ClockThứ Sáu, 23/09/2022 20:31

Linh hoạt trong việc quản lý học sinh sau giờ học

TTH.VN - Sau gần 1 tháng khung giờ làm việc mới (buổi sáng từ 8-11h30, chiều từ 13-17h30) áp dụng cho cơ quan hành chính Nhà nước, ít nhiều làm thay đổi lịch đưa đón con của phụ huynh. Nhiều trường linh hoạt điều chỉnh giờ học và có phương án cho các em ở lại trường để phụ huynh đón về.

Các em có thể đọc truyện để đợi bố mẹ đón về 

Chị Trương Thị Thanh Thúy (phường Trường An, TP. Huế), một công chức làm việc Nhà nước, có 2 con đang học tiểu học và THCS cho biết, các con của chị hằng ngày đi học đều phải đưa đón. Do đó, vào làm việc từ 8 giờ sáng giúp chị đưa các con đi học tốt hơn và có thời gian để giải quyết một số công việc của gia đình trước giờ làm. Theo khung thời gian đi làm hiện tại muộn hơn so với thời gian đi học của con cái, nhiều gia đình có đủ thời gian trong buổi sáng để lo cho con ăn uống đầy đủ, có thời gian quan tâm đến tình hình học tập, vui chơi, sinh hoạt của con ở trường mà không phải vội vàng cho kịp giờ làm.

Theo quy định, học sinh tiểu học mỗi tuần sẽ học không quá 35 tiết. Tùy theo tình hình của mỗi trường để các em có giờ ra về phù hợp. Nhìn chung, các trường đều cho các cháu ra về tầm 16h10 phút. Thế nên, nhiều phụ huynh gặp khó khăn khi giờ tan ca của họ là 17h30. Chị Trần Thị Mỹ, có con học ở Trường tiểu học Vĩnh Ninh cho rằng, tôi thực sự khó khăn khi đón con vào giờ này vì chẳng biết gửi cháu vào đâu, đem con về nhà thì quay lại cơ quan muộn, vì nhà ở xa, mà cho con lên cơ quan thì lại ngại nên tôi mong nhà trường có chỗ cho các cháu ở lại chơi để đợi bố mẹ đón.

Tại Trường tiểu học Quang Trung, từ khi UBND tỉnh có thông báo thay đổi giờ làm việc, nhà trường đã nhanh chóng điều chỉnh thời gian đón – trả học sinh phù hợp với thời gian làm việc của phụ huynh. Theo ông Nguyễn Thế Sinh - Hiệu trưởng nhà trường: "Thay vì học sinh đến trường vào 7h15 và ra về vào lúc 16h35 thì hiện tại khung thời gian đón trả học sinh sẽ muộn thêm 15 phút; theo đó, học sinh nhà trường đến trường vào 7h30, ra về vào lúc 16h50. Sự điều chỉnh này mỗi tuần 3 ngày phần nào giúp phụ huynh sắp xếp được việc đưa đón con sau khi thời gian làm việc có sự điều chỉnh".

 

Phụ huynh chờ đón con ở Trường tiểu học Trần Quốc Toản 

Chính sự chênh lệch giờ học và giờ làm nên các trường phải tìm phương án hỗ trợ đón con hợp lý. Tại Trường tiểu học Trần Quốc Toản, toàn trường có 1.092 cháu ở 30 lớp. Trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, các em có thể đăng ký học các môn đá bóng, võ... ngay tại trường. Với mỗi tiết học là 6.000 đồng theo NQ 05 của HĐND tỉnh về quy định các mức thu, khoản thu hỗ trợ giáo dục ngoài giờ, mỗi tuần các em học 2 tiết, vị chi mỗi tháng phụ huynh đóng cho các em thêm 48.000 đồng các môn học này để rèn luyện kỹ năng. Một số trường có câu lạc bộ tiếng Anh, tiếng Việt và toán... hoặc học phụ đạo cho các em học lực chưa tốt sau buổi chiều, tuy nhiên, các trường không thu phí các môn học này.

Vấn đề phụ huynh quan tâm, dẫu biết các môn học năng khiếu là tự nguyện, tuy nhiên, nhiều em không học sẽ phải ra khỏi lớp để nhường chổ cho các bạn học năng khiếu nên liệu các em sẽ ở lại trường như thế nào. Theo Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản, ông Dương Quang Nam, nhà trường cho các em ở lại tại nhà đa năng, bố trí truyện, sách ở khu vực hành lang, sân trường cho các em ngồi tại chỗ đọc. Thậm chí, mở cửa thư viện để các em vào đọc sách để đảm bảo an toàn đợi khi phụ huynh đến đón con về.

Việc thay đổi giờ làm là một nỗ lực rất lớn, đảm bảo tính khoa học, thực tiễn và phục vụ lợi ích của đa số người dân. Qua đó, góp phần giảm và giãn áp lực về người và phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đương khu vực nội thành và ven đô trong các khung giờ cao điểm. Đây cũng là điều kiện để phụ huynh có thêm thời gian chăm sóc, đưa đón các con được tốt hơn và có thời gian để giải quyết một số công việc của gia đình trước giờ làm. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra các trường cũng phải linh hoạt trong việc quản lý học sinh sau giờ tan tầm để phụ huynh yên tâm làm việc.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trò đến lớp, thầy vui!

Bên cạnh dạy học, thầy cô giáo ở vùng cao A Lưới còn phụ trách thêm công tác vận động học sinh đến trường. Thấy học sinh nghỉ học dài ngày, có nguy cơ bỏ học, sau giờ dạy, giáo viên lại tìm đến nhà tìm hiểu, động viên, nhắc nhở. Niềm vui giản dị của các nhà giáo nơi đây là được thấy học sinh trở lại trường.

Trò đến lớp, thầy vui
Hơn 16.000 bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024

Được phát động từ tháng 4 đến nay, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024 thu hút 16.358 bài dự thi đến từ 120 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh tham gia.

Hơn 16 000 bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024
Chăm lo lưu học sinh Lào

Là trường cao đẳng duy nhất trên địa bàn tỉnh đào tạo và cấp chứng chỉ năng lực tiếng Việt cho lưu học sinh (LHS) Lào, Trường Cao đẳng Huế đã và đang thực hiện tốt nhiệm vụ vừa nâng cao chất lượng đào tạo, vừa tích cực chăm lo cho LHS.

Chăm lo lưu học sinh Lào

TIN MỚI

Return to top