ClockThứ Năm, 08/07/2021 13:15

Đổi đất lấy trường học & gỡ khó bằng dám nghĩ, dám làm - kỳ 1: Cái khó không “bó” được quyết tâm

TTH - Từng trường học có thể tự xây dựng kế hoạch và phấn đấu, từng bước sẽ đạt chuẩn về chất lượng giáo dục, song, cơ sở vật chất (CSVC) nằm ngoài tầm tay nhà trường và được coi là tiêu chuẩn khó thực hiện nhất trong xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (CQG).

Nguy cơ “rớt chuẩn” của các trường chuẩn ở A LướiXây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, đột phá cho Phú Lộc?Hương Trà đối mặt với tình trạng “rơi chuẩn” quốc giaĐầu năm học mới, lo chuyện trường lớp

Nhà vệ sinh trong trường học giờ đã khang trang

Con số trường học tại Thừa Thiên Huế đạt CQG ngày càng nhiều. “Vạn sự khởi đầu nan” và hành trình chung là các trường học đã biết gỡ khó bằng dám nghĩ, dám làm.

Tiến thẳng lên CQG mức độ II

Chất lượng đại trà trung bình, thành tích đỉnh cao không nổi bật, CSVC thiếu thốn là thách thức đối với Trường tiểu học Phú Thượng 1 (TP. Huế) khi năm 2014 được đưa vào diện xây dựng trở thành trường đạt CQG. Để nâng cao chất lượng giáo dục, trường không ngần ngại đổi mới khi tổ chức dạy ngoại ngữ từ lớp 1 đến lớp 5, ứng dụng mô hình VNEN, xây dựng tiết dạy “Lấy hoạt động của học sinh làm trung tâm”, triển khai dạy môn tiếng Việt lớp 1 theo công nghệ giáo dục…

Đáng nói là, qua hơn 2 năm được đầu tư, Phú Thượng 1 đổi thay như hình ảnh cô Tấm năm nào bước ra từ quả thị. Diện tích khuôn viên trường vượt 11,5m2 so với quy định. Trường có 17 phòng học, được trang trí thân thiện, đảm bảo thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Khối phòng phục vụ học tập đáng mơ ước, gồm các phòng giáo dục thể chất, giáo dục nghệ thuật, học ngoại ngữ, máy tính, thiết bị giáo dục, truyền thống và hoạt động Đội, thư viện đạt chuẩn. Học sinh tới trường không chỉ được học tập trong môi trường đủ đầy tiện nghi, mà còn được vui chơi trong không gian xanh - sạch - đẹp.

Cùng với đạt yêu cầu về chất lượng đào tạo và hoạt động xã hội, với CSVC nhận được sự “ok”,  cuối năm 2016, Trường tiểu học Phú Thượng 1 chính thức “bỏ qua” mức độ 1 để đạt CQG mức độ 2. Hiệu trưởng nhà trường Trần Nguyễn Nhật Lệ chia sẻ, nhà trường rất mừng vì quá trình phấn đấu có sự chung tay của tập thể giáo viên, hội phụ huynh, lãnh đạo địa phương và của ngành. Ban giám hiệu luôn lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp và biết tranh thủ sự hỗ trợ từ nhiều phía.

Nỗi lo thiếu đất

Bí quyết nào giúp bộ mặt Trường tiểu học Phú Thượng 1 nhanh chóng có sự đổi thay kỳ diệu kia, câu trả lời chúng tôi nhận được là từ bán đất. Cùng với hình thức “đổi đất lấy hạ tầng”, phường Phú Thượng còn đầu tư xây dựng Trường mầm non Hoa Hồng với đủ các phòng chức năng để hướng đến xây dựng trường CQG. huyện Phú Vang còn có 3 Trường THCS là Phú Dương, Phú Mậu và  Phú Mỹ, nhờ có chương trình nông thôn mới đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng học nên nhanh chóng được công nhận đạt CQG.

Không phải trường học nào cũng hanh thông và đầu tư CSVC thuận lợi như ở Phú Thượng 1. Nhiều địa phương cũng áp dụng mô hình này nhưng khó do không bán được đất. Ít ai nghĩ tới là, đến nay đạt CQG chỉ mới dừng lại ở ước mơ phấn đấu của Trường tiểu học Vĩnh Ninh (TP. Huế). Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Minh Trang không vui, khó khăn về quỹ đất nên trường chưa đáp ứng các tiêu chí đạt CQG. Với diện tích 3.998m2, song do số lượng học sinh trong và ngoài phường có nhu cầu đông nên hiện trường có đến 36 lớp và mỗi lớp hiện có từ 36-38 em, vượt nhiều so với quy định. Các phòng chức năng không có quỹ đất để xây dựng.

Nỗi khổ thiếu đất cũng diễn ra ở Trường mầm non An Cựu. Được đánh giá là cơ sở mầm non có chất lượng dạy tốt nên thu hút nhiều phụ huynh cho con em đến học. Song, thiếu quỹ đất nên trường không thể xây dựng thêm phòng học mới, trong khi số lượng cháu đến đăng ký nhập học ngày càng nhiều. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nga thông tin, do thiếu phòng học nên hiện trường không thể tiếp nhận các cháu đến tuổi mẫu giáo đến đăng ký muộn. Trường cũng không có phòng chức năng, sân chơi hẹp và diện tích mỗi phòng học chỉ 35m2 nên không đáp ứng tiêu chí trường đạt CQG.

Hằng năm, TP. Huế đầu tư trên 100 tỷ đồng để xây mới và cải tạo, song số phòng học mới tăng lên không nhiều do đa số đều xây dựng phòng học mới trên cơ sở phòng cũ bởi thiếu đất. Các trường ở trung tâm thì không còn quỹ đất xây dựng nên rất khó để được công nhận trường  đạt CQG.

Tạm bằng lòng với tỷ lệ 65,61%

Theo ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT, các địa phương dành một phần ngân sách về kinh phí đổi đất lấy nhà hạ tầng để hỗ trợ xây dựng nên các trường có được diện mạo xanh - sạch - đẹp, điều kiện học tập được cải thiện, chất lượng được nâng lên. Ngay các huyện Phú Vang, Phong Điền và thị xã Hương Trà có tỷ lệ đầu tư rất thấp, nhưng nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và ưu tiên đầu tư ngân sách, CSVC, quỹ đất nên đẩy nhanh được tiến độ xây dựng trường học đạt CQG. UBND huyện Phong Điền chỉ đạo quyết liệt các xã, thị trấn đầu tư CSVC. Chương trình kiên cố hóa trường lớp, đề án phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi có tác động cải thiện tình hình cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy và học của các nhà trường.

Một trong những bất cập là nhà vệ sinh trường học. Ngày 24/2/2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 525/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình Nhà vệ sinh trường học giai đoạn 2020 -2021, có sử dụng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hàng năm. Theo đó, tỉnh sửa chữa, nâng cấp duy tu, bảo dưỡng 501 nhà vệ sinh học sinh, 108 nhà vệ sinh giáo viên; xây mới 88 nhà vệ sinh học sinh và 131 nhà vệ sinh giáo viên.

Khó khăn về CSVC từng bước giải quyết. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh tạm bằng lòng khi có 374/570 trường đạt CQG (65,61), trong đó, bậc tiểu học cao nhất, đạt 85%. Ngành học mầm non thấp nhất, cũng đạt khoảng 45%. Vui như huyện miền núi Nam Đông có 25/28 trường đạt CQG. Gặp khó khăn như Phú Vang, chỉ có 18 trường (năm 2015) nay đã 55/77 trường đạt CQG. Toàn tỉnh có 62 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 63,9%. Liên quan đến ngành giáo dục, báo cáo của Sở GD&ĐT cho thấy, có 73/97 xã đạt tiêu chí số 5, liên quan tới CSVC trường học (chiếm 75,3%).

Bài và ảnh: Huế Thu

KỲ 2: đối mặt với “rớt chuẩn”

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao giải Cuộc thi xây dựng bài giảng điện tử về chủ đề ô nhiễm rác thải nhựa

Sáng 27/9, Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam (Dự án TVA) với sự tài trợ của WWF-Na Uy (thông qua Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam, WWF-Việt Nam phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Huế tổ chức tổng kết mô hình Trường học giảm nhựa năm 2022- 2024 và trao giải Cuộc thi xây dựng bài giảng điện tử tích hợp chủ đề ô nhiễm rác thải nhựa (RTN) năm 2024.

Trao giải Cuộc thi xây dựng bài giảng điện tử về chủ đề ô nhiễm rác thải nhựa
Giải phóng mặt bằng: Đối thoại để gỡ khó

Tăng cường đối thoại, gặp gỡ người dân không chỉ là trách nhiệm, nghĩa vụ của người lãnh đạo chủ chốt tại các địa phương, mà còn là sự kỳ vọng, mong muốn của người dân trước những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).

Giải phóng mặt bằng Đối thoại để gỡ khó

TIN MỚI

Return to top