ClockThứ Bảy, 20/03/2021 08:20

Học nữ công gia chánh để giữ nét đẹp văn hóa Huế

TTH - Nếu không có gì thay đổi, ngành giáo dục và đào tạo Thừa Thiên Huế sẽ khôi phục lại bộ môn nữ công gia chánh trong trường học từ năm học 2021-2022. Thừa Thiên Huế Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Tân xung quanh việc chọn Trường THPT Hai Bà Trưng để làm thí điểm về vấn đề này. Ông Tân cho biết:

Sẽ đưa bộ môn nữ công gia chánh vào chương trình học nghề phổ thông

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh đã thống nhất cho Trường THPT Hai Bà Trưng (Đồng Khánh cũ) thí điểm khôi phục việc dạy môn nữ công gia chánh trong nhà trường từ năm học 2021 - 2022, đồng thời giao trách nhiệm cho ngành giáo dục sưu tầm có chọn lọc các tài liệu dạy nữ công gia chánh trước đây để phối hợp với các chuyên gia, nghệ nhân ẩm thực tiến hành biên tập, bổ sung, hoàn chỉnh phù hợp với phương châm vừa học, vừa chơi vừa trải nghiệm.

Trường THPT Hai Bà Trưng có thế mạnh về đào tạo nữ công gia chánh. Đây là môn học được nữ sinh rất yêu thích, tập trung vào kỹ năng dưỡng nhi, kế hoạch chi tiêu gia đình, thêu, may, chế biến các món ăn truyền thống của Huế. Dạy nữ công gia chánh là dạy về kỹ năng sống, hiểu biết về văn hóa, truyền thống lịch sử của dân tộc, giữ gìn nét đẹp văn hóa ẩm thực Huế. Được xem là thương hiệu tự hào của phụ nữ Huế nên việc chọn Trường THPT Hai Bà Trưng để khôi phục lại bộ môn nữ công gia chánh nhằm phát huy thế mạnh của trường.

Ngày xưa, Trường Đồng Khánh toàn học sinh nữ, nay Trường THPT Hai Bà Trưng có cả nam và nữ, liệu tất cả các em đều học nữ công gia chánh có hợp lý không, thưa ông?

Không nhất thiết học nghề gì là định hướng cho các em làm nghề đó mà quan trọng là giúp các em có kỹ năng. Ví dụ, học sinh nữ cũng cần học các bộ môn cơ khí, điện… để làm hành trang cho các em vào đời. Tương tự, bộ môn nữ công gia chánh cũng không chỉ dành riêng cho học sinh nữ mà học sinh nam cũng cần có kỹ năng, hiểu biết về văn hóa, truyền thống lịch sử của dân tộc, giữ gìn nét đẹp văn hóa ẩm thực Huế.

Ai sẽ dạy các em môn nữ công gia chánh? Nếu đưa vào giảng dạy, các em sẽ học chính khoá hay như các môn ngoại khoá?

Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Trường cao đẳng nghề Du lịch để bố trí thời gian hợp lý cho các em tham gia học nữ công gia chánh; đồng thời, mời các chuyên gia ẩm thực nổi tiếng là cựu học sinh, giáo viên Đồng Khánh - Hai Bà Trưng để hỗ trợ trong việc hướng dẫn thực hành, thuyết trình, gắn dạy lý thuyết với hướng dẫn thực hành và thuyết trình để tạo sức hấp dẫn. Có thể, tổ chức các hoạt động này dưới hình thức như câu lạc bộ để hướng nghiệp cho học sinh.

Nghĩa là học sinh Trường THPT Hai Bà Trưng sẽ vừa học nghề, vừa học bộ môn nữ công gia chánh?

Chúng tôi đang tiến hành rà soát các danh mục dạy nghề để đưa bộ môn nữ công gia chánh thay thế cho môn nghề các em đang học. Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép, sẽ hợp nhất chương trình dạy nghề với chương trình giáo dục kỹ năng sống, tạo điều kiện thuận lợi cấp chứng chỉ học nghề trong trường phổ thông cũng như phục vụ cho các em khi tham gia các hoạt động xã hội.

Sau Trường THPT Hai Bà Trưng, các trường khác trên địa bàn đều học môn nữ công gia chánh, phải không thưa ông?

Sau Trường THPT Hai Bà Trưng (khối trung học phổ thông) thì Trường THCS Nguyễn Tri Phương sẽ là đơn vị được triển khai dạy bộ môn nữ công gia chánh thí điểm cho học sinh khối THCS. Không nhất thiết các trường đều phải dạy bộ môn nữ công gia chánh. Mỗi trường đều có ưu thế riêng, chẳng hạn như các trường ở các huyện Phong Điền, Phú Lộc, Phú Vang… có thể chọn những ngành nghề truyền thống phù hợp với  lịch sử của địa phương để đưa vào giảng dạy kỹ năng sống.

Hướng của sở sẽ định hướng nghề trong các trường phổ thông gắn liền với các doanh nghiệp, các trường đào tạo nghề có thế mạnh để tập trung nguồn lực và phát huy tối đa ưu thế các ngành nghề đào tạo, giúp học sinh có thay đổi về nhận thức cũng như cơ hội cho các em tiếp cận với các chương trình thực hành hỗ trợ cho việc dạy thuần lý thuyết lâu nay trong các trường.

Cơ sở vật chất để dạy các bộ môn nâng cao kỹ năng sống liệu có đáp ứng?

Trong điều kiện chưa thể đáp ứng đủ các điều kiện về cơ sở vật chất và con người để dạy các môn học kỹ năng trong trường học như hiện nay nên Sở Giáo dục và Đào tạo phải phối hợp với các cơ sở đào tạo hướng đến mục tiêu vừa huy động mọi nguồn lực. Các trường sẽ gắn kết với các cơ sở đào tạo nghề để có sự tương trợ giữa trường nghề với nhà trường. Ví dụ, trong điều kiện ngân sách hạn chế không thể bố trí phòng dạy động cơ, điện tử, các trường phải có sự liên kết để đủ phòng chức năng cho các em thực hành.

Đây chính là sự thay đổi định hướng nghề nghiệp từ trường phổ thông gắn với dạy nghề trong trường phổ thông nhưng không làm cho phụ huynh và học sinh nhàm chán, khó khăn mà ngược lại tăng sự đam mê cho học sinh; cũng như giải quyết tình trạng các cơ sở dạy nghề đang thừa thải thiết bị nhưng khó tìm nguồn học sinh để đào tạo. Cách này cũng góp phần định hướng cho học sinh chọn nghề trong tương lai.

Vấn đề là ngành giáo dục phải giúp các em tích hợp dạy nghề với dạy kỹ năng sống để giảm bớt nguồn lực đầu tư, tăng sự hứng thú sẽ nâng cao chất lượng cho học sinh.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

HUẾ THU (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống gia đình

Nhờ những biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình được triển khai đồng bộ và tích cực, số vụ bạo lực ngày càng giảm. Việc hỗ trợ các nạn nhân bị bạo lực gia đình được tiến hành kịp thời.

Gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống gia đình
Trải nghiệm văn hóa Huế với bạn bè quốc tế

Những ngày giao mùa sang thu, các bạn sinh viên đến từ xứ sở hoa anh đào đã có dịp đặt chân đến Huế. Tại đây, họ đã có những trải nghiệm thú vị về văn hóa tại mảnh đất Cố đô cùng những người bạn Việt Nam.

Trải nghiệm văn hóa Huế với bạn bè quốc tế
Nhà dài - Nét đẹp văn hóa vùng cao

Có dịp ghé thôn A Năm, xã Hồng Vân, huyện A Lưới, du khách sẽ được chiêm ngưỡng ngôi nhà dài duy nhất được xây dựng theo mô thức truyền thống của đồng bào Pa Cô. Năm 2014, ngôi nhà dài được nghệ nhân đan lát Quỳnh Quyên (trú tại thôn A Năm, xã Hồng Vân) vận động dựng và được coi là biểu tượng của tình đoàn kết giữa những người dân trong thôn.

Nhà dài - Nét đẹp văn hóa vùng cao

TIN MỚI

Return to top