ClockThứ Năm, 13/04/2023 08:31

Học phí đại học khóa tuyển sinh 2023 dự kiến tăng

TTH - Trước thông tin một số trường đại học (ĐH) trong nước sẽ tăng mạnh học phí từ năm học 2023 - 2024, ĐH Huế cho biết, dự kiến mức học phí nhiều trường sẽ tăng theo lộ trình nhưng có tính đến điều kiện, hoàn cảnh của người học.

Khai giảng lớp luyện thi mỹ thuật miễn phí cho học sinh toàn quốcTrao trên 80 giải thưởng cuộc thi khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên

leftcenterrightdel
Thí sinh nộp học phí khi nhập học 

Dự kiến tăng

Sau hai năm giữ nguyên, các trường ĐH trong nước dự kiến bắt đầu đồng loạt tăng học phí cho khóa tuyển sinh năm 2023. Theo đề án tuyển sinh của một số trường ĐH trong nước, mức học phí dự kiến tăng 13 - 50%.

TS. Trần Đăng Huy, Trưởng ban Kế hoạch, Tài chính và Cơ sở vật chất ĐH Huế cho biết, đối với ĐH Huế, phương án hướng đến là tăng học phí theo lộ trình nhưng tránh gây sốc cho người học, tính đến điều kiện, hoàn cảnh của con em miền Trung - Tây Nguyên còn nhiều khó khăn. “Nếu so sánh với mức học phí cả nước, các đơn vị đào tạo của ĐH Huế đang có mức học phí vào nhóm thấp nhất. Ban đầu, lộ trình học phí tăng từ năm học 2022 - 2023 và ĐH Huế cũng đã có quyết định quy định mức thu học phí mới. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP ngày 20/12/2022 về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022 - 2023 thì ĐH Huế cũng giữ nguyên mức học phí như năm học trước đó”, TS. Huy cho biết.

Theo đại diện ĐH Huế, năm học 2023 - 2024, nếu không có các quy định mới của Chính phủ, học phí sẽ áp dụng theo lộ trình Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ. Mức học phí đại trà theo từng nhóm ngành khác nhau. Trong đó, khối ngành nghệ thuật dự kiến là khoảng 13,5 triệu đồng/sinh viên/năm học; mỗi năm học khoảng 10 tháng. Tương tự khối ngành kinh doanh và quản lý, pháp luật khoảng 14,1 triệu đồng/năm học; khối ngành khoa học sự sống, khoa học tự nhiên là 15,2 triệu đồng/năm học; khối ngành toán và thống kê, máy tính và công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, kỹ thuật, sản xuất và chế biến, kiến trúc và xây dựng, nông lâm nghiệp và thuỷ sản, thú y là 16,4 triệu đồng/năm học; các khối ngành sức khoẻ khác là 20,9 triệu đồng/năm học; y dược 27,6 triệu đồng/năm học; khối ngành nhân văn, khoa học xã hội và hành vi, báo chí và thông tin, dịch vụ xã hội, du lịch, khách sạn, thể dục thể thao, dịch vụ vận tải, môi trường và bảo vệ môi trường là 15 triệu đồng/năm học...

leftcenterrightdel
Thông tin về học phí được thí sinh quan tâm trong mỗi mùa tuyển sinh 

Tuy nhiên, đối với các đơn vị thực hiện tự chủ, mức học phí sẽ áp dụng theo đề án tự chủ. Theo lãnh đạo Ban Kế hoạch, Tài chính và Cơ sở vật chất ĐH Huế, hiện ĐH Huế có 4 đơn vị, trong đó có 2 đơn vị tự chủ mức 1 (tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư) là Trường ĐH Kinh tế và Trường ĐH Luật, mức 2 (tự đảm bảo chi thường xuyên) có Trường ĐH Y - Dược, Trường ĐH Ngoại ngữ. “Dự kiến, mức học phí các đơn vị tự chủ có thể cao hơn từ 15 - 20% so với mức học phí đại trà. Song, hiện các trường vẫn đang tính toán mức học phí phù hợp, trong đó, Trường ĐH Luật và Trường ĐH Ngoại ngữ dự kiến vẫn áp dụng học phí bằng mức học phí đại trà theo khung học phí của Nghị định 81”, TS. Huy thông tin.

Theo TS. Nguyễn Văn Huy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, thông tin học phí năm học 2023 - 2024 nhà trường dự kiến thu đã được công bố trong đề án tuyển sinh. Trong đó, mức học phí khối ngành I (khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên), theo hình thức niên chế là 14,1 triệu đồng/năm học/1 sinh viên. Mức học phí cho khối ngành VII (khối ngành nhân văn, khoa học xã hội và một số ngành khác theo quy định), theo hình thức niên chế từ 15 triệu đồng/năm học/sinh viên đến 30 triệu đồng/năm học/sinh viên tùy thuộc vào từng ngành đào tạo. Trong các năm học tiếp theo, mức học phí chính quy tăng dần theo lộ trình tăng học phí được quy định tại Điều 11, Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ, đảm bảo tỷ lệ tăng học phí của năm học tiếp theo không vượt quá 20% so với năm học trước.

Tính đến hoàn cảnh của sinh viên

Tăng học phí nhằm đảm bảo các điều kiện để đầu tư và nâng cao chất lượng ở các mặt, đảm bảo hoạt động đào tạo tại trường. Theo đại diện ĐH Huế, lộ trình tăng học phí một phần căn cứ vào yếu tố trượt giá cùng nhiều yếu tố khác, nhưng phải tính toán, cân nhắc, đảm bảo không phải vì do khó khăn học phí mà sinh viên không thể tiếp tục đến trường.

Học phí tăng luôn là băn khoăn của sinh viên, điều này cũng phần nào tác động đến hoạt động tuyển sinh cùng nhiều vấn đề khác. Theo TS. Trần Đăng Huy, ngoài học bổng, các đơn vị thực hiện lộ trình tự chủ cũng xây dựng các quỹ hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, tiếp sức để các em đến trường.

Bên cạnh tăng học phí theo lộ trình, ĐH Huế và các đơn vị đào tạo phải nỗ lực hơn trong việc tìm kiếm và kết nối các nguồn học bổng. Hiện, ĐH Huế và các trường, khoa, phân hiệu thuộc và trực thuộc đang kết nối với hơn 100 quỹ học bổng, các tổ chức trong nước và quốc tế hỗ trợ cho hàng ngàn sinh viên hằng năm. Ngoài mở rộng số lượng, ĐH Huế định hướng cố gắng cùng các đơn vị tăng mức hỗ trợ học bổng cho sinh viên, phù hợp với mức học phí hiện hành.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xứng tầm Đại học Quốc gia

Gần 70 năm xây dựng và phát triển, đặc biệt trong 30 năm tái thành lập đã tạo cho Đại học Huế (ĐHH) tầm vóc của một cơ sở giáo dục quốc gia.

Xứng tầm Đại học Quốc gia

TIN MỚI

Return to top