Học sinh thi vào lớp 10 THPT năm học 2021-2022
Được chọn đúng môn học theo khả năng
Theo chương trình mới, từ năm học 2022-2023, học sinh lớp 10 phải học 5 môn bắt buộc và 5 môn lựa chọn; 3 chuyên đề học tập và một số hoạt động. Cụ thể, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và nội dung giáo dục của địa phương. Các môn học lựa chọn, gồm 3 nhóm môn: Nhóm môn khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật); nhóm môn khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học); nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (công nghệ, tin học, nghệ thuật gồm âm nhạc, mỹ thuật).
Điểm thay đổi lớn là cho phép học sinh được tự chọn môn học và phân hóa hướng nghiệp sớm đối với bậc học THPT. Các em sẽ chọn môn học theo đúng sở thích và phù hợp với yêu cầu kiến thức định hướng nghề nghiệp đa dạng trong xã hội. Mục tiêu của chương trình giáo dục THPT là giúp học sinh tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết đối với người lao động, khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc tham gia vào cuộc sống lao động. Vì vậy, chương trình đã xây dựng để học sinh chọn năm môn học từ ba nhóm môn học, mỗi nhóm chọn ít nhất một môn học cùng với việc chọn ba cụm chuyên đề học tập của ba môn học phù hợp với nguyện vọng của bản thân và khả năng tổ chức của nhà trường.
Sẽ khảo sát nhu cầu của học sinh
Cũng như nhiều địa phương khác, khó khăn của Thừa Thiên Huế là còn thiếu giáo viên các môn mới như âm nhạc, mỹ thuật. Đây là môn học tự chọn, do đó nếu chưa bố trí được đội ngũ này, một số trường sẽ chưa triển khai trong năm sau. Bày tỏ băn khoăn về đội ngũ dạy âm nhạc, mỹ thuật, thầy giáo Nguyễn Vinh Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT An Lương Đông cho hay, nhà trường đang khảo sát nhu cầu của học sinh, nếu các em có nhu cầu nhà trường sẽ đáp ứng để đảm bảo quyền lợi cho các em. Do đó, phương án hợp đồng giáo viên cũng được tính đến. Tuy nhiên về lâu dài, để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới, cần chính sách để tạo nguồn tuyển và có chỉ tiêu biên chế cho đội ngũ này.
Theo thầy giáo Lê Thân, Hiệu trưởng Trường THPT Tố Hữu, nhà trường sẽ tăng cường tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh hiểu rõ nội dung chương trình, sách giáo khoa mới và việc bố trí giáo viên giảng dạy để xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với thực tế. Hiện, đội ngũ giáo viên của trường đáp ứng đủ nhu cầu giảng dạy, trong trường hợp, các em đăng ký các môn mới sẽ đề xuất để xin thêm biên chế”.
Vấn đề đặt ra liệu học sinh có đổ xô chọn một số môn và từ chối một số môn hay không? Tại cuộc họp trực tuyến mới đây với ngành giáo dục của các tỉnh, thành phố, Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, sẽ không có tình trạng này khi bộ sẽ hướng dẫn cụ thể vấn đề tổ chức cho học sinh lựa chọn môn học tự chọn, không xảy ra tình trạng một số môn hoặc không có học sinh hoặc quá đông học sinh, vượt quá khả năng đáp ứng của nhà trường. Đồng thời, chương trình cũng quy định, các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ ba nhóm môn học và chuyên đề học tập nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu của người học, vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.
Cũng theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, sở đang tập hợp nhu cầu thực tế giáo viên các môn mới làm cơ sở để đề xuất cấp có thẩm quyền trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, từng bước bổ sung đội ngũ giáo viên cho các trường trong thời gian tới. Ưu tiên bố trí nguồn tài chính cho đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ tốt triển khai chương trình, sách giáo khoa lớp 10. Hiện sở đang tổ chức biên soạn tài liệu giáo dục địa phương và triển khai sách giáo khoa mới lớp 10, bảo đảm công khai, minh bạch, khoa học, liên thông, thống nhất giữa các môn học.
Thu Huế