ClockThứ Bảy, 18/03/2017 05:51

Nơi đào tạo kiến trúc sư cho miền Trung và Tây Nguyên

TTH - “Ra đời năm 1997 - thời điểm chưa có cơ sở đào tạo, trường đại học (ĐH) kiến trúc nào ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên nên Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Khoa học Huế có vai trò quan trọng trong việc đào tạo ra các lớp kiến trúc sư, những nhà quản lý về kiến trúc xây dựng cho tỉnh nhà, khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Huế là cái nôi trong di sản nhân loại nên trọng trách của khoa càng lớn”. TS.KTS. Trần Đình Hiếu, Trưởng khoa Kiến trúc, Trường ĐH Khoa học Huế khẳng định.

Hội thảo Đô thị - Hồi sinh và phát triển do Khoa Kiến trúc phối hợp với Đại học Chiang-mai Thái Lan tổ chức

Đào tạo nhiều thế hệ kiến trúc sư

Trước đó, ĐH Huế đã giao cho Trường ĐH Khoa học mà trực tiếp là Khoa Kiến trúc liên kết đào tạo với Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội bắt đầu từ năm 1995. Đến năm 2017, khoa đã đào tạo được 15 khoá tốt nghiệp kiến trúc sư, trong đó có 5 khoá liên kết. Các kiến trúc sư do khoa đào tạo đã và đang giữ những vị trí quan trọng trong nhiều cơ quan. “22 năm thành lập là con số song đôi và lấy mốc kể từ khóa đầu tiên từ năm 1995 đến nay. Năm nay, khoa tổ chức lễ kỷ niệm 22 năm thành lập vào thời điểm kỷ niệm 60 năm ĐH Huế và Trường ĐH Khoa học nên con số 22 năm rất có ý nghĩa”, TS.KTS. Trần Đình Hiếu, Trưởng khoa Kiến trúc cho biết.

Sau 20 năm đào tạo và thành lập, đến nay, Khoa Kiến trúc đã có 7 TS và 1 NCS được đào tạo ở nước ngoài, 12 thạc sĩ kiến trúc, xây dựng và mỹ thuật, 3 kiến trúc sư, 1 cử nhân. Tỷ lệ cán bộ giảng dạy có trình độ sau ĐH đạt gần 92%, cao hơn mức trung bình của nhà trường. Đây là nền tảng để Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Khoa học Huế trở thành một cơ sở đào tạo kiến trúc sư có chất lượng của đất nước. Hiện, khoa đang đào tạo hơn 650 sinh viên thuộc hệ chính quy đang theo học ngành Kiến trúc công trình. Khoa cũng đã bắt đầu đào tạo khóa đầu tiên bậc cao học kiến trúc từ năm 2016.

Đào tạo gắn liền với bảo tồn, gìn giữ di sản

Là cái nôi đào tạo kiến trúc sư của miền Trung, Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Khoa học Huế còn có lợi thế nằm trên vùng đất di sản. Bên cạnh di sản kiến trúc triều Nguyễn được UNESCO công nhận là di sản thế giới từ năm 1993, Huế còn có số lượng lớn kiến trúc Pháp thuộc địa, kiến trúc cảnh quan, thiên nhiên hài hòa và độc đáo... Nhờ lợi thế này, khoa trở thành địa chỉ duy nhất và đáng tin cậy cho các kết nối mang tính nghiên cứu và đào tạo về kiến trúc gắn liền với bảo tồn di sản ở miền Trung. Hiện, khoa có những dự án hợp tác định kỳ, hằng năm và lâu năm với ĐH Waseda, ĐH Kyoto (Nhật Bản), Khoa Kiến trúc ĐH Chiang-mai (Thái Lan), ĐH Bách Khoa Marche (Ý), ĐH Nam Úc…

“Chúng tôi luôn coi trọng hướng đào tạo gắn với bảo tồn, gìn giữ phát triển di sản kiến trúc tại địa phương và khu vực, TS. KTS. Trần Đình Hiếu cho hay. Khoa luôn định hướng phát triển đào tạo theo chuyên ngành gắn liền với bảo tồn, phát huy di sản và khai thác tích cực các quan hệ quốc tế dành cho quần thể di tích Huế đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, nhằm thực hiện tốt các dự án trùng tu di sản cũng như đào tạo bồi dưỡng cán bộ ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Các ngành đào tạo bậc ĐH như chuyên ngành Kiến trúc công trình; Quy hoạch vùng và đô thị; Bảo tồn Kiến trúc công trình; Kỹ thuật xây dựng, nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội, đặc biệt mục tiêu của khoa hiện nay là đào tạo kiến trúc sư công trình có năng lực chuyên môn cao. Đồng thời, mở bậc đào tạo sau ĐH chuyên ngành thạc sĩ kiến trúc để đi sâu vào lĩnh vực bảo tồn quỹ kiến trúc và đô thị cũng như nghiên cứu phục chế trùng tu các công trình kiến trúc cổ có giá trị”.

Khoa cũng đã kết nối hợp tác với các tổ chức quốc tế, các trường ĐH, viện nghiên cứu trong và ngoài nước để phát triển đào tạo, đề xuất các phương pháp kết hợp giữa đào tạo và gìn giữ di sản. Các hội thảo quốc tế thường xuyên được tổ chức gắn với vấn đề gìn giữ, bảo tồn di sản, tạo ra nét đặc trưng riêng cho quá trình đào tạo phát triển của khoa.

Đã có rất nhiều tổ chức trong và ngoài nước đến Huế để tìm hiểu, nghiên cứu trong các dự án về di sản kiến trúc dưới nhiều góc độ, tiếp cận khác nhau và đây là cơ hội tốt để thầy và trò Khoa Kiến trúc được giao lưu, học hỏi, nghiên cứu sâu hơn về di sản Huế và xa hơn, được học hỏi những kinh nghiệm, tinh hoa từ các trường bạn, thiết lập mối quan hệ hợp tác, đối tác lâu dài, thiết thực trong công tác đào tạo, trao đổi sinh viên, thực tập sinh, nghiên cứu sinh và thực hiện các nghiên cứu khoa học. Khoa Kiến trúc còn tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ về lĩnh vực kiến trúc, góp phần vào việc thiết kế công trình kiến trúc, thiết kế quy hoạch và bảo tồn các di sản kiến trúc ở khu vực miền trung và Tây Nguyên.

“Khoa Kiến trúc đang hướng tới mục tiêu trở thành Trường ĐH Kiến trúc Huế vào giai đoạn từ năm 2020 - 2025. Đây sẽ là bước ngoặt lớn để khoa có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho địa phương, có tầm ảnh hưởng rộng hơn và trở thành nơi đào tạo không chỉ ngang tầm với các trường ĐH Kiến trúc ở hai đầu đất nước mà với các nước trong khu vực”, TS.KTS. Trần Đình Hiếu chia sẻ.

NGỌC HÀ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đào tạo & giữ chân người tài

Tròn đúng 10 năm sau hội thảo “Thừa Thiên Huế - đất học và tài năng” (12/11/2014), Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế lại mở hội thảo khoa học “Chính sách sử dụng người tài - lịch sử và vấn đề đặt ra” vào ngày 16/11/2024. Vấn đề đặt ra ở đây vẫn là câu chuyện về tài năng và vấn đề sử dụng người tài.

Đào tạo  giữ chân người tài
Đào tạo, hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn

Tối 17/12, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) TP. Huế phối hợp với Trung tâm REACH Huế tổ chức hội nghị tổng kết 2 năm (2023-2024) dự án đào tạo và hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn “Mở đường cho thanh niên lập nghiệp”.

Đào tạo, hỗ trợ nghề cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn
Bàn giao 30 bác sỹ trẻ và khai giảng khóa đào tạo bác sỹ chuyên khoa cấp I

Ngày 7/12 tại Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế, Bộ Y tế tổ chức lễ bàn giao 30 bác sỹ trẻ vừa tốt nghiệp khóa đào tạo bác sỹ chuyên khoa cấp I - lớp 3 trong tổng số 267 bác sỹ đang được đào tạo; và khai giảng lớp bác sỹ chuyên khoa cấp I - lớp 13 với 32 bác sỹ được tuyển chọn theo các tiêu chuẩn quy định.

Bàn giao 30 bác sỹ trẻ và khai giảng khóa đào tạo bác sỹ chuyên khoa cấp I
Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế:
Lần đầu tiên tổ chức Hội đồng Bảo vệ đề cương Luận án Tiến sĩ

Ngày 5/12 Học viện Phật giáo Việt Nam (HVPGVN) tại Huế đã tổ chức Hội đồng Bảo vệ đề cương Luận án Tiến sĩ cho Nghiên cứu sinh Thích Nguyên Hạnh (Trương Kiếm) với đề tài “Tâm lý học giáo dục qua học thuyết Nghiệp trong Luận Câu xá”.

Lần đầu tiên tổ chức Hội đồng Bảo vệ đề cương Luận án Tiến sĩ

TIN MỚI

Return to top