ClockThứ Năm, 07/03/2019 12:39

Để trẻ chủ động lĩnh hội kiến thức

TTH - Cho trẻ được chủ động, tự chiếm lĩnh kiến thức và kinh nghiệm, qua đó, hình thành và phát triển nhân cách toàn diện là phương pháp giáo dục đang được các trường mầm non trên địa bàn thành phố Huế áp dụng.

Khó huy động trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ra lớpPhê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm nonPhê duyệt Đề án phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025

Trẻ được phát triển về thể chất với khu tập luyện thể thao (Ảnh chụp tại Trường mầm non 1)

Lấy trẻ làm trung tâm

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Nhung, giáo viên lớp 4, 5 tuổi, Trường mầm non 1, chia sẻ, vào một buổi học, theo dự tính, các bé sẽ được xem bể cá. Tuy vậy, khi bước ra khu vực ngoài trời, nhiều bé lại tò mò về các loài hoa đang nở trong sân trường. Vậy là, cô giáo nắm bắt ngay niềm hứng thú đó, cùng trẻ tìm hiểu về tên gọi, đặc điểm của các loài hoa trong niềm say sưa, hứng thú con trẻ.

Cô giáo Đặng Thị Phương Tâm, Hiệu trưởng Trường mầm non 1, cho hay: “Giáo dục lấy trẻ làm trung tâm là không chỉ truyền đạt kiến thức cho trẻ một cách thụ động mà giáo viên tạo ra các điều kiện, các cơ hội để mọi đứa trẻ được chủ động, sáng tạo, tích cực hoạt động, tự chiếm lĩnh kiến thức và kinh nghiệm. Giáo viên cần nắm và lựa chọn được nội dung, phương pháp phù hợp với từng nhóm, từng cá nhân trẻ”.

Tại Trường mầm non Hương Lưu (TP. Huế), trẻ được chơi trò "khám bệnh", điểm hấp dẫn là bác sĩ nhí đeo ống nghe vào tai, đặt ống nghe lên ngực người bệnh. Hay trò chơi “bán hàng”, người bán hàng nhí thì mời chào và người mua hàng nhí ngã giá… Động cơ của vui chơi nằm ngay trong quá trình hoạt động, trẻ biết cùng nhau hợp tác nên trò chơi mang tính tự nguyện rất cao, mang lại niềm vui thích cho trẻ.

Cô giáo Phan Thị Nam, Hiệu trưởng Trường mầm non Hương Lưu, cho biết: “Trong khi chơi, trẻ thể hiện rõ ý thức làm chủ, trẻ hoạt động hết mình, tích cực và độc lập. Trẻ học qua chơi, chơi mà học. Trong đó, trẻ nhà trẻ hoạt động chơi chủ đạo là hoạt động với đồ vật và trẻ mẫu giáo hoạt động vui chơi là chủ đạo, mà trung tâm là trò chơi đóng vai theo chủ đề. Hoạt động này không mang tính bắt buộc, trẻ tham gia nhiệt tình do chính sức hấp dẫn của trò chơi”.

Các giáo viên mầm non nhận định, khi dạy và học theo phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm thì trẻ rất tự tin, năng động, sáng tạo và thích thú khám phá mọi vật xung quanh, không còn rụt rè.

Phát triển toàn diện

Bé Hoàng Nguyễn An Nhiên, lớp A2, 5 tuổi, Trường mầm non 1, khoe rằng: “Con thích nhất là được cắt dán, hái rau. Con biết được nhiều loại rau như rau muống, rau khoai, rau ngót, lá dứa, sả…”.

Trường còn sáng tạo khi xây dựng góc chơi để hoạt động ngoài trời an toàn, sạch, đẹp giúp trẻ chủ động khám phá, trải nghiệm, sáng tạo, như: khu vận động để chơi cầu trượt hay xích đu với vật liệu từ lốp xe và trẻ có thể tập luyện thể thao ném bóng, đá bóng tại sân cỏ mini.

Điều đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và cha mẹ trẻ, không chỉ đóng góp xây dựng cảnh quan, môi trường, trang thiết bị học tập, mà cả trong chăm sóc, giáo dục trẻ. Ở các trường mầm non trên địa bàn thành phố, đồ chơi, học liệu và phương tiện đặc chủng cho từng góc được bày biện hấp dẫn. Trẻ được tham gia chơi trong những không gian nhỏ và được tận dụng tối đa những không gian bỏ trống ở các khu vực cầu thang, hành lang, cầu nối. Với nhiều đồ chơi, học liệu gần gũi do phụ huynh hỗ trợ đã tạo cho trẻ được tham gia hoạt động mọi lúc mọi nơi, tạo ra các cơ hội học tập, khám phá trải nghiệm và vào các thời điểm trong ngày.

Hằng năm, Ban đại diện cha mẹ học sinh Trường mầm non Hương Lưu phối hợp với nhà trường tổ chức cho trẻ đi tham quan các di tích, danh lam thắng cảnh của quê hương, như Đại Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh, lăng tẩm, nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nổ; tổ chức các buổi giao lưu “Ngày hội giáo dục phát triển vận động”; giao lưu “Bé khéo tay”; tham gia phiên chợ quê và các gian hàng ẩm thực với những món đặc sản truyền thống của quê hương...

Bà Hồ Thị Ngọc Như, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Huế, đánh giá: “Các trường mầm non trên địa bàn thành phố phối hợp với phụ huynh thực hiện công tác xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm khá tốt và đồng bộ. Phương pháp giáo dục này nhằm thỏa mãn nhu cầu vui chơi và hoạt động của trẻ, thông qua đó, nhân cách trẻ được hình thành và phát triển toàn diện”.

Bài, ảnh: Phước Ly

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không để dịch bệnh mùa bão lũ bùng phát

Ngày 7/11, Sở Y tế cho biết vừa ban hành công văn yêu cầu tăng cường phòng chống dịch trước, trong và sau các đợt mưa lũ đối với các đơn vị trực thuộc và 9 trung tâm y tế (TTYT) huyện, thị, thành phố. Tinh thần chỉ đạo chú trọng việc không để dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng.

Không để dịch bệnh mùa bão lũ bùng phát
Cảnh giác, chủ động, không chủ quan

Bão số 6 (TRAMI) tạm biệt Philippines để vào Biển Đông và phăm phăm hướng về miền Trung nước ta. Là dân của xứ “trời hành cơn lụt mỗi năm”, lại vừa chứng kiến cơn bão Yagi tàn phá kinh hoàng các tỉnh phía bắc, nên từ trước đó nhiều ngày, đi đâu cũng nghe bà con bàn tán về bão. Và hầu như ai cũng có smartphone nên vừa bàn tán, vừa mở mạng xem dự báo, đường đi của bão nó sẽ như thế nào.

Cảnh giác, chủ động, không chủ quan
Chủ động mọi tình huống khi mưa bão đến

Quảng Điền là vùng thấp trũng, hàng năm thường chịu ảnh hưởng của thiên tai. Để giảm thiểu những thiệt hại do bão lũ gây ra, liên tục những ngày qua, lãnh đạo huyện và các phòng, ban chuyên môn đã trực tiếp về tận cơ sở để chỉ đạo công tác ứng phó với mưa bão.

Chủ động mọi tình huống khi mưa bão đến
Chủ động hơn trong việc ứng phó với thiên tai

Thừa Thiên Huế là địa phương thường xuyên phải hứng chịu các trận bão lụt lớn, nên người dân ngày càng chủ động hơn trong ứng phó với thiên tai, giảm thiểu đến mức thấp nhất các thiệt hại.

Chủ động hơn trong việc ứng phó với thiên tai

TIN MỚI

Return to top