70% số học sinh ở các trường huyện đạt thành tích cao trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh đều là con nông dân, có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo. Em Tô Đông Hưng, học sinh Trường THPT Vinh Xuân (Phú Vang) đạt giải nhì môn toán cấp tỉnh. Gia đình khó khăn, bố mẹ đi làm ăn xa, em phải ở với ông bà nội từ tấm bé. Thiếu sự chăm sóc của bố mẹ nhưng Hưng vẫn học rất giỏi. Hưng chia sẻ, em không muốn phụ lòng người khác. Ngôi làng nhỏ yên bình nơi Hưng đang sống lại rộn ràng mỗi khi nghe tin cậu đạt giải cao trong các cuộc thi. Bà con hàng xóm mừng, tự hào đã đành, hội khuyến học từ xã đến thôn đều có những động viên, khích lệ kịp thời. Vui hơn là em được tôn vinh trước dòng họ, tổ tiên mỗi khi Tết đến, xuân về. Đơn giản vậy thôi, nhưng đó cũng là động lực để em phấn đấu.
Học sinh trung học phổ thông tham gia kỳ thi quốc gia
Ngày trước, thi học sinh giỏi không “có cửa” cho học sinh trường huyện. Thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, thiếu thầy giỏi, thiếu tài liệu để học... nên chỉ dừng lại ở mức độ đi thi để có thêm kinh nghiệm học hỏi.
Những năm gần đây, sau trường Quốc Học, Hai Bà Trưng, Nguyễn Huệ, nhiều trường huyện có sự bứt phá khá ngoạn mục. Khi công nghệ thông tin lan rộng, việc tiếp cận kiến thức để nghiên cứu, tham khảo tài liệu của học sinh dễ dàng hơn. Các trường đã có chiến lược dài hơi khi lựa chọn, phát hiện học sinh giỏi có tư chất tốt được thực hiện ngay từ lớp 10 và tổ chức ôn luyện với cường độ thích hợp. Tìm được nguồn học sinh tốt, các trường chọn lựa những giáo viên vừa giỏi chuyên môn, vừa tâm huyết với việc bồi dưỡng học sinh giỏi, và quan trọng là biết cách “truyền lửa” cho học sinh. Thầy giáo Nguyễn Văn Lộc, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (Quảng Điền), cho biết: "Nhà trường luôn động viên, khuyến khích thầy, cô giáo tự học để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; nhất là về công nghệ thông tin để làm chủ các thiết bị dạy học hiện đại. Trường đã có sự đầu tư thích đáng cho công tác dạy và học. Nhiều giờ học được thiết kế công phu, đạt hiệu quả cao về kiến thức khoa học và tính thực tiễn".
Trường THPT An Lương Đông (Phú Lộc) là một trong những trường có nhiều học sinh đạt giải cao trong các cuộc thi. Cơ sở vật chất nhà trường được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại thuận lợi cho giáo viên và học sinh trong việc cập nhật thông tin. Các em còn không còn tình trạng học chay. Nhà trường đã xây dựng nhà đa năng, phòng máy tính phục vụ các môn học thực hành. Môn toán, lý và giải máy tính cầm tay vẫn là thế mạnh của trường khi có nhiều thiết bị hỗ trợ đắc lực. Thầy giáo Nguyễn Khả, Hiệu trưởng Trường THPT An Lương Đông lý giải, chúng tôi đã huy động được rất nhiều nguồn để hỗ trợ học sinh nghèo học giỏi giúp các em yên tâm học tập. Giáo viên luôn sát cánh với các em khi bồi dưỡng kiến thức bằng nhiều hình thức kèm cặp, lên lớp và qua mạng internet... với nhiều kiến thức mới được cập nhật”.
Giải thưởng cho học trò trường huyện và giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi cũng khá thích đáng. Có trường cứ mỗi học sinh đạt giải cao đều được các tổ chức, cá nhân thưởng 5 triệu đồng, có em nhận một lúc hơn 20 triệu đồng. Không ít trường đã khá "rủng rẻng" khi có nguồn hỗ trợ của các cựu học sinh, doanh nghiệp khoảng 200 triệu đồng để hỗ trợ kịp thời học sinh nghèo học giỏi. Ngay khi các em đang ở trong đội tuyển, doanh nghiệp đã đứng ra tài trợ để các em có kinh phí bồi dưỡng trong quá trình ôn luyện đạt kết quả tốt.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, chất lượng giáo dục văn hóa ở các vùng, miền trên địa bàn đã được rút ngắn. Yếu tố quyết định cuối cùng lại phụ thuộc rất nhiều ở sự nỗ lực của bản thân mỗi học sinh. Hiện nay, việc học tập, trau dồi kiến của học sinh không chỉ còn gói gọn qua sách vở, thầy cô giáo mà các em có thể học tập qua nhiều kênh khác nhau.
Niềm vui ấy, vinh dự ấy được làm nên từ những vùng đất có truyền thống hiếu học. Nơi ấy, có những cô cậu học trò nghèo quyết tâm chinh phục tri thức. Có những người thầy tận tâm, có kinh nghiệm trong việc phát hiện và chăm sóc, bồi dưỡng để những “hạt giống tốt” nảy mầm, đâm lá.
HUẾ THU