ClockThứ Bảy, 25/03/2023 13:56

Kết nối, lan tỏa khát vọng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên

TTH.VN - Sáng 25/3, tại TP. Huế, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT), Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh tổ chức khai mạc “Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên (HSSV) lần thứ V năm 2023” (SV_STARTUP 2023). Đại học (ĐH) Huế là đơn vị đăng cai chương trình.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ các đoàn tham dự SV_STARTUP 2023Kết nối, thúc đẩy sản phẩm truyền thống địa phươngNgày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V hứa hẹn nhiều hoạt động thiết thực

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Trung ương và địa phương thực hiện nghi thức khởi động ngày hội

Đến dự khai mạc ngày hội có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; UVBCHTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; UVBCHTW Đảng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bí thư TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Trung ương; lãnh đạo các địa phương.

Về phía tỉnh có các ông: Lê Trường Lưu, Ủy viên BCHTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh.

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là động lực quan trọng

Phát biểu tại buổi khai mạc ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HSSV lần thứ V, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) là một động lực, nguồn lực quan trọng trong phát triển của mỗi quốc gia, đặc biệt trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 

Những năm qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và, đã ban hành, triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, khuyến khích KNĐMST. Phong trào khởi nghiệp đã lan tỏa rộng khắp từ thành phố đến nông thôn và đến tận các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tinh thần doanh nhân, khát vọng khởi nghiệp bắt đầu khởi sắc ở hầu hết các tầng lớp, thế hệ người dân, nhất là trong giới trẻ, HSSV.

Đặc biệt, ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HSSV được tổ chức hằng năm thực sự trở thành sân chơi trí tuệ, nơi hình thành các ý tưởng, những nghiên cứu khoa học, chia sẻ giá trị nhằm thúc đẩy khát vọng khởi nghiệp của thanh niên. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ HSSV hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp.

Trong gần 5 năm thực hiện, Đề án 1665 đã thu hút được gần 2.600 dự án khởi nghiệp của HSSV và trên 4.000 ý tưởng, dự án khởi nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiêp. Trong đó, nhiều dự án đã đoạt giải thưởng và được thương mại hóa…

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hệ sinh thái khởi nghiệp của chúng ta chưa tương xứng với tiềm năng, vẫn còn khoảng cách so với một số nước trong khu vực và thế giới. KNĐMST đối với thanh niên vẫn còn nhiều khó khăn, rào cản. Nhiều thanh niên có ý tưởng tốt nhưng chưa thể biến thành hiện thực, nhiều đề án, dự án còn dở dang, nhiều sản phẩm chưa được thương mại hóa.

Để hoạt động khởi nghiệp có sự đột phá, thực sự trở thành phong trào rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, ở tất cả các địa phương, ở tất cả các cấp, các ngành thì cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự đồng lòng, hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp, nhưng quan trọng nhất chính là tinh thần quyết tâm, khát vọng của thanh niên Việt Nam.

Lan tỏa khát vọng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên

Theo đại diện Bộ GD&ĐT, ngày hội khởi nghiệp quốc gia của HSSV là hoạt động thường niên được Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức nhằm thực hiện đề án “Hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025” theo quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan không gian trưng bày dự án, ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên 

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cho biết, SV_STARTUP nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của HSSV, giúp các em thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm và có khát vọng lớn để biến ước mơ, ý tưởng thành hiện thực. Đây cũng là cơ hội để tăng cường các hoạt động kết nối, xúc tiến đầu tư đối với các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của HSSV có tính khả thi cao.

Trong hai ngày diễn ra (25-26/3), SV_STARTUP lần thứ V mang dấu ấn của nhiều hoạt động thiết thực, sôi nổi và sáng tạo. Điểm nhấn của SV_STARTUP lần thứ V là cuộc thi “HSSV với ý tưởng khởi nghiệp” được tổ chức trên quy mô toàn quốc với tổng giá trị giải thưởng 710 triệu đồng. Đây là cuộc thi dành cho học sinh, sinh viên trong độ tuổi từ 12 - 24 đang học tại các trường THCS, THPT, trung cấp, cao đẳng, ĐH trên cả nước. 

Năm nay, cuộc thi được phát động từ tháng 11/2022. Từ 508 dự án, ban tổ chức đã lựa chọn ra 80 dự án xuất sắc nhất vào vòng bình chọn và vòng chung kết của cuộc thi. Mỗi lĩnh vực sẽ có 3 dự án tiêu biểu được tham gia thuyết trình tại ngày hội khởi nghiệp. Sau khi cuộc thi kết thúc, các dự án tiềm năng của khối sinh viên có thể được các cơ sở giáo dục ĐH hỗ trợ chuyển giao cho cộng đồng.

Cùng với cuộc thi, các diễn đàn: Kết nối mạng lưới Trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp các trường ĐH, cao đẳng; Hội thảo đánh giá thực trạng, giải pháp triển khai mác hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong các trường phổ thông, ngày hội còn có nhiều hoạt động đồng hành như giao lưu văn nghệ, không gian trưng bày ý tưởng, dự án khởi nghiệp cũng sẽ được tổ chức. 

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Bộ GD&ĐT lựa chọn Thừa Thiên Huế đăng cai sự kiện quan trọng này, đặc biệt có sự tham dự và chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ càng thể hiện sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương và sự quyết tâm của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh nhà trong việc thực hiện mục tiêu trọng tâm này. Tin tưởng rằng, ngày hội khởi nghiệp quốc gia là dịp để các em HSSV đang học tập tại các cơ sở giáo dục và đào tạo trên khắp cả nước có cơ hội được giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và nghiên cứu khoa học. Đây cũng là sự kiện giúp cho cán bộ, giảng viên, giáo viên và HSSV tỉnh Thừa Thiên Huế có cơ hội tiếp cận, học hỏi, tạo động lực để phát triển phong trào khởi nghiệp, góp phần hoàn thành mục tiêu Đề án Cố đô khởi nghiệp đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt.

Nỗ lực thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, sự kết nối với doanh nghiệp, sư lưu tâm, sự ủng hộ của các Bộ, ngành địa phương để các ý tưởng khởi nghiệp được nuôi dưỡng và ươm mầm từ giai đoạn học tập của sinh viên là việc quan trọng mà ngành giáo dục và đào tạo phải làm.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thanh niên, thế hệ trẻ là lực lượng quan trọng. Để các startup vươn ra toàn cầu, cần cải thiện yếu tố kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ. Các bạn trẻ cần tích cực tham gia các chương trình đào tạo, mạng lưới các trung tâm khởi nghiệp. Đặc biệt, các bạn trẻ phải không ngại thử nghiệm phát triển các ý tưởng mới, sẵn sàng chấp nhận thất bại và rút ra được các bài học kinh nghiệm cho mình, phải có khát vọng, ước mơ, tâm sáng và tìm cách biến ước mơ thành hiện thực.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương chụp ảnh kỷ niệm cùng các giảng viên, giáo viên, học sinh, sinh viên

Tại chương trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gợi ý nhiều nội dung để thúc đẩy KNĐMST, đặc biệt là trong HSSV. Trong đó, đối với các bộ, ngành, địa phương, cần tạo môi trường, điều kiện, cơ sở pháp lý thuận lợi để thanh niên KNĐMST một cách thuận lợi nhất, hiệu quả nhất, chi phí thấp nhất, rủi ro ít nhất, truyền cảm hứng, tạo động lực, thúc đẩy xu thế, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ triển khai KNĐMST và đẩy mạnh thương mại hóa các sản phẩm của thanh niên; khuyến khích và bảo vệ những người dám khởi nghiệp, dám đổi mới sáng tạo.

Đối với các trường ĐH, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp trong ngành giáo dục, đào tạo. Nhà trường là nền tảng; các thầy cô giáo là động lực; học sinh, sinh viên là trung tâm, chủ thể của khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Chú trọng phát hiện, khuyến khích, ươm mầm, phát triển các ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp để phục vụ thiết thực cho bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội, làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Tăng cường kết nối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong nhà trường…

Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng cần tạo động lực, truyền cảm hứng, lan tỏa khát vọng KNĐMST trong thanh niên. Tiếp tục tạo phong trào, sân chơi, môi trường, tôn vinh, góp phần "làm bệ đỡ" nuôi dưỡng, ươm mầm cho các ý tưởng KNĐMST của thành niên, nhất là HSSV.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cơ hội khởi nghiệp cho thanh niên vùng cao

Trong hành trình thoát nghèo và làm giàu bền vững, nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã trở thành đòn bẩy quan trọng giúp nhiều đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) trên địa bàn huyện A Lưới vươn lên phát triển kinh tế. Với sự hỗ trợ của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là huyện đoàn, nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả đã ra đời, mang lại sinh kế ổn định cho ĐVTN.

Cơ hội khởi nghiệp cho thanh niên vùng cao
Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên

Đại học Huế với vai trò là trung tâm đào tạo hàng đầu miền Trung, đã chủ động tích hợp công nghệ số vào công tác Đoàn Thanh niên - Hội Sinh viên (ĐTN - HSV) nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, tăng cường hiệu quả quản lý và đẩy mạnh phong trào sinh viên.

Chuyển đổi số trong thanh niên, sinh viên

TIN MỚI

Return to top