ClockThứ Sáu, 25/06/2021 15:32

Hiệu quả cho giáo dục từ khai thác nền tảng số

TTH - Thực tế cho thấy, nếu biết cách khai thác tốt các kênh thông tin trên nền tảng số, sẽ đem lại nhiều hiệu quả tích cực cho công tác giáo dục, đào tạo trên địa bàn.

Giáo dục đại học - đẩy nhanh chuyển đổi sốCác trường học sẽ số hóa nhiều hơnPhấn đấu 100% cán bộ, công chức, viên chức thanh toán không dùng tiền mặt trên nền tảng Hue-S

Giáo viên và học sinh trường THCS Lý Tự Trọng theo dõi thông tin trên website của trường

Hiệu quả của truyền thông số

“Bữa nay thông tin chi cũng qua mạng nên việc “theo dõi” thằng con tui cũng dễ. Cháu biết ba mẹ nắm được lịch sinh hoạt ở trường nên cũng ngoan hơn”. Anh NTT, một phụ huynh ở Trường THCS Lý Tự Trọng (Huế) tâm sự với thầy Nguyễn Thanh Hải, Hiệu trưởng nhà trường. Con anh là một cậu bé thông minh, hiếu động nhưng cũng rất hay “cúp cua”. Trước đây, quản lý cậu bé cũng khó vì anh không theo dõi được lịch học của con. Còn bây giờ, “nhất cử nhất động” của lớp, của trường anh đều nắm được. Chỉ cần nhắc nhở, cảnh báo là cậu bé hiểu không thể giấu được ba mẹ.

Các hoạt động của Trường THCS Lý Tự Trọng được “số hoá”. Mối quan hệ giữa nhà trường với phụ huynh được kết nối phục vụ việc dạy và học hữu hiệu. Mọi việc từ lên thời khoá biểu, lịch học bồi dưỡng, sinh hoạt ngoại khoá, thông tin cộng đồng, văn bản chủ trương của trường, phòng, sở, luôn được đăng tải kịp thời… Hàng năm, trường thu hút từ 90- 95% học sinh đầu cấp. Ban đại diện cha mẹ HS luôn đồng hành với các hoạt động của trường. Nhờ thế, nguồn huy động xã hội hóa từ các đối tác dần đáp ứng được nhu cầu phát triển cơ sở vật chất của trường.

Nói về trang web của trường như là địa chỉ gắn kết giữa nhà trường, gia đình và xã hội, thầy Nguyễn Đình Dũng, Hiệu trưởng Trường TH Phú Xuân 2 (Phú Vang) chia sẻ: “Về phía nhà trường, trang web thể hiện mọi hoạt động diễn ra trong quá trình giáo dục. Về phía gia đình, phụ huynh, học sinh có thể nắm bắt mọi hoạt động của nhà trường, đọc thông báo, tham gia các bài giảng điện tử… Với xã hội, website của trường là cơ sở để mọi người có thể đánh giá về tầm vóc hay hiệu quả giáo dục mà chúng tôi tổ chức cho HS. Với ngành, có thể qua trang web ngành kịp thời đánh giá, chỉ đạo nhà trường thực hiện nhiệm vụ giáo dục tốt hơn…”

Giáo viên và học sinh trường Lý Tự Trọng theo dõi thông tin trên website của trường

Sẽ phát huy tốt nếu được quan tâm đúng mức

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, hiện nay ngành GD&ĐT là một trong những đơn vị đầu tàu trong việc triển khai truyền thông số. 100% văn bản chỉ thị, thông báo của ngành là văn bản điện tử. Điều này không chỉ mang lại lợi ích về tính nhanh gọn mà giảm nhiều bất cập về khoảng cách vùng miền, chi phí nhân lực…

Theo ông Tân, để có thể phát triển lĩnh vực truyền thông điện tử, website của các trường, ngành, từ Ban Công nghệ thông tin, sở đã kiện toàn lại thành Ban chỉ đạo về Chuyển đổi số do Giám đốc sở làm trưởng ban chỉ đạo. Chuyên viên CNTT của các phòng GD&ĐT, các trường trực thuộc làm thành viên. Mục tiêu là cùng nhau nghiên cứu, xây dựng, phát triển và phổ cập truyền thông số đến cơ sở. Đó là phương thức để trang Website trong mỗi trường vừa là kênh thông tin tuyên truyền, có giá trị nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của GD&ĐT; cũng là kênh phản hồi những bất cập để các trường kịp thời điều chỉnh hoặc tham mưu các cấp giải quyết.

Từ năm 2005, sở đã tạo điều kiện để mỗi trường có một cổng thông tin điện tử nhằm xây dựng kênh truyền thông về GD&ĐT hữu hiệu hơn. Sau hơn 15 năm vận hành, bên cạnh những đơn vị đã biến truyền thông số thành tiện ích và khai thác triệt để, trở thành đầu tàu không chỉ trong tỉnh mà cả trong nước, như các Trường THPT chuyên Quốc Học, THCS Nguyễn Tri Phương, hay như THCS Lý Tự Trọng, tiểu học Lê Lợi (Huế)..., vẫn còn nhiều đơn vị vận hành đối phó nên chưa phát huy công năng của kênh thông tin.

Một trong những nguyên nhân cơ bản là do người đứng đầu đơn vị chưa quan tâm đúng mức, chưa nhìn ra tính năng tích cực của website và ảnh hưởng cộng đồng nên không thúc đẩy hoạt động. Vì thế, họ thường lúng túng trong chỉ đạo, tổ chức, thực hiện… dẫn đến kết quả truyền thông trên website  các trường chỉ “dừng lại ở đưa tin, phản ánh sự kiện, giới thiệu chính sách”, chưa đi sâu, đi trúng vào các vấn đề cần tuyên truyền phù hợp với nhu cầu của đối tượng là phụ huynh, HS. Nắm được tâm lý này, ngành GD&ĐT đã có những chủ trương mang tính toàn cục để đẩy mạnh truyền thông số.

Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hương Trà, cô Nguyễn Thị Huy cho rằng, để triển khai tốt hơn các phần mềm, ngành GD&ĐT cần tạo ra hành lang pháp lý trong số hóa các thủ tục hồ sơ; bảo vệ, bảo mật thông tin; CSVC phải được trang bị đồng bộ giữa các trường. Điều quan trọng nhất vẫn là bồi dưỡng kỹ năng sử dụng CNTT, bảo mật thông tin, khai thác, sử dụng hiệu quả các ứng dụng phục vụ công việc quản lý, dạy và học.

Thực tế cho thấy, nơi nào được BGH quan tâm thì các trang web của trường vẫn phát huy tốt. Khi phụ huynh được “biết và bàn” cùng với nhà trường, có thông tin kịp thời… thì họ sẵn sàng chung tay trong mọi hoạt động. Nhưng, theo đánh giá chung, truyền thông số trong trường học vẫn thường gặp khó khăn ở các trường vùng dân trí thấp... Bởi “trường nhỏ, vùng sâu, vùng xa” nhưng vẫn phải cáng đáng tất cả hoạt động, phong trào như các trường trung tâm khác nên họ gặp khó khăn trong phát triển, đó chính là sự thiệt thòi do khoảng cách vùng, miền cần được quan tâm.

 “Thừa Thiên Huế hiện là 1/5 tỉnh, thành được Bộ GD&ĐT chọn làm thí điểm thực hiện chuyển đổi số theo chương trình chuyển đổi số Quốc gia. Ngành GD&ĐT tỉnh nhà kế thừa được thành quả của các cơ sở dữ liệu trước đây và đang tái cấu trúc, quy hoạch lại, xây dựng nền tảng, thiết lập cơ sở dữ liệu ngành để tạo kho dữ liệu chung có giá trị trong quá trình quản lý, điều hành”, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Tân thông tin.

Bài, ảnh: Phạm Phước Châu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khen thưởng 100 khách hàng sử dụng tiết kiệm điện năm 2024

Sáng 21/11, lãnh đạo Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) thông tin, đơn vị đang tiến hành trao giải và giấy chứng nhận cho 100 khách hàng tiêu biểu đã đạt các tiêu chí của chương trình “Hộ gia đình tiết kiệm điện năm 2024” do đơn vị phát động.

Khen thưởng 100 khách hàng sử dụng tiết kiệm điện năm 2024
Châu Á - Thái Bình Dương: Giáo dục cần là trọng tâm trong xây dựng khả năng phục hồi khí hậu

Các chính phủ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần đầu tư vào giáo dục và đào tạo để phát triển toàn diện kiến thức về khí hậu và những kỹ năng xanh cần thiết cho các nền kinh tế carbon thấp, theo Sổ tay Biến đổi khí hậu và giáo dục vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố.

Châu Á - Thái Bình Dương Giáo dục cần là trọng tâm trong xây dựng khả năng phục hồi khí hậu
Từ những mô hình hiệu quả

Với các mô hình “Con heo đất”, “Ngôi nhà xanh”, “Tiết kiệm tự nguyện”..., phong trào phụ nữ đoàn kết giúp nhau giảm nghèo bền vững, vươn lên làm giàu ở TX. Hương Trà đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng động, góp phần thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Từ những mô hình hiệu quả

TIN MỚI

Return to top