ClockThứ Bảy, 23/10/2021 06:45

Lúng túng khi dạy tích hợp liên môn

TTH - Lần đầu tiên, chương trình giáo dục mới ở lớp 6 xuất hiện các môn học tích hợp từ nhiều đơn môn. Tuy nhiên, sau thời gian triển khai các trường vẫn lúng túng khi 2 - 3 giáo viên cùng đảm nhận các môn tích hợp.

Giáo viên lo lắng khi dạy tích hợp

Tiết học ở Trường THCS Tố Hữu

Một môn học có 3 giáo viên

Dạy học các chương trình tích hợp vấp phải khó khăn, nhiều giáo viên lúng túng từ phương pháp giảng dạy cho đến triển khai kế hoạch, đánh giá học sinh. Còn các em thì lại ngơ ngác khi cùng một môn học nhưng có đến 2, 3 giáo viên tham gia giảng dạy. Em Nguyễn Thùy Nhiên, học sinh lớp 6 Trường THCS Nguyễn Chí Diểu, cho hay: “Em phải chuẩn bị vở ghi, các yêu cầu riêng theo đơn môn. Em tiếp thu môn tích hợp còn khó khăn khi khó hệ thống các môn học với nhau”. Thực tế, hầu hết học sinh vẫn chưa có ý thức đó là môn học tích hợp mà chỉ xem đó là 3 môn học (tương ứng với ba phân môn).

Phần lớn giáo viên ở Thừa Thiên Huế chưa được đào tạo dạy tích hợp nên trước mắt hiệu trưởng sẽ phân công giáo viên dạy các phân môn theo đúng chuyên ngành được đào tạo. Nhiều trường THCS vẫn đang phải dạy song song các phân môn trong môn tích hợp giống như dạy riêng lẻ đơn môn trước đây. Vì thế, mới có việc môn khoa học tự nhiên lớp 6 có ba giáo viên dạy tương ứng với phân môn vật lý, hóa học và sinh học. Môn lịch sử và địa lý có hai giáo viên đảm nhiệm.

Cô Đặng Thị Thúy Vân, giáo viên Trường THCS Chu Văn An, cho hay: Tôi được đào tạo chuyên ngành sinh học mà bây giờ yêu cầu phải dạy cả kiến thức của hóa và sinh thì đương nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn. Còn môn lịch sử và địa lý cũng tương tự. Đặc biệt là giáo viên được đào tạo chuyên ngành sử mà yêu cầu phải dạy địa là điều không dễ dàng, nhất là đặc thù của môn địa, thầy cô giáo phải dạy cho học sinh cách vẽ biểu đồ, cách tính toán...

Ông Võ Văn Thịnh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Vang cho rằng, hầu hết các trường không có điều kiện để một giáo viên đảm nhiệm dạy toàn bộ môn khoa học tự nhiên nên bố trí 2 - 3 giáo viên cùng đảm nhiệm. Do số lớp đông nên khó có thể bố trí dạy liền mạch đối với môn tích hợp, mà phải dạy song song các phân môn.

Tại các trường, giáo viên được phân chia môn học theo tiết nhưng giáo viên buộc phải dạy theo chủ đề. Ví dụ, môn vật lý phải dạy 6 tiết mới hết một chủ đề. Điều này khiến nội dung giảng dạy bị gián đoạn. Hơn nữa, vì đã phân chia chủ đề và phân môn giảng dạy nên mỗi giáo viên phải xây dựng giáo án riêng lẻ, phần của ai phụ trách người đó sẽ đảm nhiệm chuyên môn. Những giáo viên này sẽ phối hợp với nhau cả trong việc giảng dạy và đánh giá học sinh. Với cách làm này, giáo viên sẽ mất nhiều thời gian trong việc xây dựng nội dung đề kiểm tra định kỳ và chọn điểm kiểm tra thường xuyên.

Cần sự phối hợp đồng bộ

Trong những tuần đầu, nội dung khá cơ bản nên tất cả giáo viên dạy môn tích hợp có thể phối hợp nhuần nhuyễn và hỗ trợ nhau. Tuy nhiên, các phần phía sau có những chủ đề tương đối độc lập, ứng với từng phân môn. Giáo viên phải xây dựng bài giảng riêng và tiến hành dạy song song theo các chủ đề. Tuy nhiên, các trường gặp khó khăn trong việc bố trí các giáo viên dạy môn tổ hợp, nhất là trong chương trình cũ không có dạy môn hóa học lớp 6 nên phải điều giáo viên lớp 8, lớp 9 xuống đảm nhận môn hóa học trong môn khoa học tự nhiên.

Theo kế hoạch, với kiểm tra định kỳ, giáo viên sẽ chia câu hỏi theo tỷ lệ % nội dung giảng dạy. Đề kiểm tra giữa kỳ sẽ có 3 bộ môn, nên khi chấm điểm sẽ gây khó khăn cho giáo viên. Ví dụ, nội dung vật lý chiếm 35% thì giáo viên xây dựng câu hỏi có số điểm là 3,5 điểm trong 1 bài kiểm tra 10 điểm, nội dung hóa học và sinh học cũng tương tự như vậy. Còn kiểm tra thường xuyên sẽ phải chọn và sử dụng điểm cao nhất trong quá trình kiểm tra. Ngoài ra, mỗi môn đều đặt chỉ tiêu riêng, tuy nhiên, khi trở thành liên môn các chỉ tiêu sẽ không khớp với nhau nên cần phải có sự điều chỉnh.

Trở lại vấn đề vì sao dạy tích hợp, nhưng chỉ là sự dạy gộp giữa các giáo viên dạy đơn môn với nhau chứ không phải một giáo viên đảm nhận dạy một môn tích hợp. Do các điều kiện khách quan khác nhau nên bồi dưỡng giáo viên dạy tích hợp khá chậm so với lộ trình, các tài liệu dạy tích hợp vẫn chưa đầy đủ nên chủ yếu phân cho các bộ môn tự phối hợp trong thiết kế bài giảng và kế hoạch giảng dạy.

Thời gian đến, các giáo viên dạy tích hợp phải tham gia tập huấn để một mình có thể đảm nhiệm các phân môn trong môn tích hợp. Đây là điều cần nhanh chóng thực hiện trong khi chờ đội ngũ nhà giáo được đào tạo theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bài, ảnh: HUẾ THU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo dục pháp luật cho học sinh qua phiên tòa thực tế

Nhằm nâng cao kiến thức về pháp luật cho học sinh, chiều 6/12, Trường THPT Nguyễn Huệ tổ chức cho học sinh tham dự một phiên tòa xét xử thực tế tại Tòa án Nhân dân TP. Huế. Đây là một hoạt động bổ ích nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật và ý thức trách nhiệm của học sinh trong cuộc sống.

Giáo dục pháp luật cho học sinh qua phiên tòa thực tế
Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường

Nguồn vốn tín dụng từ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phú Lộc đã hỗ trợ cho nhiều học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục theo đuổi ước mơ học tập, kiến tạo tương lai.

Tiếp sức cho học sinh, sinh viên đến trường

TIN MỚI

Return to top