khởi nghiệp được chuyên gia đánh giá cao về tính thực tiễn và khả thi, trong đó có một số dự án nổi bật, như: Home Arts (giải nhì ý tưởng KNĐMST ĐH Huế; giải ba VSIC Quốc gia 2018), Leafpic-Pro phần mềm xác định thiếu thừa đạm trên cây trồng cho smartphone (giải nhì cuộc thi KNĐMST tỉnh, giải khuyến khích sinh viên Startup toàn quốc), Bản đồ đặc sản Việt Nam – VNSpecial (giải B cuộc thi KNĐMST tỉnh và giải ba cuộc thi “Tìm kiếm tài năng KNĐMST vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên). “Hiện, trung tâm thúc đẩy 15 nhóm dự án, trong đó có 2 nhóm đã thành lập được doanh nghiệp. Mục tiêu sẽ giúp các nhóm dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp trong ĐH Huế gặp gỡ nhà đầu tư”, TS. Hoàng Kim Toản nói.
Quá trình ươm tạo, Trung tâm KN&ĐMST ĐH Huế tiến hành huấn luyện, cố vấn, kết nối mạng lưới các doanh nghiệp và quỹ đầu tư. Sau khi ươm tạo, đầu ra của các dự án sẽ theo hai hướng, đó là hỗ trợ các chương trình gọi vốn, thông qua các sự kiện demo day (ngày hội để startup kêu gọi đầu tư) từ đó các startup có thể “bùng nổ” thành doanh nghiệp. Đối với các dự án chưa chín muồi hoặc muốn đầu tư để đạt mục tiêu lớn hơn, Trung tâm KN&ĐMST ĐH Huế chuyển tiếp dự án đó đến các tổ chức tăng tốc… “Mục tiêu năm 2019, sẽ có 1 – 2 nhóm gọi vốn thành công”, ông Toản nhấn mạnh.
Phát huy vai trò dẫn dắt
PGS.TS. Huỳnh Văn Chương, Phó Giám đốc ĐH Huế cho biết, từ năm 2019 – 2022, Trung tâm KN&ĐMST ĐH Huế sẽ triển khai nhiều hoạt động về khởi nghiệp, tập trung đến chiến lược của ĐH Huế, hướng đến phục vụ phát triển vùng và mang tính chất dẫn dắt trong khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Năm 2018, ĐH Huế tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn cho cán bộ, giảng viên tại nhiều đơn vị trong khu vực.
Hiện, ĐH Huế đã hình thành mạng lưới cố vấn, gồm nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm là các tổng giám đốc, nhà đầu tư, những người thành công về khởi nghiệp trong cả nước, qua đó hình thành mạng lưới các nhà tư vấn (mentor) cho sinh viên và đào tạo tại chỗ. “Tháng 1/2019, các chuyên gia đã đào tạo tập huấn cho 15 doanh nghiệp ở Huế và 15 cán bộ ĐH Huế, để họ trở thành lực lượng nòng cốt, hỗ trợ trực tiếp cho cán bộ, sinh viên. Với vai trò ĐH vùng, ĐH Huế không chỉ kết nối cho các các trường thành viên, khoa trực thuộc mà còn kết nối giúp các nhóm khởi nghiệp cả trong miền Trung và Tây Nguyên”, PGS.TS. Huỳnh Văn Chương nói.
Theo đại diện lãnh đạo ĐH Huế, chiến lược của ĐH Huế là gắn hoạt động KNĐMST của ĐH Huế với hoạt động KNĐMST của thế hệ trẻ thông qua Tỉnh đoàn và các Sở Khoa học công nghệ, nhất là tại tỉnh Thừa Thiên Huế, điều này đáp ứng mong muốn của ĐH Huế đóng góp giúp tỉnh và phát huy vai trò của một ĐH lớn của miền Trung – Tây Nguyên.
Thời gian qua, ĐH Huế thực hiện khá tốt vai trò khơi nguồn sáng tạo, đào tạo năng lực KNĐMST và giúp họ trải nghiệm thông qua các điễn đàn khởi nghiệp. Sắp tới, ĐH Huế tiếp tục kết nối, gắn với chính quyền và doanh nghiệp trong việc hình thành các nhà KNĐMST, thu hút nguồn lực cựu sinh viên thành đạt để chia sẻ thông tin, hỗ trợ tích cực cho họ kết nối các nhà đầu tư.
Cuối tháng 12/2018, ĐH Huế khai trương hệ sinh thái KNĐMST. PGS.TS. Nguyễn Quang Linh, Giám đốc ĐH Huế, cho rằng: “Với vị trí, không gian KNĐMST này, đủ cho những người có khát vọng khởi nghiệp đến tìm hiểu, hình thành và phát triển các ý tưởng KNĐMST; ĐH Huế sẵn sàng hỗ trợ tích cực cho những ý tưởng KNĐMST ban đầu trở thành hiện thực. Qua đó, ĐH Huế mong muốn khai thác tốt các nguồn lực kể cả con người và những nguồn lực khác, đóng góp cho sự phát triển của địa phương”.
Bài, ảnh: Hữu Phúc