ClockThứ Tư, 18/03/2020 07:30

Giáo dục đại trà phấn đấu nâng bậc

TTH - Cùng với phấn đấu đạt được nhiều thành tích ở giáo dục đỉnh cao, việc nâng cao chất lượng giáo dục đại trà đã và đang là vấn đề đặt ra đối với giáo dục và đào tạo Thừa Thiên Huế.

Bộ Giáo dục: Phí học online do nhà trường và phụ huynh tự thỏa thuậnSiết chặt dạy thêm trong mùa dịch

Thừa Thiên Huế phấn đấu nâng bậc trong kỳ thi quốc gia năm 2020

Cảm nhận từ một kỳ thi

Nếu kỳ thi học sinh giỏi quốc gia là thước đo chất lượng giáo dục đỉnh cao thì qua Kỳ thi trung học phổ thông (THPT) Quốc gia có thể nhận diện căn bản chất lượng giáo dục đại trà của một địa phương.

Lâu nay, kết quả thi tốt nghiệp trước đây và thi THPT Quốc gia gần đây, học sinh Thừa Thiên Huế nằm loanh quanh ở “top giữa”. Năm 2018, với mức điểm trung bình 4,98, Thừa Thiên Huế xếp hạng thứ 33/63 tỉnh, thành. Đây là kỳ thi mà 2 môn học gây thất vọng lớn là ngoại ngữ và lịch sử. Đáng nói hơn cả là với vùng đất văn hóa - lịch sử, giàu truyền thống hiếu học nhưng kết quả thi môn sử của Thừa Thiên Huế lại nằm ở top dưới (!).

Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức hội nghị toàn ngành về hai môn lịch sử và tiếng Anh. Tại hội nghị, các trường mạnh chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy và học tập với trường có nhiều học sinh bị điểm thấp các môn này. Chất lượng các bộ môn này được nâng lên và đặc biệt với việc môn hóa học lọt vào top 10, tại Kỳ thi THPT Quốc gia 2019, Thừa Thiên Huế từ hạng 33 đã được nâng lên 27. Tuy nhiên, vị thứ đó chưa thực sự xứng đáng với một địa phương giàu truyền thống hiếu học như Thừa Thiên Huế.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2019 cũng đặt ra nhiều vấn đề đáng suy nghĩ. Đáng chú ý là tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp ở vùng núi và ngành học giáo dục thường xuyên vẫn thấp: A Lưới (60,75%) và giáo dục thường xuyên (54,44%).

Bức tranh toàn cảnh

Kỳ thi THPT Quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhưng chỉ là một trong rất nhiều yếu tố để đánh giá chất lượng giáo dục đại trà của một địa phương. Bởi thực tế, để có thể đánh giá được chất lượng giáo dục đại trà còn phải xét ở nhiều góc độ khác như, công tác phổ cập giáo dục, ý thức học tập, rèn luyện của HS, việc triển khai đổi mới phương pháp giáo dục và các hoạt động giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học...

Trong năm học qua, toàn tỉnh có 67.661 học sinh trung học cơ sở (THCS) và 67,7% xếp loại khá giỏi; tỷ lệ học sinh khá giỏi trong học tập ở bậc THPT là 64,3%. Ngành học giáo dục thường xuyên, tuy có thấp hơn nhưng kết quả học tập cuối năm cũng có 24,1% học sinh đạt khá giỏi.

Xếp loại chất lượng giáo dục cuối năm cho thấy nhiều tín hiệu tích cực, nhưng nhìn chung vẫn chưa thực sự vững chắc, chưa đồng đều giữa các cấp học, các vùng miền và giữa các môn học. So sánh chất lượng giáo dục cuối năm học 2018 -2019 ở bậc THCS, tỷ lệ học sinh đạt loại giỏi trong học tập ở Huế là 32,9%, trong khi ở A Lưới chỉ có 12%; Trường THCS Nguyễn Tri Phương có đến 74,7% học sinh học lực giỏi thì tỷ lệ này ở Trường THCS và THPT Hồng Vân chỉ có 1,3% (!)

Cải thiện thứ hạng

Chất lượng giáo dục toàn diện của Thừa Thiên Huế những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Song, kết quả kỳ thi THPT Quốc gia chưa phản ánh đúng vị thế của một vùng đất học. Nhiều nguyên nhân được xác định: Chất lượng giáo dục giữa khu vực miền núi và miền xuôi vẫn còn khoảng cách. Ngành giáo dục và các địa phương chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng học lệch, học tủ. Công tác kiểm tra, giám sát hoạt động dạy và học chưa nhiều, chưa đồng bộ giữa các nhà trường. Một bộ phận phụ huynh học sinh chưa thực sự quan tâm đến việc học tập, rèn luyện của con em.

Năm học 2019 - 2020, ngành giáo dục và đào tạo Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu phấn đấu nâng từ 7 đến 10 bậc trong bảng xếp hạng toàn quốc Kỳ thi THPT Quốc gia. Để đạt mục tiêu này, việc phân luồng được thực hiện ngay từ đầu năm gắn với bố trí tổ chức phụ đạo, tăng tiết, xây dựng ngân hàng đề, tổ hợp đề sát với năng lực học sinh. Các trường THCS và THPT huy động tối đa học sinh ra lớp gắn với hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng bỏ học.

Nhiều kinh nghiệm được chia sẻ để tạo sự hứng thú cho học sinh. Trường nào có nhiều kinh nghiệm thì sẵn sàng chia sẻ cho chỗ khó khăn. Sở sẽ chọn top 10 trường có điểm thấp nhất và 10 trường có điểm cao nhất để có sự chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau. Trước mắt, giải quyết kịp thời những khó khăn và thách thức đặt ra do ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài với việc tổ chức các hình thức học và ôn tập thích hợp cho học sinh.

Trong kỳ thi vào đại học, có 3 cơ sở giáo dục THPT, gồm Trường THPT chuyên Quốc Học, Trường THPT Hai Bà Trưng và khối chuyên Trường đại học Khoa học Huế, các học sinh giỏi được tuyển thẳng vào Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh danh tiếng là sự ghi nhận về chất lượng đào tạo của bậc học trung học của Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, để xứng tầm với vị thế một vùng đất học, việc nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục toàn diện, kết hợp với đẩy mạnh phát hiện, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng mũi nhọn, phát triển tài năng; phấn đấu tăng tỷ lệ đạt giải cao trong các cuộc thi chọn học sinh giỏi quốc gia và có giải quốc tế vẫn đang là vấn đề đặt ra đối với giáo dục Thừa Thiên Huế.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Châu Á - Thái Bình Dương: Giáo dục cần là trọng tâm trong xây dựng khả năng phục hồi khí hậu

Các chính phủ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần đầu tư vào giáo dục và đào tạo để phát triển toàn diện kiến thức về khí hậu và những kỹ năng xanh cần thiết cho các nền kinh tế carbon thấp, theo Sổ tay Biến đổi khí hậu và giáo dục vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố.

Châu Á - Thái Bình Dương Giáo dục cần là trọng tâm trong xây dựng khả năng phục hồi khí hậu
Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chỉ rõ 5 yếu tố về thời gian, trí tuệ, khát vọng, tự lực và hội nhập, cùng 3 nội dung cần đặc biệt lưu ý để tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo theo chủ trương của Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khát vọng đột phá để đưa nền giáo dục và đào tạo nước ta theo kịp, ngang tầm các nước phát triển càng sớm càng tốt.

Thủ tướng Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt
Nâng cao chất lượng giáo dục ở cơ sở mầm non ngoài công lập

Thành phố Huế hiện có khá nhiều trường mầm non ngoài công lập và cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) độc lập. Để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ ở các cơ sở GDMN ngoài công lập, UBND TP. Huế triển khai nhiều giải pháp góp phần đáp ứng nhu cầu của phụ huynh học sinh cũng như thực hiện mục tiêu phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.

Nâng cao chất lượng giáo dục ở cơ sở mầm non ngoài công lập

TIN MỚI

Return to top