ClockChủ Nhật, 14/07/2024 11:51

Hồ Đức Trung & hành trình đoạt Huy chương Bạc sinh học quốc tế

TTH.VN - Tối 13/7, lễ trao giải Kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế (IBO) lần thứ 35 đã diễn ra tại nước Cộng hòa Kazakhstan. Trong kỳ thi này, Hồ Đức Trung, học sinh lớp 12 Sinh, Trường THPT chuyên Quốc Học - Huế đã đoạt Huy chương Bạc (HCB).

Học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học - Huế tham dự Kỳ thi Olympic Sinh học quốc tế lần thứ 35Học sinh Trường THPT Chuyên Quốc Học - Huế vào đội tuyển thi Olympic Sinh học quốc tếHồ Đức Trung đoạt Huy chương Bạc sinh học quốc tế lần thứ 35

Hồ Đức Trung đoạt HCB quốc tế môn sinh học. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thành tích đáng tự hào

Chia sẻ với PV Báo Thừa Thiên Huế từ Kazakhstan trước giờ ra sân bay về nước, Hồ Đức Trung rất vui khi đoạt huy chương tại kỳ thi quốc tế. Đây là kết quả sau hành trình dài nỗ lực của em và sự quan tâm bồi dưỡng của các thầy cô giáo. “Em rất vui và khá thỏa mãn với kết quả này. Để đến với kỳ thi quốc tế, em đã nỗ lực qua từng vòng thi: vòng thi cấp tỉnh, cấp quốc gia và chọn đi thi quốc tế”, Trung nói.

Với 74,5% điểm thực hành và 61,5% điểm lý thuyết, thầy và trò Trường THPT chuyên Quốc Học - Huế đã rất hy vọng Trung sẽ đoạt được Huy chương Vàng (HCV). Tuy nhiên, một chút thiếu may mắn, Trung chỉ đoạt HCB khi điểm của em sát nút với HCV.

“Điểm Trung sát với điểm HCV nên rất tiếc. Với cách tính điểm T-score theo hệ số nên điểm của Trung bị tụt xuống. Tuy nhiên, đoạt HCB đã là một thành tích xuất sắc rồi. Nhiều đội mạnh trên thế giới cũng chỉ đạt HCB, Huy chương Đồng (HCĐ), thậm chí không có huy chương”, ông Nguyễn Phú Thọ, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Quốc Học – Huế chia sẻ.

IBO lần thứ 35 là kỳ thi có số quốc gia tham gia lớn nhất từ trước tới nay, với 81 quốc gia, vùng lãnh thổ và 320 thí sinh dự thi. Theo Quy chế của Hiệp hội IBO Quốc tế, kỳ thi trao giải cho không quá 10% thí sinh dự thi đạt HCV, 20% thí sinh đạt HCB và 30% thí sinh đạt HCĐ. Tổng số huy chương được trao năm nay gồm 28 HCV, 56 HCB và 84 HCĐ.

Năm nay, đội tuyển Việt Nam đạt thành tích xuất sắc khi cả 4 học sinh trong đội tuyển đều đoạt huy chương, gồm 3 HCV và 1 HCB. Với thành tích này, Việt Nam đứng thứ 3/81 quốc gia, vùng lãnh thổ tham dự. Đây là thành tích tốt nhất kể từ sau đại dịch Covid-19 (2019). Nếu năm 2021, Việt Nam đạt 1 HCB và 3 HCĐ, năm 2022 đạt 1 HCB và 2 HCĐ, thì kết quả năm nay với 3 HCV và 1 HCB, đoàn Việt Nam đã đạt được thành tích tiến bộ vượt bậc. Lần dầu tiên, nhiều học sinh Việt Nam đạt thành tích cao ở các bài thi thực hành vốn đòi hỏi rất cao về tiêu chuẩn tại kỳ thi này.

 Các thành viên của đội tuyển Việt Nam tại Kỳ thi IBO lần thứ 35. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ở Kỳ thi IBO lần thứ 35, các thí sinh trải qua 2 ngày thi chính thức với thời gian thi kéo dài trong 6 - 8 giờ/ngày. Trong đó, 1 ngày thi lý thuyết với 2 bài và 1 ngày thi thực hành với 4 phòng thí nghiệm về sinh học phân tử, hóa sinh, giải phẫu và sinh lý động vật, tin - sinh học.

Theo PGS.TS. Đinh Đoàn Long, Trưởng đoàn IBO Việt Nam, đề thi năm nay đòi hỏi thí sinh am hiểu cả về lý thuyết và thành thạo các kỹ năng thực hành, vận dụng đúng và hiệu quả các kiến thức, kỹ năng của sinh học từ kinh điển tới hiện đại trong giải quyết nhiều bài toán đa dạng của các vấn đề toàn cầu, như: Sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường trong bối cảnh biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phòng tránh dịch bệnh và đề xuất giải pháp điều trị bệnh mới…

Nỗ lực đằng sau tấm huy chương

Ngay từ khi học cấp 2 ở Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Hồ Đức Trung đã có niềm đam mê đặc biệt với môn sinh học, thích làm các thí nghiệm về sinh học. Em thi đậu thủ khoa vào lớp 10 chuyên Sinh, Trường THPT chuyên Quốc Học – Huế. Từ hè lớp 8, Hồ Đức Trung đã được cô giáo Nguyễn Thị Diệu Hạnh, Tổ trưởng bộ môn Sinh, Trường THPT chuyên Quốc Học – Huế phát hiện và bồi dưỡng. Có định hướng sớm kết hợp với đam mê của Trung, cô Hạnh đã dẫn dắt và trang bị sớm kiến thức để em tham gia Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia ngay từ lớp 10. Lên lớp 11, Trung đã có kiến thức vững chắc hơn, đạt giải Nhì Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và đặt mục tiêu vào đội tuyển quốc tế năm lớp 12.

Với sự nỗ lực không ngừng, Hồ Đức Trung trở thành thành viên đội tuyển quốc tế môn sinh học. Ông Nguyễn Phú Thọ thông tin: “Để được là thành viên của đội tuyển Việt Nam tại kỳ thi quốc tế, học sinh phải chuẩn bị hành trang ngay từ năm lớp 10 và được sự bồi dưỡng của các thầy cô trong suốt thời gian chuẩn bị cho các kỳ thi quốc gia qua các năm lớp 10, 11 và 12. Kết quả tại các kỳ thi này cho thấy, Trung tiến bộ sau từng kỳ thi”.

Để được vào đội tuyển quốc tế rất khó vì 32 học sinh xuất sắc nhất trong Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia chỉ chọn 4 học sinh, trải qua kỳ thi hết sức gay go gồm 2 ngày thi lý thuyết và 1 ngày thi thực hành. Những học sinh vào được đội tuyển quốc tế phải đam mê sinh học, tư duy toán học sắc bén, tiếng Anh giỏi và sức khỏe tốt. Hồ Đức Trung có đầy đủ các yếu tố nói trên nên đủ tự tin ra đấu trường lớn.

Thành tích ấy là kết quả sau hành trình dài nỗ lực của Hồ Đức Trung. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hồ Đức Trung chia sẻ bí quyết: “Em rất đam mê môn sinh học, nhất là mày mò làm các thí nghiệm. Để chinh phục kỳ thi, ngoài thời gian học ở trường, em tự học, đọc nhiều sách. Khi học phải tập trung, đặt ra mục đích rõ ràng và học từ sai lầm của chính mình nhưng không tạo cho mình áp lực”.

Suốt thời gian ôn luyện tại Hà Nội theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo để chuẩn bị cho kỳ thi quốc tế, Hồ Đức Trung đã luôn phấn đấu, nỗ lực, tập trung cao độ, làm bài thi thử luôn đạt điểm cao. “Hồ Đức Trung có tính tự học tốt, đọc sách và nắm thông tin rất nhanh. Với sự hướng dẫn của thầy cô, Trung đã biết sắp xếp thông tin kiến thức hợp lý để giải quyết các vấn đề khó đề thi yêu cầu. Trong kỳ thi chọn đội tuyển quốc tế phần thi phân loại, khó nhất là thực hành nhưng với kỹ năng thực hành tốt, Trung đã đạt điểm cao nhất phần thi thực hành trong 4 bạn được chọn đi thi quốc tế. Trong kỳ thi IBO, Trung cũng hoàn thành rất tốt phần thi thực hành”, cô Diệu Hạnh nhận xét.

Điều đặc biệt là, anh trai của Hồ Đức Trung là Hồ Việt Đức (đang học tại Trường đại học Khoa học Kỹ thuật Hồng Kông), cựu học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học – Huế cũng đã đoạt HCV tại Kỳ thi IBO lần thứ 31, năm 2020. Đây là lần đầu tiên, Trường THPT chuyên Quốc Học – Huế có cả 2 anh em ruột đều được vào đội tuyển quốc tế sinh học. Cả 2 anh em rất đam mê sinh học, đều có tư duy toán học tốt và tiếng Anh rất giỏi (Ielts đều 8.0).

Cô Diệu Hạnh nhớ lại, khi Hồ Việt Đức vào lớp 10, cô phát hiện Đức có những điểm đặc biệt và tố chất của học sinh đi thi quốc tế kiểu như Trương Đông Hưng (đoạt HCV năm 2017). Cô Hạnh đã có kế hoạch bồi dưỡng ngay từ khi Đức học lớp 10. Lên lớp 11, em đã được tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi đi thi quốc tế và đứng thứ 5 (đội tuyển chỉ lấy 4). Đến năm lớp 12, Đức đã quyết tâm cao đoạt giải Nhất Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, luôn đứng nhất trong các kỳ thi chọn học sinh thi quốc tế và đã đoạt HCV.

Sau thành tích của Hồ Việt Đức, Hồ Đức Trung cũng tiếp nối niềm đam mê sinh học như anh trai. Cả 2 anh em đều đam mê, tự học tốt và tư duy nhanh nên rất tự tin khi ra đấu trường lớn quốc tế. Điều tuyệt vời là cả 2 anh em đều mang về huy chương cho tỉnh nhà, tô điểm thêm thành tích đáng tự hào của Trường THPT chuyên Quốc Học – Huế.

MINH HIỀN
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Áo dài & hành trình lan tỏa

“Tri thức may, mặc áo dài Huế” vừa được ghi danh, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sau một thời gian dài với rất nhiều các hoạt động bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của chiếc áo dài truyền thống ở vùng đất kinh kỳ.

Áo dài  hành trình lan tỏa
Chỉ thị sinh học cho nước thải công nghiệp

Chất lượng nước thải, đặc biệt là nước thải tại các nhà máy, cơ sở, sản xuất khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) là mối quan tâm của nhiều người. Nếu các yêu cầu từ đầu ra của nước thải không đạt quy chuẩn môi trường sẽ tác động đến sản xuất, sinh hoạt, đời sống của người dân.

Chỉ thị sinh học cho nước thải công nghiệp
Kiệu Hương Chữ với hành trình tìm lại thương hiệu

Kiệu Hương Chữ (TX. Hương Trà) từ lâu nổi tiếng là giống kiệu củ nhỏ, giòn, cay, thơm nồng nhưng không hăng rất đặc trưng mà các vùng khác không có được. Dẫu vậy, với nhiều yếu tố, giống kiệu quý đang gần như biến mất trên vùng đất này.

Kiệu Hương Chữ với hành trình tìm lại thương hiệu

TIN MỚI

Return to top