Sách Toán lớp 9 được in tại nhà in của NXB Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Giá sách giáo khoa ổn định trong 8 năm qua
Theo lý giải của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, giá sách giáo khoa hiện hành đã được đăng ký giá với Bộ Tài chính từ năm 2011 và không thay đổi trong suốt 8 năm qua. Trong khi đó, các chi phí đầu vào như chi phí nhân công, chi phí nguyên nhiên vật liệu, chí phí vận chuyển… đều tăng.
Cụ thể, so với năm 2011, lương tối thiểu vùng tăng gần 3,1 lần; lương cơ sở tăng 1,8 lần. Nguyên vật liệu phục vụ in sách giáo khoa đều tăng cao, riêng giấy để in sách giáo khoa phục vụ năm học 2019-2020 đã tăng bình quân 20% so với năm trước đó. Giá điện tăng bình quân hơn 40%. Vì vậy, hoạt động xuất bản - phát hành sách giáo khoa liên tục bị lỗ trong những năm gần đây.
Theo báo cáo tài chính được kiểm toán, hoạt động kinh doanh sách giáo khoa năm 2014 lỗ 53,7 tỷ đồng, năm 2015 lỗ 43,8 tỷ đồng, năm 2016 lỗ 43,3 tỷ đồng, năm 2017 lỗ 38 tỷ đồng và năm 2018 lỗ 50 tỷ đồng.
Trước thực tế đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính và Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ xem xét được điều chỉnh giá bán sách giáo khoa hiện hành từ năm học 2019-2020 và triển khai các thủ tục cẩn trọng, chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật.
Cùng với đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã gửi công văn xin ý kiến Tổng cục Thống kê về việc đánh giá tác động của việc tăng giá bán sách giáo khoa tới Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2019. Theo đó, với phương án điều chỉnh giá sách giáo khoa mà Nhà xuất bản đưa ra sẽ làm tăng CPI năm 2019 khoảng 0,07%.
Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã họp nhiều lần và yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam khẩn trương rà soát cơ cấu và chi phí giá thành, phương án điều chỉnh giá, báo cáo Bộ để xem xét có ý kiến chính thức.
Trên cơ sở báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 22/3, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp với các bộ ngành liên quan và Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam về điều chỉnh giá sách giáo khoa phục vụ năm học 2019-2020. Tại cuộc họp, các bộ, ngành đều ủng hộ đề nghị tăng giá bán sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 108/TB-VPCP ngày 27/3/2019 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, làm việc với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để thống nhất phương án điều chỉnh giá sách giáo khoa.
Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã họp, đồng ý chủ trương thực hiện điều chỉnh giá sách giáo khoa hiện hành của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam theo hướng tính đúng, tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, khấu hao tài sản; đồng thời, đề nghị Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam rà soát, điều chỉnh lợi nhuận từ các mảng kinh doanh khác bù lỗ kinh doanh sách giáo khoa, đảm bảo mức giá điều chỉnh phải thấp hơn mức giá tính đúng, tính đủ để chia sẻ khó khăn với các bậc phụ huynh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phải cam kết cung cấp đầy đủ, đồng bộ, kịp thời sách giáo khoa có chất lượng cho giáo viên và học sinh trong cả nước, không để xảy ra tình trạng thiếu sách làm ảnh hưởng đến việc dạy, học. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ sách cho học sinh, giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Sách giáo khoa năm học mới phát hành từ tháng 4/2019
Với phương án đã được phê duyệt, giá bán của các bộ sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớn 12 sẽ được điều chỉnh tăng bình quân từ 1.000 đồng đến 1.800 đồng/cuốn. Bảng giá sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 được tổ chức niêm yết công khai tại các cửa hàng sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, các công ty sách - thiết bị trường học cả nước và trên webiste của Nhà xuất bản Việt Nam tại địa chỉ: www.nxbgd.vn.
Sách giáo khoa phục vụ năm học 2019-2020 sẽ bắt đầu được phát hành từ tháng 4/2019. Năm nay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam thực hiện kiện toàn lại hệ thống cửa hàng đảm bảo luôn đầy đủ sách giáo khoa tại tất cả các tỉnh thành trong cả nước; đồng thời, thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận, giải quyết kịp thời mọi khúc mắc về nhu cầu mua sách giáo khoa của học sinh và phụ huynh.
Dự kiến năm 2019, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam sẽ tặng 25.000 bộ sách giáo khoa cho con gia đình thương binh - liệt sĩ, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; tổ chức cuộc vận động quyên góp, ủng hộ sách giáo khoa, sách tham khảo đã qua sử dụng tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tặng thư viện và tủ sách dùng chung. Đồng thời, Nhà xuất bản có kế hoạch dự trữ sách giáo khoa để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi có thiên tai, bão lụt xảy ra.
Danh mục sách giáo khoa của từng lớp được in trên bìa 4 của mỗi cuốn sách để phụ huynh và học sinh có thể căn cứ vào đó chọn mua đúng tên, số lượng theo danh mục quy định. Để tăng tỉ lệ sử dụng lại sách giáo khoa, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã in dòng khuyến cáo: “Hãy giữ gìn sách giáo khoa để dành tặng cho các em học sinh lớp sau” trên trang 1 của tất cả các cuốn sách.
Theo TTXVN