Các ngành học của Đại học Huế hướng đến mô hình liên kết
Ngay trong năm đầu tiên, dưới sự quản lý trực tiếp của ĐH Huế, Khoa Quốc tế (được thành lập trên cơ sở Trung tâm đào tạo Quốc tế) có 2 ngành học mới là An toàn thông tin và Quản trị kinh doanh. Ngành An toàn thông tin là chương trình liên kết với Đại học Turku, nằm trong top 3 trường tốt nhất của Phần Lan và trong top 1% đại học tốt nhất trên toàn thế giới với môi trường học riêng biệt được thiết kế nhằm phát huy tối đa tiềm năng của người học. Còn ngành Quản trị Kinh doanh liên kết với Đại học Thương mại UTCC, được thành lập từ năm 1940, là tổ chức giáo dục phi lợi nhuận lâu đời nhất của Thái Lan.
Lâu nay, sinh viên muốn học những ngành quốc tế phải đến Hà Nội hay vào TP. Hồ Chí Minh. Với 2 chương trình liên kết quốc tế này, học sinh được học tại Huế và ở nước ngoài. Với ngành An toàn thông tin, sinh viên sẽ có 2 năm đầu học ở Huế và năm thứ 3 học ở Phần Lan. Còn ngành Quản trị kinh doanh, học 4 năm, 2 năm đầu ở Huế và 2 năm sau ở Thái Lan.
Cách phân chia thời gian du học kiểu này, sinh viên sẽ hạn chế được nhiều khó khăn do phải đi xa và chi phí lớn. Việc dành từ 1/3 đến một nửa thời gian học tập trong nước đã được khẳng định ở nhiều cơ sở đào tạo liên kết trong nước, không chỉ giảm được chi phí học tập, đi lại, ăn ở mà còn là cách để sinh viên chuẩn bị kiến thức, kỹ năng học tập ở nước ngoài, đặc biệt là khả năng ngoại ngữ.
Du học là hướng đi được nhiều bậc phụ huynh và học sinh lựa chọn. Trong bối cảnh đó, việc triển khai các chương trình liên kết với các trường đại học nước ngoài danh tiếng để tổ chức đào tạo theo mô hình triển khai của Khoa Quốc tế (Đại học Huế), cấp bằng quốc tế, là hướng đi được xã hội đón nhận.
Theo hướng đi này, Đại học Huế tái cấu trúc ngành nghề, khuyến khích mở các ngành xã hội có nhu cầu cao, các ngành thí điểm theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với ngành sư phạm, tạo điều kiện cho người học liên thông hoặc học cùng lúc hai bằng. Đại học Huế cũng khuyến khích mở các ngành, chuyên ngành thuộc khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, công nghệ mới, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo, các ngành thuộc dịch vụ, du lịch và chăm sóc sức khỏe đang được xã hội quan tâm.
Liên kết với các cơ sở giáo dục quốc tế để đào tạo, đáp ứng nhu cầu “du học” đang được xem là cách cả “ba cùng có lợi”, học sinh và phụ huynh - cơ sở giáo dục đại học trong nước - đối tác nước ngoài, rất cần được phát triển và nhân rộng. Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập như Đại học Huế, đây được xem là hướng đi trong quá trình chuyển sang cơ chế tự chủ, có pháp nhân đầy đủ, có quyền quyết định và chịu trách nhiệm về đào tạo, nghiên cứu, tổ chức, nhân sự và tài chính, theo tinh thần Nghị quyết 14 của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam.
Bài, ảnh: Phước Ly