ClockThứ Sáu, 21/04/2023 06:52

Ngành “khát” nhân lực, người học chưa mặn mà

TTH - Điểm chuẩn thấp, thí sinh chưa mặn mà, tuyển sinh không đủ chỉ tiêu là thực trạng diễn ra với không ít ngành đào tạo ở các trường đại học (ĐH), dù nhu cầu nhân lực trong các lĩnh vực này đang thiếu hụt. Mỗi mùa tuyển sinh, tuyển dụng, câu chuyện trên lại “nóng”.

Khát nhân lực du lịch“Đỏ mắt” tìm nhân sự

leftcenterrightdel
Sinh viên đăng ký ứng tuyển vào các doanh nghiệp 

Việc làm rộng mở, vẫn khó hút thí sinh

Năm 2022, Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế chỉ tuyển được khoảng 800 thí sinh trong tổng số 1.300 chỉ tiêu, giảm so với năm trước đó (khoảng 1.000 thí sinh). Bức tranh tuyển sinh các ngành nông, lâm, ngư nghiệp đối diện nhiều khó khăn, dù tại các ngày hội việc làm, nhu cầu nhân lực luôn gấp 2,5 - 3 lần so với số lượng đào tạo. “Hằng năm, chúng tôi đều đến các trường tuyển dụng. Song, để đáp ứng được chỉ tiêu là vấn đề không nhỏ”, ông Phạm Phú Phát, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết.

PGS.TS. Nguyễn Hữu Văn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế cho biết, so với Trường ĐH Nông Lâm ở Huế, số đầu vào tại cơ sở đào tạo cùng khối ngành này tại Trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên đáng giật mình hơn khi năm 2022 chỉ tuyển được 350 thí sinh. Đó cũng là minh chứng cho chuyện ngành “khát” nhân lực, nhưng người học chưa mặn mà.

Nhiều ngành khác cũng nằm trong tình cảnh tương tự. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), năm 2022, tỷ lệ tuyển sinh giữa các nhóm ngành có sự chênh lệch khá lớn. Trong khi nhóm ngành kinh doanh và quản lý chiếm tỷ lệ 24,54%, những nhóm ngành như khoa học tự nhiên chỉ chiếm 0,44%; toán và thống kê chiếm 0,40% tỷ lệ tuyển sinh. Có 45/220 ngành đào tạo ĐH tuyển sinh đạt tỷ lệ thấp. Cụ thể, nông, lâm nghiệp và thủy sản, khoa học sự sống, khoa học tự nhiên và dịch vụ xã hội tiếp tục đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh rất thấp trong 3 năm qua.

Tại Huế, trái ngược với nhu cầu tuyển dụng, bức tranh tuyển sinh nhiều ngành khá buồn. TS. Nguyễn Quang Lịch, Khoa trưởng Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - ĐH Huế cho biết, các ngành: Kỹ thuật xây dựng, kinh tế xây dựng nhu cầu tuyển dụng rất lớn, nhưng khó thu đủ chỉ tiêu khi tuyển sinh. Còn theo đại diện ĐH Huế, năm 2022, nhóm ngành nông - lâm - ngư nghiệp, nhóm ngành nghệ thuật, du lịch, các ngành kỹ thuật, nhiều ngành ở Khoa Quốc tế… dù cơ hội việc làm không thiếu, nhưng lại chưa đủ người học. Tuyển sinh khó, một số ngành đưa ra điểm chuẩn thấp. Trong đó, nhiều ngành ở mức 16-18 điểm, nhưng chưa thu hút được thí sinh.

Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên. Đầu tiên là tâm lý chọn ngành, nghề của thí sinh. Theo đại diện các trường, thí sinh hiện nay có xu hướng chọn những ngành mang tính thời thượng và lo ngại những ngành vất vả như ngành nông - lâm - ngư, xây dựng hay kỹ thuật... Song, đó chỉ là suy nghĩ chủ quan, các em chưa tìm hiểu kỹ về sự thay đổi ngành, nghề hiện nay.

Việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT cũng chưa thực sự tốt. Trong đó, mối liên kết giữa hai bậc học trong việc hướng nghiệp cho học sinh là điểm mấu chốt. Trường THPT chưa có nhiều thông tin về ngành, nghề đào tạo bậc ĐH và nhu cầu thị trường lao động, trái lại, nhiều trường ĐH tuy hiểu rõ hơn về thông tin này nhưng lại tập trung nhiều hơn việc quảng bá tuyển sinh cho đơn vị mình.

Cần truyền thông hiệu quả

Nhu cầu nhân lực và thị trường lao động biến đổi một phần dựa trên tác động của việc chọn ngành, nghề từ thí sinh. Những ngành thí sinh tập trung quá đông, có thể dẫn đến bão hòa, ngược lại sẽ làm tình trạng “khát” nhân lực các ngành khác trở nên nghiêm trọng. Đối với thí sinh, nếu tập trung vào những ngành quá đông người chọn có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp, nếu không đáp ứng được khả năng cạnh tranh và năng lực học tập.

Giải quyết vấn đề trên cần nhiều giải pháp từ vĩ mô đến vi mô, mà quan trọng là cơ chế chính sách, truyền thông và định hướng thông tin cho xã hội, nhất là cho giới trẻ hiểu đúng về vai trò của các ngành, nghề. Trong buổi làm việc mới đây (ngày 17/2) của Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội với ĐH Huế, lãnh đạo các trường: ĐH Khoa học, ĐH Nông Lâm, ĐH Nghệ thuật cũng cho rằng, cần có những chính sách, cơ chế đặc thù và phù hợp để giải quyết khó khăn, nghịch lý giữa tuyển sinh và tuyển dụng nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Để có bức tranh cụ thể và chính xác cung cấp cho người học, các cơ quan chức năng và trường học cần có những khảo sát chính thức xác định nguồn nhân lực của những ngành này thiếu bao nhiêu, thiếu ở đâu, thiếu như thế nào để đưa ra phương án khả thi, tháo gỡ khó khăn. Tình trạng việc làm của sinh viên sau khi ra trường cần có đánh giá bài bản. Nếu sinh viên có việc làm, thu nhập tốt mà vẫn không tuyển sinh được thì cần đánh giá trúng nguyên nhân, như vấn đề chất lượng đào tạo, công tác truyền thông, tuyên truyền, gắn kết nhà trường - doanh nghiệp - xã hội hay vấn đề học phí để đưa ra giải pháp tổng thể, thấu đáo.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng nghiệp giữa các trường ĐH, THPT để thí sinh hiểu rõ những ngành cần cho sự phát triển lâu dài của đất nước.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhân lực vừa hồng vừa chuyên

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ngoài hệ thống các trường thuộc Đại học Huế, có 30 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang hoạt động đào tạo và cung ứng nguồn lao động đáng tin cậy cho các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất, kinh doanh.

Nhân lực vừa hồng vừa chuyên

TIN MỚI

Return to top