ClockThứ Tư, 09/01/2019 11:08

Nghiên cứu khoa học từ thực tiễn cuộc sống

TTH.VN - Cuộc thi Sáng tạo Khoa học - Kỹ thuật (KHKT) - Intel ViSEF, dành cho học sinh trung học năm 2018-2019 đã thu hút học sinh ở 69 trường với 136 đề tài thuộc 5 nhóm lĩnh vực gắn liền với thực tiễn cuộc sống diễn ra trong hai ngày 8, 9/1.

156 đề tài dự thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học

Năm nay, các dự án thuộc lĩnh vực kỹ thuật - cơ khí vẫn chiếm ưu thế và tập trung gắn liền với thực tiễn lao động sản xuất. Lĩnh vực khoa học xã hội hành vi được các tác giả/nhóm tác giả khảo sát tâm sinh lý lứa tuổi, tâm lý giới, kỹ năng sống và các xu hướng trong học đường …

Cuộc thi thật sự là một sân chơi của trí tuệ, bổ ích, hấp dẫn đối với học sinh; giúp các em hình thành và phát triển tư duy khoa học, ý tưởng sáng tạo, khả năng vận dụng các kiến thức được học vào việc tìm tòi, phát hiện và giải quyết các vấn đề của thực tiễn của cuộc sống. Các em có cơ hội giao lưu học tập, chia sẻ ý tưởng sáng tạo với các bạn bè trong và ngoài trường.

Cuộc thi Sáng tạo Khoa học - Kỹ thuật năm 2018-2019 thu hút học sinh ở 69 trường với 136 đề tài thuộc 5 nhóm lĩnh vực gắn liền với thực tiễn cuộc sống. Ảnh: Phan Thành

Từ phong trào nghiên cứu khoa học sẽ đổi mới cách dạy cách học, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo trong các nhà trường phổ thông. Do vậy, cuộc thi Khoa học - kỹ thuật học sinh trung học là một hoạt động trải nghiệm không thể thiếu trong hoạt động chuyên môn của nhà trường.

Theo Ban Tổ chức cuộc thi, chất lượng các đề tài năm nay cao hơn so với các năm trước, đáng chú ý ngày càng nhiều học sinh ở vùng ven, ngoại thành tham gia. Mọi sự khởi đầu của khoa học đều khó, càng khó hơn khi người làm khoa học là những em học sinh trong trường phổ thông của các trường với điều kiện cơ sở vật chất chưa đầy đủ, phương pháp dạy học để đáp ứng yêu cầu nghiên cứu sáng tạo chưa thực sự đổi mới. Tuy nhiên, các em có tinh thần dám nghĩ, dám làm để dấn thân vào con đường khoa học khi nhiều em chưa có điều kiện vật chất để thực hiện đề tài một cách tốt nhất.

Dự án hệ quan sát giao thoa Niravana của nhóm học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học Huế được nhiều người chú ý. Ảnh: Phan Thành

Mong muốn lớn nhất của các em khi đến với cuộc thi là để giải quyết những yêu cầu bức thiết nơi các em sinh sống. Những dự án này mang tính nhân văn vì không đơn thuần chỉ làm bằng sự đam mê mà còn xuất phát từ tình cảm yêu thương của các em dành cho người thân, nơi các em sinh ra và lớn lên. Nhiều đề tài bắt nguồn từ những suy nghĩ rất đời thường, những ước mơ bay bổng của tuổi trẻ, đôi khi còn pha chút ngây thơ nhưng lại có giá trị thực tiễn cao.

Chẳng hạn như đề tài sáng chế các thiết bị liên lạc giữa cổng và ngôi nhà, hệ thống chống trộm, thực trạng tình dục học đường, gắn kết cộng đồng người điếc và người nghe lại gần nhau hơn, nghiên cứu quy trình sản xuất giấy từ bã mía có tính năng chống thấm, máy quét rác điều khiển từ xa, mô hình máy tách hạt ngô trong gia đình…

Em Lê Thị Khánh Minh, Trường THCS Thủy Dương (TX Hương Thủy) bày tỏ: “Nhóm em nghiên cứu về đề tài hỗn hợp chiết suất từ lá cây lược vàng, rễ quạt, cam thảo đất để hỗ trợ điều trị viêm họng. Từ những nguyên liệu dễ tìm ngay tại địa phương, chúng em tạo thành một dạng cao hỗn hợp vừa thơm ngon, bảo đảm an toàn và có giá rẻ để mọi người có thể sử dụng hàng ngày, phòng ngừa viêm họng”.

Thuyết trình của học sinh Trường THCS Nguyễn Tri Phương trước hội đồng giám khảo. Ảnh: Phan Thành

Thầy giáo Đặng Phước Mỹ - Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo, Trưởng ban tổ chức đánh giá: "Cuộc thi KHKT có ý nghĩa trong việc đổi mới từ hình thức tổ chức, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá và mục tiêu dạy học trong các trường phổ thông hiện nay. Không chỉ gói gọn trong việc dạy và học truyền thống, trang bị kiến thức kỹ năng mà còn mở ra một hướng mới cho học sinh cần phải tự nghiên cứu, trải nghiệm trong cuộc sống".

Từ ý tưởng KHKT của học sinh đến việc triển khai giải pháp công nghệ, kỹ thuật là cả một vấn đề. Những ý tưởng dù rất hay nhưng phải triển khai giải pháp kỹ thuật cao, vật liệu khó kiếm… sẽ rơi vào bế tắc. Đó là lý do có những giảng viên đại học sẵn sàng trợ giúp các em trong quá trình triển khai ý tưởng KHKT, áp dụng kỹ thuật vào thực hiện ý tưởng, chọn vật liệu, giải pháp công nghệ…

Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội thi văn nghệ tuyên truyền chính sách, pháp luật về người khuyết tật

Ngày 15/11, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ngành, hội, địa phương tổ chức "Hội thi Văn nghệ tuyên truyền chính sách, pháp luật về người khuyết tật (NKT) tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024" với chủ đề "Kết nối yêu thương". Hội thi với sự góp mặt của các đội văn nghệ đến từ Hội NKT của 6 địa phương đăng ký tham gia.

Hội thi văn nghệ tuyên truyền chính sách, pháp luật về người khuyết tật
Return to top