Tiết học mỹ thuật ở Trường THCS Chu Văn An (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)
Theo Chương trình GDPT hiện hành, bậc trung học cơ sở, các môn lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học là riêng biệt. Từ năm học 2021 - 2022, ở lớp 6, các môn học này được tích hợp thành hai môn chính là: lịch sử và địa lý; khoa học tự nhiên. Thực tế cho thấy, việc xây dựng môn học tích hợp giúp học sinh có thể vận dụng kiến thức, kỹ năng để giải quyết các vấn đề trong thực tiễn và đời sống. Ngoài ra, những tổ hợp này có thể bỏ kiến thức trùng lắp ở nhiều môn, giúp giảm tải chương trình.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Nguyên cho rằng, cái hay của chương trình mới này là học sinh có nhiều kênh hình hơn, kiến thức ít hơn nhưng trọng tâm và đặc biệt, chất lượng học tập không giảm. Những tổ hợp bộ môn có những phần giao thoa về kiến thức, nhưng vẫn đảm bảo phân môn. Tổ hợp khoa học tự nhiên được thiết kế với 4 chủ đề xuyên suốt, gồm: Chất và sự biến đối của chất - Vật sống, năng lượng và sự biến đổi - Trái đất - Bầu trời. Xuyên xuốt chương trình địa lý (lịch sử - địa lý) có 4 chủ đề tích hợp bao gồm: Phát kiến địa lý trong lịch sử - Đồng bằng sông Hồng - Đồng bằng sông Cửu Long - Chủ quyền biển đảo. Bốn chủ đề tích hợp trên được thiết kế từ lớp 7 đến lớp 9, còn lớp 6 mới đừng lại ở 2 phân môn.
Ở Trường THCS Chu Văn An, những tuần đầu, nội dung khá cơ bản nên giáo viên dạy môn tích hợp có thể phối hợp nhuần nhuyễn và hỗ trợ nhau. Thế nhưng, các phần phía sau có những chủ đề tương đối độc lập, ứng với từng phân môn nên giáo viên phải xây dựng bài giảng riêng và tiến hành dạy song song theo các chủ đề. Theo cô giáo Lê Thị Hồng Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, trường gặp khó khăn trong bố trí các giáo viên dạy môn tổ hợp, nhất là khi trong chương trình cũ không có dạy môn hóa học lớp 6 nên phải điều giáo viên lớp 8, lớp 9 xuống đảm nhận môn hóa học trong môn khoa học tự nhiên.
Cũng theo cô Giang, giáo viên hiện nay chưa được trang bị kiến thức liên môn một cách đầy đủ. Ví dụ giáo viên lịch sử, nay sẽ phải dạy cả địa lý, giáo viên vật lý phải dạy cả hóa học và sinh học. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất không nằm ở kiến thức, nội dung cụ thể, mà cái khó nhất là giáo viên phải thay đổi phương pháp giảng dạy. Dạy tích hợp liên môn đòi hỏi giáo viên sẽ phải có kỹ năng tổ chức các hoạt động trong lớp học để đảm bảo tính linh hoạt, thực tiễn, có tính vận dụng cao, đáp ứng yêu cầu của chương trình mới. Để thay đổi phương pháp, giáo viên cần có nhiều thời gian luyện tập. Nhiều giáo viên cũng gặp khó khăn khi mỗi tiết học hiện nay chỉ kéo dài 45 phút, quá ngắn để tổ chức 1 tiết học hay theo chương trình mới.
Với kiểm tra định kỳ, giáo viên sẽ chia câu hỏi theo tỷ lệ % nội dung giảng dạy. Đề kiểm tra giữa kỳ sẽ có 3 bộ môn nên khi chấm điểm sẽ gây khó khăn cho giáo viên. Còn kiểm tra thường xuyên sẽ phải chọn và sử dụng điểm cao nhất trong quá trình kiểm tra. Ngoài ra, mỗi môn đều đặt chỉ tiêu riêng, tuy nhiên, khi trở thành liên môn các chỉ tiêu sẽ không khớp với nhau nên cần phải có sự điều chỉnh.
Dạy tích hợp đang chỉ là sự dạy gộp giữa các giáo viên dạy đơn môn với nhau. Do các điều kiện khách quan khác nhau nên bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp khá chậm so với lộ trình, các tài liệu dạy tích hợp chưa đầy đủ. Thời gian đến, các giáo viên dạy tích hợp phải tham gia tập huấn để một mình có thể đảm nhiệm các phân môn trong môn tích hợp. Từ thực tiễn ở Trường THCS Chu Văn An cho thấy, đây là điều cần nhanh chóng thực hiện trong khi chờ đội ngũ nhà giáo được đào tạo theo chương trình GDPT mới.
Bài, ảnh: An Nhiên