ClockChủ Nhật, 06/10/2024 15:16

Nhà dài - Nét đẹp văn hóa vùng cao

TTH - Có dịp ghé thôn A Năm, xã Hồng Vân, huyện A Lưới, du khách sẽ được chiêm ngưỡng ngôi nhà dài duy nhất được xây dựng theo mô thức truyền thống của đồng bào Pa Cô. Năm 2014, ngôi nhà dài được nghệ nhân đan lát Quỳnh Quyên (trú tại thôn A Năm, xã Hồng Vân) vận động dựng và được coi là biểu tượng của tình đoàn kết giữa những người dân trong thôn.

Mang trên người thổ cẩm gấm hoa

 Ngôi nhà dài thôn A Năm - biểu tượng tình đoàn kết của đồng bào Pa Cô

Kiến trúc độc đáo

Có kiến trúc khá giống với những căn nhà sàn, tuy nhiên, nhà dài thôn A Năm được thiết kế với chiều dài vượt bậc so với những căn nhà mà tôi từng thấy. Người được mệnh danh là cuốn “từ điển sống” về văn hóa vùng cao A Lưới – già làng, nghệ nhân ưu tú Hồ Văn Hạnh (trú thôn A Niêng Lê Triêng, xã Trung Sơn) bảo, ngôi nhà được xem là chuẩn mực nhà dài truyền thống của đồng bào Pa Cô, gọi là “đung moong”. “Nhà dài đã thất truyền suốt gần nửa thế kỷ cho đến khi ngôi nhà này xuất hiện. Đung moong A Năm được dựng nên đã góp phần làm sống lại những giá trị truyền thống của đồng bào chúng tôi…”, già Hạnh phấn khởi.

Dắt tôi đi tham quan một vòng quanh ngôi nhà dài, già Quỳnh Quyên giới thiệu: “Ngôi nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ với thiết kế 5 gian, dài đến 35m và có 3 lối vào bằng cầu thang. Những cột trụ chính của ngôi nhà cao cả chục mét nên sàn nhà này cũng cách mặt đất khá cao. Mái nhà được lợp bằng lá mây. Loại lá này khá hiếm, phải tìm trong rừng sâu mới có được. Lợp bằng lá mây sẽ đẹp hơn lợp bằng tranh. Trên nóc là những vật trang trí bằng gỗ với hình sừng trâu cùng những họa tiết, hoa văn đặc trưng của đồng bào Pa Cô. Trong lịch sử, chỉ cần nhìn những ngôi nhà thế này sẽ biết được gia đình có bao nhiêu bếp, đại diện cho số hộ dân là con cháu, anh em chung sống cùng nhau. Cũng từ đó mà người ta biết, gia đình này lớn mạnh đến cỡ nào”.

 Vật trang trí bằng gỗ với hình sừng trâu cùng những họa tiết, hoa văn đặc trưng của đồng bào Pa Cô

Khoảng 60 năm về trước, dọc dải Trường Sơn này, kiến trúc đung moong còn khá nhiều. “Tôi nhớ tầm những năm 1960, những căn nhà dài cuối cùng của đồng bào Pa Cô dần bị hủy hoại do chiến tranh”, già Quỳnh Quyên kể: “Xa xưa, nhà dài là nơi các hộ trong một đại gia đình cùng sinh sống để cùng lao động, chia đắng sẻ bùi… Nhà thường có 5 - 7 gian nhưng có nhà dài đến 12 gian, tương ứng 12 bếp lửa đại diện cho 12 gia đình là ông bà, con cháu... cùng hơn 100 người cùng cư trú. Đây chính là nơi mà ngày xưa, gia đình họ hàng tôi sinh sống nên nhớ rất rõ”.

Ngày nay, những ngôi nhà mái ngói dần thay thế những ngôi nhà xưa truyền thống. Lo lắng ngôi nhà dài truyền thống của đồng bào Pa Cô sẽ dần bị lãng quên, già Quỳnh Quyên luôn trăn trở về việc xây dựng một ngôi nhà dài với kiến trúc cổ xưa. Thế là ngày đêm ông tìm cách vận động người dân trong thôn, người góp công, người góp của để làm sao làm sống lại những giá trị truyền thống của đồng bào mình.

Biểu tượng của sự đoàn kết

Nếu nhà dài trong lịch sử biểu thị cho sự sum họp của một đại gia đình thì nhà dài A Năm là biểu tượng cho tình đoàn kết giữa những người dân trong thôn. Điều thú vị khi nhắc đến nhà dài, ban đầu chỉ được xây dựng với 5 gian. Theo thời gian, ngôi nhà sẽ được xây thêm nhiều gian bởi trong nhà có người lập gia đình, đồng nghĩa với việc nhà có thêm nhiều thành viên mới.

 Già Quỳnh Quyên

Đề cập đến những bất tiện trong sinh hoạt khi 12 hộ với 100 con người cùng sinh sống trong một căn nhà, già Quỳnh Quyên cười: “Đúng là rất đông đúc nhưng không khí gia đình khi nào cũng hòa thuận, vui tươi. Việc nương rẫy, bếp núc, săn bắt… cũng được phân chia rõ ràng cho từng hộ, từng thành viên. Việc nhỏ, việc lớn, cả nhà xúm lại làm một chút là xong. Đầm ấm mà đoàn kết vô cùng”. Cũng chính vì lý do đó mà già Quỳnh Quyên quyết tâm phục dựng nhà dài để nhớ về một thời tuy khó khăn nhưng chứa chan tình cảm gia đình.

Năm 2012, già Quỳnh Quyên nêu ý tưởng với lãnh đạo xã và nhận được sự đồng ý. Tuy nhiên, để dựng được nhà cần nhiều kinh phí và công sức của toàn bộ người dân trong thôn. Già Quỳnh Quyên đã tích cực làm công tác dân vận “đi từng ngõ, gõ từng nhà” kêu gọi người dân trong thôn góp tiền, góp sức… Già bảo, đó là quãng thời gian không đêm nào già ngon giấc vì lo tính toán vật liệu, kinh phí… rồi lại suy nghĩ vẽ kiến trúc ngôi nhà sao cho giống với nguyên mẫu nhất. Điều vui nhất là, nhờ uy tín của mình với thôn bản mà già đã nhanh chóng huy động được mấy chục triệu đồng ban đầu để khởi công.

“240 hộ dân của A Năm ngày đó đều ủng hộ tôi đứng ra xây dựng công trình chung của làng. Người có ít góp ít, người có nhiều góp nhiều, kể cả những người đi làm ăn xa cũng quyên góp ủng hộ tôi dựng nhà dài cho làng”, già Quỳnh Quyên kể. Từ nguồn kinh phí này, già đã nhờ trai làng tìm mua gỗ, chuyển về tích trữ dần. Dựng xong khung sườn, nhà dài phải lợp gì cho phù hợp? Đó là câu hỏi mà già Quỳnh Quyên luôn suy nghĩ, bởi nếu lợp tôn thì bền nhưng lại làm “biến dạng” công trình truyền thống. Thế là già lại tìm cách tiếp tục vận động người dân lên rừng tìm lá mây cho đến khi đủ 5.000 đôi mây lợp.

Vì ngôi nhà được những “thợ mộc”, những “nhà điêu khắc” tay ngang trong thôn là những thanh niên đứng thi công nên già phải giám sát thật kỹ lưỡng để đảm bảo những chi tiết của ngôi nhà vừa đẹp, vừa đúng với quy chuẩn. Còn đối với những phù điêu, họa tiết trang trí, cầu thang… đòi hỏi tính mỹ thuật cao thì chính tay già tạc nên. Thận trọng, tỉ mẩn trong từng mạch khớp nối, những chi tiết nhỏ, phải mất ròng rã hơn 1 năm trời thi công, ngôi nhà dài theo kiến trúc cổ xưa sừng sững giữa núi rừng A Năm đã hoàn thành như ý nguyện của già Quỳnh Quyên.

Trong đêm hội mừng ngày khánh thành, nhà dài A Năm rộn ràng với những vũ điệu truyền thống thăng hoa cùng tiếng cồng chiêng, mắt già Quỳnh Quyên ngấn lệ. Thế là tâm nguyện cuối đời của già cuối cùng cũng thực hiện được. Già vui vì sau quãng thời gian thi công khó khăn, thiếu thốn đủ bề… căn nhà dài duy nhất huyện A Lưới đã uy nghi mọc lên trong sự đồng lòng, đoàn kết của người dân. Vui hơn nữa là từ nay, người dân thôn A Năm có nơi để sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, tổ chức những sự kiện quan trọng, có cái để tự hào, để kể cho du khách thập phương nghe mỗi dịp họ ghé tham quan, tìm hiểu.

Theo bà Ta Dưr Tư, Phó Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện A Lưới, để có được ngôi nhà dài truyền thống duy nhất tại thôn A Năm một phần là nhờ công vận động của già Quỳnh Quyên. Hiện nay, những dịp lễ hội, sự kiện quan trọng của thôn như: Arieu Ca, Aza Koonh… đều được già Quỳnh Quyên đứng ra tổ chức tại nhà dài này. Tuy tuổi đã cao nhưng già Quỳnh Quyên vẫn luôn nhiệt tình tham gia, tư vấn cho các lễ hội, sự kiện trọng đại của huyện A Lưới. Cũng chính nhờ ông mà lễ hội Aza Koonh của đồng bào Pa Cô được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào năm 2019.

“Hiện nay, chúng tôi đang đề xuất UBND huyện tạo điều kiện để trùng tu lại các hạng mục của ngôi nhà dài. Không chỉ là biểu tượng cho sự đoàn kết của đồng bào Pa Cô, nhà dài thôn A Năm còn là biểu tượng cho nét đẹp văn hóa của đồng bào vùng cao huyện A Lưới”, bà Tư thông tin.

Thái Châu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngưỡng vọng từ lễ hội xuân

Lễ hội mùa Xuân ở Huế không chỉ là nét đẹp văn hóa truyền thống, mà còn là không gian để người dân, du khách ngưỡng vọng bậc tiền nhân, cầu năm mới bình an và hiểu thêm những giá trị lịch sử mà cha ông để lại.

Ngưỡng vọng từ lễ hội xuân
Lưu giữ nét đẹp truyền thống ngày tết

Sau hai năm bị gián đoạn bởi dịch bệnh, các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống được tổ chức, góp phần xây dựng điểm đến “đậm đặc” về văn hóa cho vùng đất Cố đô.

Lưu giữ nét đẹp truyền thống ngày tết
Nét đẹp văn hóa học đường, cần một hệ chuẩn mực

Văn hóa học đường - nét đẹp nhân văn đã hình thành từ bao đời nay với truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo... Để xây dựng văn hóa học đường, nhà trường phải xây dựng một hệ chuẩn mực, giá trị phù hợp với mục tiêu chung và được các thành viên trong nhà trường tham gia.

Nét đẹp văn hóa học đường, cần một hệ chuẩn mực

TIN MỚI

Return to top