Theo công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh ĐH hệ chính quy theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 (điểm sàn) của Hội đồng Tuyển sinh ĐH Huế ngày 12/8 (ngoại trừ khối ngành đào tạo giáo viên, khoa học sức khỏe do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định) thì mức điểm sàn các ngành năm nay dao động từ 14 - 20, nhiều ngành có mức điểm sàn tăng nhẹ.
TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế cho biết, năm nay, các ngành có mức điểm sàn 20 là thú y (Trường ĐH Nông Lâm), quản trị du lịch và khách sạn (Trường Du lịch). Ngành công nghệ thực phẩm (Trường ĐH Nông Lâm) cũng có mức điểm khá cao là 19. Mức điểm sàn phổ biến của nhiều ngành ở các trường thành viên, đơn vị thuộc ĐH Huế từ 15 - 18 điểm. Riêng Phân hiệu ĐH Huế tại Quảng Trị, mức điểm sàn các ngành đều là 14.
Điểm sàn vừa được công bố khiến nhiều thí sinh quan tâm. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều ngành có mức điểm sàn tăng so với năm ngoái, nhiều thí sinh cho rằng khả năng điểm chuẩn sẽ tăng. Thí sinh Nguyễn Khánh Hà (TP. Huế) thắc mắc: “Điểm sàn tăng khả năng kéo theo điểm chuẩn tăng, nhưng băn khoăn lớn nhất là sẽ tăng khoảng bao nhiêu điểm, những ngành nào sẽ tăng mạnh”.
Dưới góc độ chuyên môn, đại diện các trường ĐH phân tích điểm chuẩn có thể tăng, nhưng phụ thuộc nhiều yếu tố. PGS.TS. Trần Thanh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế cho rằng, phải đợi kết thúc quá trình lọc ảo, dựa vào tình hình thực tế lượng thí sinh đăng ký xét tuyển mới đánh giá được mức điểm chuẩn, song, từ điểm sàn và phổ điểm thi, có thể dự báo một số ngành có thể tăng điểm chuẩn từ 0,5 – 2 điểm so với năm 2020, một số ngành vẫn có thể giữ bằng mức điểm năm ngoái.
ThS. Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo, đại diện bộ phận tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Ngoại ngữ nhận định, từ kết quả điểm sàn và các yếu tố liên quan, nhóm ngành của trường có điểm sàn thấp có thể giữ nguyên mức điểm chuẩn như năm 2020. Riêng những ngành có mức điểm sàn cao, mức điểm chuẩn năm nay có thể tăng từ 0,5 – 1,5 điểm. “Sau khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng mới có kết quả đánh giá đúng. Tuy nhiên, qua theo dõi tình hình tuyển sinh năm nay, có thể dự báo điểm chuẩn một số ngành tăng nhẹ”, ThS. Phan Thanh Tiến nói thêm.
Theo TS. Nguyễn Công Hào, nhìn vào phổ điểm thi năm nay, ngoại trừ môn lịch sử có đỉnh phổ điểm lệch nhẹ về bên trái, phổ điểm tất cả môn năm 2021 đều nghiêng mạnh về bên phải. Đợi sau thời gian thí sinh thực hiện quyền điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo phương thức trực tuyến (từ ngày 29/8 đến 17 giờ ngày 5/9), dựa vào nhiều yếu tố, cơ sở đào tạo sẽ quyết định điểm chuẩn. Tuy nhiên, trên kết quả phân tích phổ điểm, đặc biệt là phổ điểm môn sinh học, ngoại ngữ khá cao, những ngành có tổ hợp các môn sinh học, ngoại ngữ có thể tăng mạnh hơn về điểm chuẩn.
Điểm sàn là mức để các trường chấp nhận hồ sơ xét tuyển nhưng với một số ngành, điểm chuẩn có thể cao hơn điểm sàn khá nhiều. Tuy nhiên, theo đại diện các trường ĐH tại Huế, điểm sàn cũng là một cơ sở để thí sinh dựa vào đó xem xét, có thể điều chỉnh nguyện vọng. “Thí sinh nên so sánh điểm sàn năm nay với các năm, nghiên cứu mức điểm chuẩn khoảng 3 năm trở lại để tính toán khả năng điểm chuẩn và cơ hội trúng tuyển. Thông thường, điểm chuẩn không thay đổi quá 3 điểm so với mức điểm năm trước đó”, một cán bộ tuyển sinh đưa ra gợi ý.
Theo Hội đồng Tuyển sinh ĐH Huế, dự kiến từ ngày 12/9 đến 17 giờ ngày 15/9, sẽ thực hiện quy trình xét tuyển đợt 1 theo quy chế tuyển sinh cho phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT, sau đó sẽ họp Hội đồng tuyển sinh ĐH xét điểm trúng tuyển vào các ngành đào tạo của ĐH Huế theo phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 và công bố kết quả trúng tuyển trước 17 giờ ngày 16/9.
Hữu Phúc