Trường THCS Trần Cao Vân chào đón học sinh khối 6 vào năm học mới 2022 - 2033. Ảnh: MC
Trường lớp khang trang
Dãy 8 phòng học mới của Trường tiểu học Thủy Lương (Hương Thủy) với kinh phí đầu tư 6 tỷ đồng đang ở giai đoạn hoàn tất. Năm học 2022-2023, trường có hơn 900 học sinh theo học, trong đó, có trên 160 học sinh lớp 1. Cô Nguyễn Thị Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Thủy Lương cho biết: “Phòng học và các thiết bị trong phòng học đều được đảm bảo, đặc biệt ưu tiên công nghệ thông tin cho các khối thay sách đầu cấp”. Không riêng Trường tiểu học Thủy Phù, các trường học trong tỉnh đều tranh thủ mọi nguồn lực tài trợ để tu sửa, chống xuống cấp, cải tạo phòng chức năng, tu sửa, bảo dưỡng trang thiết bị phục vụ dạy và học để chuẩn bị trường lớp khang trang, đón học sinh đến lớp.
Năm học 2022- 2023, TX. Hương Trà có nhiều trường học cần nâng cấp, sửa chữa do hầu hết các phòng học đều bị bong tróc vôi vữa; hệ thống tường rào, sân trường, cửa và khung sắt hư hỏng; mái nhà, cột kèo mục nát. Vì vậy, ngành giáo dục TX. Hương Trà được đầu tư gần 7 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa các công trình, như: bếp ăn bán trú, phòng học, nhà vệ sinh, trang trí trường học, xây dựng khu vui chơi, nhà để xe… góp phần nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, bảo đảm giảng dạy và học tập, phục vụ kế hoạch xây dựng các trường đạt chuẩn quốc gia trong năm 2019. Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo TX. Hương Trà Nguyễn Thị Huy cho biết: Kính phí đầu tư trang thiết bị ở các trường đã được đáp ứng. Các thiết bị toàn ngành đầu tư gần 10 tỷ đồng và trang cấp thiết bị lớp 3,7 khoảng 4 tỷ đồng.
Niềm vui trong năm học mới 2022-2023 lan tỏa đến các trường huyện, vùng sâu, vùng xa. Các em có những ngôi trường mới khang trang, thoáng đãng và đạt chuẩn, không còn cảnh nơm nớp lo lắng khi mùa mưa bão về. Theo ông Hồ Văn Khởi, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện A Lưới, năm học 2022-2023, UBND huyện A Lưới đầu tư trên 20 tỷ đồng sắm sửa các trang thiết bị đảm bảo chương trình giáo dục phổ thông mới. CSVC trường lớp trên địa bàn đang ngày một ổn định, đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn. Riêng trên 5.000 học sinh tiểu học ở A Lưới được học hai buổi/ngày.
Cô và trò Trường mầm non Phương Nam trong ngày đầu năm học mới
Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, ngân sách tỉnh cấp cơ bản đảm bảo cho hoạt động giáo dục trên địa bàn. Nhiều dự án trường học quy mô ở các cấp được phê duyệt chủ trương đầu tư và đã được bố trí nguồn lực thực hiện trong giai đoạn đầu tư công 2022-2025. Toàn tỉnh hiện có 8.142 phòng học (mầm non: 2.410 phòng, tiểu học: 3.442 phòng, THCS: 1.567 phòng và THPT: 723 phòng), số phòng học kiên cố là 6.875 phòng, đạt tỷ lệ 84,4%; tỷ lệ trung bình phòng học/lớp là 0,93% (tiểu học 0,99%; THCS 0,82%; THPT 0,72%). Năm 2022, nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất cho ngành giáo dục là 388,936 tỷ đồng. Chương trình nhà vệ sinh trường học giai đoạn 2019 - 2021 với tổng kinh phí hơn 100 tỷ đồng đã bố trí nguồn vốn trên 85 tỷ đồng.
Vẫn còn trăn trở
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023, nhiều ý kiến vẫn còn trăn trở khi tỷ lệ học sinh học hai buổi/ngày bậc tiểu học mới đạt tỷ lệ 85,88%. Số trường đạt chuẩn quốc gia nhìn chung còn thấp và có tình trạng mất chuẩn do thiếu đầu tư, duy trì. Thực tế, số lượng phòng học chưa được kiên cố hóa, số phòng học tạm, học mượn vẫn còn. Toàn tỉnh có 2.411 phòng học đảm bảo 1 phòng học/1 lớp; trong đó, phòng học kiên cố 1.895 phòng, tỷ lệ 78,6%; phòng học bán kiên cố 488 phòng, tỷ lệ 20,2%; phòng học tạm 20 phòng, chiếm tỷ lệ 0,8% (chủ yếu tập trung ở các nhóm lớp độc lập, tư thục). Những trường vùng ven cơ bản đáp ứng chuẩn về đất thì lại thiếu trang thiết bị do công tác xã hội hoá khó khăn. TP. Huế vẫn còn thiếu phòng học trong khi tổng kinh phí đầu tư mỗi phòng học lên đến 500 - 600 triệu đồng.
Nhiều trường có nhà đa năng còn thấp nên giáo dục thể chất và một số hoạt động khác cho học sinh gặp nhiều hạn chế. Ở các trường vẫn còn 382 phòng học bộ môn phải tận dụng từ các phòng học nên chưa phát huy công năng sử dụng. Cơ chế mua sắm trang thiết bị do chưa có quy định quản lý chặt chẽ, đảm bảo an toàn, chất lượng dẫn đến ảnh hưởng tiến độ thực hiện, đặc biệt đáp ứng kịp thời lộ trình đổi mới thay sách giáo khoa hiện hành. Chương trình sóng và máy tính cho em triển khai còn chậm.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Tân cho rằng: Các cơ sở giáo dục cần chủ động lập đề án, bố trí nguồn lực để xóa bỏ phòng học xuống cấp và đầu tư phòng học bộ môn đạt chuẩn. Ngành đề nghị các địa phương chú trọng việc quy hoạch sử dụng đất dành cho giáo dục, xây dựng trường khang trang trên nguyên tắc gom các điểm trường nhỏ lẻ lại, tránh tình trạng thiếu trường, lớp học, bảo đảm các điều kiện phục vụ dạy và học tốt nhất. Ngoài ra, các địa phương cần huy động nguồn lực, lồng ghép nguồn vốn, phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc thực hiện xã hội hóa giáo dục.
Vẫn còn nhiều việc mà ngành giáo dục phải thực hiện trong thời gian đến khi chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới, đặc biệt là lớp 1. Vì vậy, cần huy động các nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn, phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc xã hội hóa giáo dục.
Bài, ảnh: Huế Thu