ClockThứ Bảy, 12/11/2022 06:45

Dạy văn không thể áp đặt kiến thức và cảm xúc

TTH - Chưa bao giờ việc học văn và dạy văn lại đứng trước một tình thế đầy mâu thuẫn như hiện nay. Sách giáo khoa, phương tiện học tập phong phú, đội ngũ thầy cô giáo nhiệt huyết nhưng môn văn lại bị "giảm sút uy tín". Sự chuyên tâm và say mê của người đi học có chiều hướng suy giảm.

Khó xoay xở khi giáo viên đơn môn dạy tích hợpCần dạy gì cho học sinh trước khi dạy văn hóaKhi các con được lắng nghe

Tiết học ngoại khóa của học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học

Học chỉ để mà… thi

Cô con gái đang học lớp 12 Trường THPT Hai Bà Trưng, từng đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn văn bày tỏ, lâu nay các bạn không thích học văn vì giáo viên chỉ truyền đạt kiến thức trong nội dung sách giáo khoa, ít khi mở rộng. Mà chỉ trong sách thôi thì rất chán, nhiều bạn cứ học thuộc các bài văn mẫu và đi thi thì lại trông chờ... trúng tủ. Hỏi dạy thế nào mới khiến người học hứng thú, con bé trả lời ngay, con muốn giờ văn, học sinh được trải nghiệm, được viết và được sáng tạo. Các bài văn được mở rộng, không theo khuôn mẫu nào…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do học sinh cho rằng ngữ văn là môn… học thuộc lòng. So với các môn tự nhiên, người học văn không cần thiết phải tư duy quá nhiều. Một phần xảy ra tình trạng dạy và học theo văn mẫu là do giáo viên không đổi mới phương pháp dạy học, chỉ áp đặt kiến thức của mình lên học sinh khiến tiết học trở nên một chiều, không có sự tương tác. Khách quan mà nói, lâu nay môn học này thiên về đọc chép, chưa chú trọng phát triển tư duy của học sinh.

Thầy giáo Nguyễn Hữu Ánh, một nhà giáo đã nghỉ hưu cho biết, nguyên nhân sâu xa vẫn bắt nguồn từ câu chuyện thi cử. Điểm thi môn học này được chấm theo barem nên giáo viên sẽ dạy theo kiểu đọc chép. Học sinh làm bài chỉ cần đúng ý, đủ điểm và không dám phá cách. Với cách dạy theo kiểu học thuộc sẽ hạn chế năng lực tư duy, phản biện xã hội của học sinh.

“Hàng chục năm qua, chúng ta vẫn dạy học trò, rằng nhân vật chính diện luôn luôn là người tốt, nhân vật phản diện bắt buộc là người xấu. Nhưng cuộc sống này vốn đa chiều và xã hội luôn vận động. Bất kể một sự vật, hiện tượng và con người nào cũng có những mặt được và chưa được. Suy cho cùng, cái đích lớn nhất của việc học văn là để trau dồi tâm hồn và học cách làm người. Nếu giáo viên không hướng học sinh đến những giá trị đó thì môn học này đương nhiên sẽ bị gắn mác nhàm chán. Thầy giáo Nguyễn Hữu Ánh bày tỏ.

Giáo viên vừa học, vừa dạy

Mới mẻ và tích cực là nhận định của nhiều giáo viên với chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới nói chung và hướng dẫn đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá môn ngữ văn nói riêng. Định hướng của chương trình GDPT mới là phát huy năng lực của người học, vì thế việc đổi mới cách đánh giá với môn ngữ văn là hợp lý. Thực tế, yêu cầu đổi mới trong dạy học ngữ văn của Bộ GD&ĐT đang được thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, việc thay đổi trong thời gian ngắn khiến giáo viên, học sinh gặp khó khăn trong làm quen và tiếp cận.

Qua khảo sát tại một số trường, chúng tôi nhận thấy, một câu hỏi luôn khiến dư luận xã hội và các chuyên gia giáo dục quan tâm, trăn trở là làm sao để chấm dứt tình trạng dạy và học theo văn mẫu. Không khó để thấy những bài văn trong trường phổ thông của nhiều học sinh viết giống nhau, không phát huy được sự sáng tạo. Còn liên quan đến nội dung thiết kế đề kiểm tra, đánh giá, nhiều ý kiến nêu quan điểm, với môn ngữ văn, đánh giá bằng hình thức tự luận là phù hợp. Các câu hỏi trắc nghiệm khách quan chủ yếu chỉ để kiểm tra kỹ năng đọc hiểu ở mức độ nhận biết, đặc biệt là đọc hiểu văn bản thông tin.

Thầy giáo Trần Văn Toản, giáo viên Trường THPT chuyên Quốc Học trao đổi: Trước đây, sách giáo khoa ngữ văn soạn theo tiến trình lịch sử, truyền đạt kiến thức nội dung và nghệ thuật từng tác phẩm cho học sinh. Nay, giáo viên soạn theo đặc trưng thể loại, chú trọng cung cấp cho học sinh công cụ, kỹ năng cơ bản, cần thiết để khi tiếp cận tác phẩm mới các em biết cách đọc, cách phân tích. Muốn vậy, giáo viên phải chú ý mã thể loại, học sinh nắm chắc đặc trưng thể loại để tiếp nhận tác phẩm khác ngoài sách giáo khoa. Với bậc học THPT, đây là năm đầu tiên thực hiện chương trình GDPT 2018 nên chắc chắn giáo viên gặp khó khăn và lúng túng trong quá trình dạy học, trong đó có phương pháp dạy, học văn. Chương trình tập huấn không kỹ, chủ yếu tập huấn online nên giáo viên tự học, vừa làm vừa học là chính.

Để học sinh yêu thích môn văn

Từ thực tế giảng dạy, cô giáo Hồ Thị Lệ Hằng, Tổ trưởng chuyên môn Ngữ văn, Trường THPT Phú Bài chia sẻ về nỗ lực để nâng cao chất lượng giảng dạy môn văn. Đáng nói là vai trò của tổ chuyên môn được nhấn mạnh. Tổ văn của trường cô thực hiện thảo luận về xây dựng kế hoạch giáo dục bộ môn phù hợp thực tế. Tổ cũng thống nhất thực hiện đa dạng hình thức kiểm tra, đánh giá, như: Xây dựng bài kiểm tra trắc nghiệm khách quan, kiểm tra tự luận, kiểm tra trắc nghiệm kết hợp với tự luận, bảng hỏi ngắn… Việc đánh giá thường xuyên thực hiện linh hoạt, học đến đâu đánh giá đến đó, ghi nhận bảng kiểm, thang đánh giá để quan sát sự chuyển biến về hành động, thái độ và cảm xúc của học sinh.

Mới đây, Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã có văn bản về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá riêng đối với môn Ngữ văn ở trường phổ thông, áp dụng từ năm học 2022 - 2023. Theo các chuyên gia giáo dục, học sinh có hứng thú với môn ngữ văn hay không, có sáng tạo trong bài viết, câu văn có giàu cảm xúc hay không phần lớn phụ thuộc vào phương pháp của giáo viên.

Là một giáo viên dạy giỏi và có nhiều kinh nghiệm, thầy giáo Trần Văn Toản cho rằng, đầu tiên, giáo viên cần phải làm sao để học sinh yêu thích môn học, từ đó các em mới thấy được cái hay, cái đẹp trong môn ngữ văn. Môn học này có ưu thế là ngoài truyền đạt kiến thức, giáo viên còn có thể giáo dục kỹ năng sống thông qua các bài giảng, từ đó, học sinh phát huy tính gợi mở để có sự sáng tạo trong bài làm. Giáo viên cần tôn trọng sự sáng tạo, bởi vì mỗi học sinh sẽ có cách diễn đạt khác nhau, miễn là các em cảm thụ văn học với ngôn từ phù hợp, chuẩn mực.

Cùng quan điểm, cô giáo Dương Nữ Uyên Nhi, giáo viên môn ngữ văn Trường THPT Hai Bà Trưng nhận định: Ðể học sinh yêu thích môn ngữ văn, trước hết người giáo viên phải tiếp cận với các phương pháp giảng dạy hiện đại để truyền cảm hứng, đánh thức được sự sáng tạo của người học. Ðồng thời, kịp thời động viên, khích lệ những học sinh viết bằng ngôn từ chân thật, giàu cảm xúc... Giáo viên cần phát huy tối đa được các năng lực của người học và chức năng, bản chất của văn chương, chứ không thể áp đặt kiến thức và cảm xúc của người dạy sang người học.

 Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cho con xe, đừng quên cho thêm kiến thức

Vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra vào ngày 20/3 tại Km 123+600 thuộc Quốc lộ 26 (đoạn qua thị trấn Phước An, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) khiến nam sinh lớp 7 tử vong một lần nữa làm cho bậc làm cha làm mẹ không khỏi lo lắng khi giao xe cho con tự điều khiển tham gia giao thông.

Cho con xe, đừng quên cho thêm kiến thức
Du lịch không thể phát triển một mình

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng khẳng định: “Du lịch không thể phát triển một mình”. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và để phát triển được du lịch phải có sự đồng hành của nhiều ngành, nhiều người.

Du lịch không thể phát triển một mình

TIN MỚI

Return to top