Học ngoại ngữ ở Trường tiểu học Hương Hồ (Hương Trà)
Nhìn từ Hương Hồ
Năm học 2019 - 2020 là năm thứ 5 Trường tiểu học (TH) Hương Hồ triển khai dạy và học môn ngoại ngữ cho các em ngay từ năm lớp 1. Để giúp các em làm quen và yêu thích môn học tiếng Anh, việc dạy và học không còn bó buộc trong lớp học hoặc chỉ lệ thuộc vào sách giáo khoa. Các em có thể dễ dàng tiếp cận môn học này trong giờ ra chơi hay các hoạt động ngoài giờ, tham gia sinh hoạt các câu lạc bộ vào sáng thứ 7 hàng tuần, giao lưu ngoại khoá trong sân trường. Những kiến thức sách giáo khoa được cụ thể hoá bằng hình ảnh, âm thanh sinh động để các em dễ dàng tiếp thu.
“Trước đây, Hương Hồ được xem là “vùng trũng” trong việc dạy, học ngoại ngữ so với khu vực cụm trung tâm thị xã Hương Trà, nhưng nay, khoảng cách này đã được lấp đầy. Năm học 2017 - 2018, học sinh của trường tham gia giao lưu tiếng Anh cấp thị xã đạt giải nhì, cấp tỉnh cũng đạt giải cao. Việc dạy và học tiếng Anh ở trường được sự ủng hộ của cha mẹ học sinh và đang tạo tiền đề để nhà trường nâng cao chất lượng môn học trong thời gian tới”, Phó Hiệu trưởng Trường TH Hương Hồ Lê Thị Thuỷ nói.
Thời gian qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thị xã Hương Trà luôn chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học môn ngoại ngữ ở các cấp học. Toàn thị xã có 26 trường TH, 2 trường TH & trung học cơ sở (THCS) thực hiện việc dạy học tiếng Anh 10 năm (từ lớp 3 đến 12) theo đề án dạy học ngoại ngữ của tỉnh. Năm học 2019 - 2020, Hương Trà có 9 trường dạy học, làm quen tiếng Anh từ lớp 1, 14 trường tổ chức học từ lớp 2 với 2 tiết/tuần. Đội ngũ giáo viên nhiệt tình, có kinh nghiệm, chất lượng đội ngũ đồng đều với 100% đạt chuẩn và được tham gia bồi dưỡng đạt chuẩn B2. Nhiều trường học được trang bị phòng học máy, học tiếng, trang thiết bị nghe nhìn, giảng dạy.
Đa dạng việc dạy và học
Bắt đầu từ tháng 11/2018, đề án “Tăng cường tiếng Anh giao tiếp cơ bản cho học sinh THCS, giai đoạn 2018 - 2022” do Trung tâm Anh ngữ quốc tế EUC phối hợp chính thức khởi động triển khai tại Huế. Ban đầu, toàn thành phố có 1.836 học sinh tham gia (đạt tỷ lệ 34,4%). Các em học 8 tiết/tháng; trong đó, có 4 tiết học với giáo viên người nước ngoài. Các em cũng được học trực tuyến với các khóa học tiếng Anh Cambridge. Kèm theo đó là những tiếp sức kịp thời về kinh phí của TP. Huế.
Các cuộc thi hùng biện tiếng Anh được tổ chức trong tỉnh. Các cuộc thi cho thấy, rất nhiều học sinh nông thôn nói lưu loát tiếng Anh. Em Nguyễn Thị Mỹ Dung, học sinh Trường THPT An Lương Đông (Phú Lộc), đạt giải ba hùng biện tiếng Anh cấp tỉnh cho biết: "Em không có điều kiện học ngoại ngữ ở các trung tâm nên em cố gắng nắm chắc văn phạm và từ vựng tiếng Anh ở trên lớp. Em kết nối với nhiều bạn qua mạng internet và có thể trò chuyện bằng tiếng Anh hàng ngày”.
Việc dạy và học ngoại ngữ ở các trường học được đa dạng hóa. Nhiều trường đã thành lập những câu lạc bộ tiếng Anh, Pháp... để các em có môi trường rèn luyện. Cô giáo Mai Thị Thúy, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hùng Vương (TP. Huế), chia sẻ: Câu lạc bộ tiếng Anh trong trường được tổ chức khá hiệu quả. Các em biết tận dụng lợi thế công nghệ khi kết nối với bạn bè ở các nước qua skype để trò chuyện. Nhiều em tìm những bài báo bằng tiếng nước ngoài trên mạng internet để chia sẻ thông tin cho các bạn. Thậm chí, điện thoại thông minh được tận dụng hiệu quả khi các em sử dụng vào việc nghe nhạc, nghe đài bằng ngoại ngữ...
Cần sự bền vững
Kết quả kỳ thi THPT quốc gia gần đây, cùng với lịch sử, môn tiếng Anh nằm trong số môn thi có điểm trung bình thấp nhất. Năm 2016 chỉ có 3,48 điểm; năm 2017 là 4,46 điểm và năm 2019 cũng chỉ có 4,36 điểm. Thừa Thiên Huế tuy có điểm trung bình khá hơn nhưng nhìn chung vẫn thấp, đặt ra vấn đề đáng suy nghĩ trong việc dạy và học ngoại ngữ hiện nay.
Thực hiện Quyết định số 1400/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch số 107/KH - UBND về triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2018 - 2025 trên địa bàn. Đáng ghi nhận ở đây là tinh thần đổi mới mạnh mẽ việc dạy và học ngoại ngữ trong các trường học. Tổ chức học ngoại ngữ sớm (từ lớp 1), đổi mới theo hướng phát huy tinh năng động của thầy và trò, hướng tới mục tiêu phát triể kỹ năng ngoại ngữ toàn diện: đọc - viết - nghe - nói.
Hội nghị tập huấn đổi mới phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng môn ngoại ngữ nhằm nâng cao chất lượng thi THPT quốc gia do Sở GD & ĐT tổ chức mới đây yêu cầu các trường tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng nhiều kỹ thuật dạy học tích cực để tạo nguồn cảm hứng và nâng cao ý thức học tập ngoại ngữ cho học sinh. Khai thác cơ sở vật chất hiện có để tăng cường sự tương tác trực tiếp giữa giáo viên - học sinh, học sinh - học sinh để nâng cao các kỹ năng ngôn ngữ; đồng thời, tạo môi trường giao tiếp ngoại ngữ giúp học sinh thực hành và sử dụng ngôn ngữ. Giáo viên phải xây dựng kế hoạch tự học, tự đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Đó là những giải pháp mang tính khả thi cao. Tuy nhiên, không thể một sớm một chiều, bên cạnh năng lực người học và phương pháp học tập, phải xem học ngoại ngữ là công việc suốt đời, theo kiểu “mưa dầm, thấm lâu” mới có thể chinh phục được môn học môn học có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp hội nhập và phát triển của đất nước hiện nay.
Bài, ảnh: Huế Thu