ClockThứ Sáu, 18/12/2020 16:00

Áo dài vào hội

TTH - Được tổ chức theo hướng quảng diễn mang tính cộng đồng, từ ngày 18 đến 20/12, Huế sẽ rộn ràng với nhiều hoạt động trong Ngày hội Áo dài Huế.

Ngày hội Áo dài sẽ được tổ chức sau khi khống chế dịch bệnh COVID - 19Trưng bày và thao diễn nghề may áo dài HuếĐưa hội họa lên áo dài

Trong Ngày hội Áo dài, áo dài Huế sẽ khoe sắc bên dòng sông Hương

Áo dài khoe sắc

Nghi thức quảng diễn áo dài cùng đội hình xích lô là một trong những điểm nhấn được chờ đợi trong Ngày hội Áo dài năm nay, nhằm tạo hiệu ứng, vận động người dân mang áo dài trong thời gian diễn ra ngày hội. Với hoạt động này, tất cả mọi người đều có thể khoe sắc, phô diễn vẻ đẹp của tà áo dài.

Hàng trăm phụ nữ ở khắp mọi giới: công chức, doanh nhân, tiểu thương, thiếu nhi, học sinh, sinh viên và cả quý ông, nam thanh niên sẽ giới thiệu trang phục áo dài với đủ màu sắc, chất liệu, mẫu mã từ truyền thống đến hiện đại. Huế sẽ tràn ngập áo dài trên các tuyến phố: Ngọ Môn - đường 23/8 - Đinh Tiên Hoàng - cửa Thượng Tứ - Trần Hưng Đạo - cầu Trường Tiền - Lê Lợi - phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu.

Chương trình tôn vinh các nhà thiết kế, nhà may xứ Huế sẽ giới thiệu các bộ sưu tập áo dài ngũ thân, Nhật Bình, áo dài học đường, thiếu nhi, áo dài công sở… Tưởng nhớ công lao Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát và vua Minh Mạng có công định chế ra chiếc áo dài Việt Nam, NTK Quang Hòa thiết kế bộ sưu tập áo dài ngũ thân nam và áo Nhật Bình dành cho nữ trên chất liệu lụa dệt xa hoa. Bộ sưu tập áo dài “Dòng chảy” của NTK Ella Phan lấy cảm hứng về sự thay đổi của áo dài theo dòng chảy thời gian, dưới sự ảnh hưởng, giao lưu văn hóa và hơi thở thời đại. Với bộ sưu tập “Văn hiến kinh kỳ”, NTK Quang Tân, Xuân Hảo lại lấy cảm hứng từ nghệ thuật nề ngõa trên kiến trúc Huế…

Trong Ngày hội Áo dài, người xem sẽ ngắm vẻ đẹp của tà áo dài được phô diễn qua bàn tay của các nhà thiết kế, nhà may Huế. Không gian trưng bày của Hiệp hội May thêu Thời trang Huế tại Trung tâm Văn hóa – Thông tin – Thể thao TP. Huế (23-25 Lê Lợi) sẽ giới thiệu triển lãm áo dài xưa của TS. Thái Kim Lan và nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng, trưng bày áo dài mô phỏng trang phục cung đình, áo dài thiết kế kết hợp công nghệ in kỹ thuật số, trưng bày các sản phẩm, phụ kiện, áo dài, kỹ thuật chế tác phụ kiện, thao diễn nghề may, thêu, chằm nón lá sen, nón lá cỏ bàng, vẽ và trang trí trên áo dài…

Cơ hội trổ tài

Những ngày này, các nhà may, nhà thiết kế ở Huế đang gấp rút hoàn thiện các mẫu thiết kế kịp trình diễn trong ngày hội. Không khí làm việc khẩn trương nhưng ai cũng hào hứng, phấn khởi khi được góp phần tôn vinh và lan tỏa vẻ đẹp của áo dài Huế. NTK Viết Bảo chia sẻ: “Lễ hội Áo dài được tổ chức qua nhiều kỳ Festival Huế nhưng đây là lần đầu tiên, vai trò chủ thể của người Huế được khẳng định. Ngày hội Áo dài là cơ hội để các nhà thiết kế, nhà may xứ Huế thể hiện mình đủ sức lực, tài năng, đam mê và kinh nghiệm để trình diễn vẻ đẹp của áo dài. Càng ý nghĩa hơn khi ngày hội mang tính cộng đồng, tất cả mọi người đều có thể tham gia”.

Tham gia trưng bày những bộ áo dài từ xưa đến nay, áo dài thập niên 60-70 và trình diễn bộ sưu tập “Gợi giấc mơ xưa” lấy ý tưởng từ họa tiết, hoa văn cung đình, NTK Đoan Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội May thêu Thời trang Huế rất hào hứng chờ đón ngày hội. Chị bày tỏ: “Một ngày hội dành cho áo dài với sự tham gia của cộng đồng người dân để tôn vinh áo dài là điều chúng tôi mơ ước từ lâu. Tất cả các thành viên của hiệp hội đều nhiệt tình, phấn khởi tham gia, mỗi người một phần việc, gấp rút hoàn thành các mẫu thiết kế để cùng nhau trổ tài trong ngày hội. Dù thời gian chuẩn bị khá gấp gáp nhưng ai cũng cố gắng để góp sức tổ chức ngày hội thành công”.

Với những người phụ nữ yêu áo dài xứ Huế, Ngày hội Áo dài cũng là hoạt động đáng mong chờ. Họ cũng may những bộ áo dài mới, ưng ý để mặc trong ngày hội. Cô giáo Đặng Thị Việt bộc bạch: “Áo dài là trang phục quen thuộc của thế hệ chúng tôi từ thuở còn là cô nữ sinh Đồng Khánh. Thuở ấy, cứ ra đường, dù đi đâu, làm gì, chúng tôi đều mặc áo dài. Lâu lắm rồi, Huế mới trở lại không khí áo dài tràn ngập phố phường như vậy nên chúng tôi rất háo hức”.

Diễn ra trong không gian chính ở phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, Ngày hội Áo dài năm nay gồm chuỗi hoạt động quảng diễn, trình diễn áo dài Huế, biểu diễn nghệ thuật, kết hợp với các hình thức tuyên truyền, quảng bá, tôn vinh hình ảnh áo dài; trong đó, khuyến khích, huy động sự tham gia, hưởng ứng của cộng đồng người dân.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, đến nay, công tác chuẩn bị cho Ngày hội Áo dài cơ bản hoàn thành, sân khấu chính đang được lắp dựng, các chương trình đã được phê duyệt. Điều đáng mừng là trong Ngày hội Áo dài lần đầu tiên tổ chức đã có sự tham gia đông đủ của các nhà thiết kế, đội ngũ nghệ nhân, nhà may áo dài nổi tiếng của Huế. Công tác truyền thông quảng bá được triển khai khá tốt, tạo nên sự thu hút và tương tác khá mạnh của cộng đồng.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Áo dài & hành trình lan tỏa

“Tri thức may, mặc áo dài Huế” vừa được ghi danh, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sau một thời gian dài với rất nhiều các hoạt động bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của chiếc áo dài truyền thống ở vùng đất kinh kỳ.

Áo dài  hành trình lan tỏa
Khánh thành tượng đài Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu

Chiều 17/10, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (Phong Điền) tổ chức lễ khánh thành tượng đài Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu-Danh nhân mà trường vinh dự được mang tên. Dự lễ có ông Võ Văn Vui, TUV, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phong Điền; ông Nguyễn Thiên Bình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao.

Khánh thành tượng đài Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu
Tìm giải pháp bảo tồn lễ bỏ mả truyền thống của người Cơ Tu

UBND huyện Nam Đông và các cơ quan, đơn vị khác có liên quan sẽ khảo sát, điều tra, thống kê, thu thập thông tin về lễ bỏ mả truyền thống của người Cơ Tu ở thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông. Điều này làm cơ sở dữ liệu thông tin đầy đủ, toàn diện một quy trình nghi lễ bỏ mả truyền thống cho công tác phục hồi, bảo tồn phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ Tu.

Tìm giải pháp bảo tồn lễ bỏ mả truyền thống của người Cơ Tu
Khai mạc Lễ hội Áo dài Du lịch Việt Nam 2024

Tối 4/10 tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long, Hà Nội diễn ra chương trình khai mạc Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024 với chủ đề "Hà Nội - Tinh hoa Áo Dài", nhằm tôn vinh và khai thác tà áo dài dân tộc như một sản phẩm du lịch độc đáo.

Khai mạc Lễ hội Áo dài Du lịch Việt Nam 2024

TIN MỚI

Return to top