Khó đến lớp đều đặn
Toàn tỉnh có gần 770 học viên đang theo học ở 67 lớp xóa mù. Tuy nhiên, theo Sở Giáo dục và Đào tạo, con số đó chỉ khảo sát ở độ tuổi từ 15 - 60 tuổi. Còn số người từ trên 60 tuổi đến 80 tuổi, học theo nhu cầu chiếm số lượng không nhỏ ở các lớp học xóa mù.
Lớp học ban đêm ở xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền
Hỏi chuyện Nguyễn Thị Bền ở lớp xóa mù thị trấn Thuận An (Phú Vang), chị cười hồn nhiên, cơm áo gạo tiền nằm đây chơ mô. Tui không biết chữ, thối tiền chậm, thiếu trước, hụt sau, khách bực, không lui tới nữa, buôn bán ế ẩm nên quyết tâm đi học chữ. Số người ở độ tuổi lao động có quyết tâm cao như chị Bền không ít. Họ thấy bất tiện, thiệt thòi về quyền lợi mỗi khi cán bộ xã đến vận động áp dụng khoa học kỹ thuật. Bởi, nghe mãi mà không tài nào nhớ nổi cách thức canh tác của các loại cây trồng. Lý do của nhiều phụ nữ nghèo là phải biết chữ để mỗi khi đi khám, cũng phải đọc được cách sử dụng thuốc.
Quyết tâm là điều có thật, song hầu hết những người mù chữ đều thuộc hộ nghèo, kinh tế khó khăn nên việc lao động để kiếm sống đối với họ cấp bách hơn việc học xóa mù chữ. Có người vội vã đến lớp sau những giờ làm việc vất vả, mệt mỏi nên học mãi mà chữ chẳng vào. Một cái khó với đồng bào miền núi khi nhiều người sống phân tán trên đồi, núi, xa trường lớp… nên dù được vận động nhưng ngại đi học hoặc bỏ học giữa chừng. Sau khi biết chữ họ ít cơ hội sử dụng tiếng Việt, chỉ tiếp cận một ít từ vựng cơ bản nên “tái mù” là điều dễ hiểu.
“Học viên là những người có kinh nghiệm, vốn sống, tuy nhiên, tiếp thu chậm, không quen về tư duy khái quát nên chậm tiến bộ. Trong khi nội dung chương trình gần như vượt quá khả năng. Thế nên, vừa đảm bảo tiến độ thực hiện chương trình, học viên lại phải tiếp thu được lượng kiến thức là vấn đề đặt ra cho giáo viên”. Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Nam Đông cho biết.
Nhiều người cho rằng, xóa mù chữ thành công hay không phụ thuộc vào giáo viên. Nơi nào giáo viên tận tâm, nắm bắt được tâm tư tình cảm của người học thì cái chữ đến gần với người dân hơn. Nhiều địa phương đã “tùy cơ ứng biến” khi mở các lớp xóa mù chữ khá linh hoạt, phù hợp với mọi đối tượng. Nhiều gia đình ở rải rác trên núi cao, lớp học ít thời gian, chỉ tranh thủ vào 2 - 3 tiếng buổi trưa và tối nên ban chỉ đạo cấp huyện, xã tạo điều kiện mở ngay tại điểm trường, nhà trưởng thôn…
Tôi nghe câu chuyện của cô giáo ở TX. Hương Thủy mà lòng đầy cảm phục. Có một gia đình có đến 10 thành viên nhưng đều chưa biết chữ. Cô giáo đến tận nhà để dạy cho các thành viên trong gia đình ở nhiều trình độ khác nhau. Cô giáo Nguyễn Thị Mến, dạy xóa mù chữ ở thôn 4 xã Phú Sơn (TX. Hương Thủy) bộc bạch: Dạy các lớp xóa mù cần phải kỳ công trong việc soạn giáo án vì mỗi người có một trình độ khác nhau. Đến lớp, lúc nào cũng phải đến sớm, hễ thấy không đủ học viên là giáo viên phải đến nhà vận động.
Vẫn còn khó khăn
Bà Cao Đăng Ngọc Phượng, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp và thường xuyên, Sở Giáo dục và Đào tạo, cho hay: Ngay chính nhận thức của người dân về công tác này còn hạn chế, chưa thấy rõ được vai trò và lợi ích của việc biết chữ đối với cuộc sống của cá nhân và sự phát triển chung của cộng đồng. Sự chỉ đạo của chính quyền, các cấp và ngành giáo dục ở địa phương đối với công tác xóa mù chữ chưa thực sực ráo riết, quyết liệt như trước. Kết quả xóa mù chữ không bền vững, hiện tượng tái mù vẫn diễn ra. Công tác điều tra cơ bản số người mù chữ hàng năm của các địa phương chưa được xem trọng, số liệu báo cáo không cập nhật và chưa sát thực tế, ảnh hưởng đến việc xây dựng, ban hành các quyết sách phù hợp.
Kinh nghiệm đối với một số vùng dân tộc thiểu số cần phát huy vai trò, uy tín của các già làng, trưởng bản trong việc tuyên truyền vận động người dân trong làng đi học xóa mù chữ và duy trì sĩ số lớp. Thêm nữa, cần tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên trong và ngoài ngành giáo dục tham gia dạy xóa mù chữ; khuyến khích các địa phương có chế độ, chính sách hỗ trợ cán bộ, giáo viên tham gia xóa mù chữ thuộc các địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn. Các địa phương cần củng cố kết quả biết chữ, hạn chế tái mù chữ bằng cách phối hợp với thư viện, nhà văn hóa xã cung cấp sách, báo, tài liệu thiết thực cho người dân tạo ra môi trường học tập, học đi đôi với hành.
Bài, ảnh: Huế Thu