ClockThứ Năm, 29/10/2020 13:45

Đầu tư tương xứng cho giáo dục thường xuyên

TTH - Chiêu sinh khó, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp không cao của bậc giáo dục thường xuyên là vấn đề đặt ra cho công tác phân luồng học sinh. Hơn nữa, các em chưa mặn mà khi cơ sở hạ tầng và đội ngũ giáo viên ở nhiều nơi vẫn chưa được đầu tư tương xứng.

Cải thiện chất lượng giáo dục thường xuyên

Các trung tâm liên kết với các trường cao đẳng nghề để đào tạo học viên

Khó chiêu sinh

Hàng trăm học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 công lập trong năm học 2020-2021 khiến nhiều phụ huynh quay quắt tìm trường. Chị N.T.N phấp phỏng không yên khi con trượt các nguyện vọng. Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) cũng là nơi mà chị nghĩ đến, nhưng chỉ thoáng qua. Chị bảo, thấy “tội con” khi môi trường học ở đây không tốt. Chị đã “bấm bụng” cho con học ở một trường ngoài công lập với mức học phí cao, dẫu không dễ đối với thu nhập của hai vợ chồng chị.

Có lẽ bắt nguồn từ hai chữ “bổ túc” trước đây nên nhiều người như chị N. có cái nhìn thiếu thiện cảm với Trung tâm GDNN –GDTX. Người ta nghi ngại về chất lượng đào tạo. Thậm chí, từng có trường đại học trong phần tuyển sinh từ chối nhận những học sinh có bằng tốt nghiệp hệ bổ túc. Vẫn biết hệ “bổ túc” - giờ đây có tên gọi chính thức là “Giáo dục thường xuyên” có nhiều thay đổi theo hướng có lợi cho người học. Học viên chỉ phải học 7 môn bắt buộc. Nếu thi đỗ sẽ được cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, phôi bằng do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành mà không hề có sự phân biệt giữa hệ giáo dục thường xuyên hay phổ thông.

Khó khăn lớn nhất hiện nay ở hầu hết các đơn vị GDNN-GDTX là tuyển sinh. Năm học 2019-2020, toàn tỉnh có 2.109 học viên theo học GDTX ở các loại hình và 89 học viên theo học THCS. Trong đó, số học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT không nhiều. Ngoài Trung tâm GDNN- GDTX TP. Huế (203 học sinh), Trung tâm GDNN-GDTX TX Hương Thủy (104 học sinh), còn lại các trung tâm ở các địa phương có số học viên vỏn vẹn từ 5 đến 20 người. Trong “cuộc đua” tuyển sinh này, các Trung tâm GDNN-GDTX yếu thế.

Đầu tư chưa tương xứng

Vất vả hơn khi phần lớn học viên vào trung tâm đều có đầu vào thấp, ý thức học tập chưa cao. Chuyện học sinh không đến lớp xảy ra khá phổ biến và dẫu ít học viên nhưng giáo viên phải kèm cặp sát sao. Thực tế học viên có hạnh kiểm tốt ở các Trung tâm GDNN- GDTX chỉ đạt 67,7%; tỷ lệ học viên đạt học lực loại giỏi năm học 2019-2020 chỉ 1,9%; khá: 34%; trung bình: 55,7%; còn lại là yếu, kém. Chính điều này ảnh hưởng đến chất lượng thi tốt nghiệp THPT ở các trung tâm khi chỉ đạt 86,59%. Riêng A Lưới, chỉ có 13/21 học viên (đạt 61,90%) và Nam Đông có 9/12 học viên (đạt 75%) đỗ tốt nghiệp THPT năm học 2019-2020. Hiện nay, hầu hết học viên các trung tâm đều tham gia học theo hình thức vừa học văn hóa, vừa học nghề trung cấp (chiếm 90%).

Các trung tâm đang có những bất cập trong việc bố trí giáo viên (giáo viên cơ hữu phần lớn tại các đơn vị không đủ 1 người/môn học). Hoạt động của TTGDTX-GDNN do nhiều đầu mối quản lý nên phát sinh vướng mắc về cơ chế quản lý, chế độ của cán bộ, giáo viên. UBND cấp huyện không phải cơ quan trực tiếp quản lý hoạt động chuyên môn nên không có cơ sở đánh giá cán bộ, giáo viên. Các trung tâm chịu sự quản lý về chuyên môn ngành dọc của cả Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và Sở GD&ĐT nên trong chỉ đạo vẫn chưa có sự tập trung thống nhất.

Tại hội nghị tổng kết năm học 2019 - 2020 do UBND tỉnh tổ chức, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho rằng, sau khi sáp nhập, đội ngũ giáo viên ở Trung tâm GDNN-GDTX khá đông nhưng dạy nghề và dạy văn hóa cho học viên còn ít, dẫn đến tình trạng lãng phí về cơ sở vật chất. Do đó, các phòng thực hành và hệ thống thiết bị phục vụ việc học nghề: may, điện dân dụng, nông nghiệp… ít được khai thác, sử dụng.

Đội ngũ giáo viên ở các trung tâm chủ yếu dạy văn hoá nên thiếu giáo viên dạy nghề phổ thông. Các trung tâm phải tự xoay xở bằng cách mời giáo viên cơ hữu về giảng dạy. Ông Nguyễn Đức Lợi, Giám đốc Trung tâm GDNN –GDTX huyện Phú Lộc cho hay: Trung tâm có chức năng nhiệm vụ đa dạng, thuộc nhiều lĩnh vực, nhiều chương trình nhưng đội ngũ còn bất cập về trình độ, chưa đáp ứng được tình hình mới. Cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học chưa đảm bảo quy chuẩn...

Đẩy mạnh phân luồng học sinh

Năm học 2019-2020, tỷ lệ phân luồng học sinh mới đạt 21%. Thực tế đó đòi hỏi các cơ quan chủ quản là UBND cấp huyện cần sớm quan tâm, có lộ trình đầu tư cơ sở vật chất và phân luồng phù hợp.

Hiện, lộ trình phân luồng đang được tỉnh triển khai với mục tiêu trước mắt là đến năm 2025, có 40% học sinh tốt nghiệp THCS vào học các cơ sở dạy nghề. Các trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện - với lợi thế là nơi học tập thuận lợi nhất cho học sinh trên từng địa bàn - ngoài việc khơi dậy nội lực, làm sao xuất hiện mô hình đào tạo mới là sự liên kết giữa nhà trường - doanh nghiệp và thị trường lao động, đặc biệt xã hội hóa công tác đào tạo nghề. Ví như năm học này, nhiều cách làm hay được các trung tâm ở TX. Hương Thủy và huyện Phú Lộc áp dụng khi liên kết với các trường trung cấp, cao đẳng nghề để dạy văn hóa cũng như về tận các thôn để chiêu sinh. Hiệu quả là tăng số lượng học viên từ 50 đến 60 người/trung tâm.

Trong việc phân luồng học sinh, cần phân loại đối tượng để định hướng một cách đầy đủ và khách quan. Các ngành liên quan phải phối hợp để có những chương trình tư vấn hướng nghiệp phù hợp, tăng cường đưa học sinh đi trải nghiệm nghề nghiệp ở các cơ sở dạy nghề.

Các địa phương cũng cần khuyến khích các doanh nghiệp hợp đồng với các cơ sở nghề trong công tác đào tạo sử dụng nguồn nhân lực, mới hy vọng tạo ra bước đột phá trong công tác đào tạo nghề, mở ra một trang mới cho giáo dục thường xuyên.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thoát nước đô thị

Theo đánh giá của Sở Xây dựng, hệ thống thoát nước ở Khu đô thị mới (KĐTM) An Vân Dương tính đến thời điểm hiện tại đã đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu thoát nước mưa trong khu vục. Tuy nhiên, vẫn có một số vị trí có tình trạng ngập úng cục bộ do vướng mặt bằng nên chưa đầu tư liên thông hệ thống thoát nước đồng bộ.

Đầu tư hoàn chỉnh hệ thống thoát nước đô thị
Phát huy thế mạnh trong thu hút đầu tư, kinh doanh

Với lợi thế cách Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô khoảng 40km, đồng thời nằm trên tuyến hành lang kinh tế Đông Tây, có QL1A và đường sắt Bắc- Nam đi qua, đặc biệt có Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài và Khu công nghiệp (KCN) Phú Bài nên Hương Thủy hội tụ gần như đầy đủ các yếu tố thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế, giao lưu thương mại với các vùng, miền trong nước cũng như quốc tế.

Phát huy thế mạnh trong thu hút đầu tư, kinh doanh
Cẩn thận với các hình thức đầu tư đa cấp

Đang ngủ trưa thì tôi bị thằng bạn gọi dậy, nghe giọng hốt hoảng: “Bạn ơi, tôi mất một tỷ đồng, trắng tay rồi”. Hóa ra, nó đầu tư theo hình thức đa cấp, lấy lãi cao vào Công ty TNHH Tư vấn đầu tư G. chi nhánh Huế.

Cẩn thận với các hình thức đầu tư đa cấp

TIN MỚI

Return to top