ClockThứ Năm, 07/01/2021 07:00

Olympic tiếng Anh & chiếc áo dài làm nên ấn tượng

TTH - Từ những câu chuyện về giáo dục, Huế với cách giữ nét đẹp văn hóa áo dài và vốn hiểu biết kiến thức chung, nhóm sinh viên Trường đại học (ĐH) Ngoại ngữ, ĐH Huế xuất sắc vượt qua nhiều đối thủ, giành giải nhì cuộc thi Olympic tiếng Anh chuyên toàn quốc.

Viết tiếp giấc mơ áo dàiViết tiếp câu chuyện về áo dài HuếÁo dài vào hội

 Nhóm sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ vui mừng khi giành được giải thưởng

Mang áo dài Huế lên sân khấu

Lần đầu tiên xuất hiện trên sân khấu vòng chung kết toàn quốc Olympic tiếng Anh chuyên –E4US 2020 tại Hà Nội, nhóm sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế liên tục nhận được sự vỗ tay của rất nhiều khán giả. Màn nhạc kịch với ý tưởng “Sinh viên trong việc gìn giữ nét đẹp áo dài” vừa mang lại sự thú vị nhưng cũng để lại thông điệp ý nghĩa từ cách bảo tồn, gìn giữ nét đẹp truyền thống mà người Huế đang làm.

Khác với những đội thi từ các trường ĐH, nhóm sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế chọn khoác những tà áo dài ngũ thân mang từ Huế để lên sân khấu. Với lối dẫn dắt nhẹ nhàng trong phần thi chào hỏi bằng nhạc kịch, họ đã kể câu chuyện về sự nối tiếp gìn giữ chiếc áo dài truyền thống từ người mẹ sang con. Khi người con trưởng thành và đi du học, chiếc áo dài ấy lại tiếp tục khoe nét đẹp ở tận trời tây với niềm trân quý, gìn giữ truyền thống của người mặc. Hình ảnh bối cảnh được chọn là những nơi gắn liền với Huế: Đại Nội, Trường THPT chuyên Quốc Học, cầu Trường Tiền… càng đưa người xem tưởng như đang ngắm áo dài ở Huế. Nhóm sinh viên còn lồng ghép những câu chuyện thời sự vào phần nhạc kịch kể về Huế không chỉ riêng ngày tết mới mặc áo dài, hình ảnh những người cán bộ, công chức Huế vẫn mặc áo dài đi làm và áo dài dành cho cả nữ lẫn nam và như một cách “khoe khéo” về việc gìn giữ nét đẹp văn hóa của người Cố đô.

Cuộc thi Olympic tiếng Anh chuyên –E4US 2020 có chủ đề “Sinh viên trách nhiệm xã hội” và trên thực tế, đã có rất nhiều ý tưởng được đưa vào phần thi liên quan đến các vấn đề “nóng” như bảo vệ môi trường hay phòng chống, dịch COVID-19, song phần thi của sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế lại là một trong những phần thi hấp dẫn người xem. Lý do là câu chuyện của những người trẻ xuất phát từ chính trăn trở với tình yêu văn hóa Huế của họ.

Nguyễn Hồ Bảo Trân, đội trưởng của đội dự thi Trường ĐH Ngoại ngữ, tiết lộ: “Điểm đặc biệt là cả 5 thành viên chính trong nhóm đều là những người con lớn lên từ Huế và rất yêu văn hóa Huế đã mang lại sự thuận lợi khi xây dựng kịch bản. Áo dài được xem là quốc phục, còn Huế đang có nhiều nỗ lực để gìn giữ trang phục truyền thống này. Những người sinh viên không thể ở ngoài cuộc. Việc bảo tồn, quảng bá nét đẹp áo dài với sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ càng thuận lợi bởi họ có cơ hội đi du học, đi nhiều nơi trên thế giới để giới thiệu và tự hào về trang phục truyền thống ấy. Đó như là một thông điệp nhắc nhở các bạn sinh viên”.

Không “lép vế” trên sân khách

Vòng chung kết toàn quốc Olympic tiếng Anh chuyên –E4US 2020 có đến 3 phần thi là chào hỏi, kiến thức chung và hùng biện, nhưng điểm đáng mừng là trên sân chơi tại Thủ đô, người xem không còn cảm giác về những sinh viên Huế rụt rè, thay vào đó là những phần thi đầy tự tin và diễn đạt tiếng Anh lưu loát.

Anh Đàm Đức Đạt, Phó Bí thư Đoàn Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế cho biết, mỗi sinh viên có thế mạnh riêng và họ đã biết cách tận dụng, phát huy thế mạnh từng cá nhân để bố trí các nội dung thi. Cả hai vòng chung kết cuộc thi ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên và toàn quốc đều tổ chức trên sân khách (Đà Nẵng và Hà Nội), tuy nhiên nhóm sinh viên đều không đánh mất sự bình tĩnh, ngược lại còn khẳng định được năng lực tiếng Anh và vốn hiểu biết qua giải nhất vòng chung kết khu vực và giải nhì vòng chung kết cuộc thi toàn quốc. Thậm chí, tại cuộc thi ở Hà Nội, đội thi Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế chỉ thua đội đạt giải nhất (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) 1 điểm và đội giành giải đặc biệt (Trường ĐH Y Hà Nội) 3 điểm trên thang điểm 1.000.

Trần Nguyễn Khánh Ngọc, thành viên của đội thi chia sẻ, sự chủ động tập luyện kỹ và phân công nhiệm vụ hợp lý đã giúp đội tự tin sẽ gặt hái được thành tích. Dù bận rộn việc học và thời gian chuẩn bị cho cuộc thi không quá dài, nhưng các thành viên đã liên tục tranh thủ các buổi trưa sau giờ học cùng với nền tảng công nghệ để thảo luận online khi cần nên những vấn đề phát sinh về ý tưởng, những khó khăn đều được tháo gỡ. Và, khi nhập cuộc bằng sự chuẩn bị kỹ, bớt lo toan, cơ hội tự tin để chiến thắng cũng nhiều hơn.

Cuộc thi Olympic tiếng Anh chuyên toàn quốc 2020 thu hút 80 trường ĐH, cao đẳng, học viện trên cả nước tham gia. Sau vòng loại, với 95 sản phẩm dự thi, gần 1 triệu lượt tiếp cận, theo dõi, học tập thông qua các sản phẩm của cuộc thi, 15 đội thi xuất sắc nhất đã có mặt tại Vòng chung kết khu vực tại TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội. Sau đó, vòng chung kết toàn quốc với sự tranh tài của 5 đội thi: Trường ĐH Y Hà Nội; Học viện Ngoại giao; Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế; Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ĐẠI HỌC HUẾ HƯỚNG ĐẾN ĐẠI HỌC QUỐC GIA:
Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu

Trong tiến trình xây dựng và phát triển, đặc biệt kể từ sau 30 năm tái thành lập, Đại học Huế (ĐHH) đã cơ bản đạt các tiêu chuẩn, tiêu chí để trở thành Đại học Quốc gia theo quy định.

Nhiều tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu
Nhật Quyên với “Trường học ‘không tường’”

Tại giải thưởng Kiến trúc Xanh sinh viên năm 2024 – SGA 2024, Khoa Kiến trúc, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế vinh dự có 2/19 đồ án được trao giải. Đồ án tốt nghiệp “OTT – Trường học ‘không tường’ – Không gian trải nghiệm hành trình xanh” của sinh viên Nguyễn Hoàng Nhật Quyên (sinh năm 2001) nhận được nhiều sự khen ngợi từ ban giám khảo và giành giải Nhì toàn quốc.

Nhật Quyên với “Trường học ‘không tường’”

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top