ClockThứ Hai, 04/09/2023 07:05

Phát triển toàn diện năng lực học sinh

TTH - Từ năm học 2020-2021, Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 được triển khai trên địa bàn tỉnh đã mang đến không khí đổi mới trong dạy và học. Chương trình lấy học sinh làm trung tâm nên mọi học sinh được quan tâm và phát triển đúng năng lực của bản thân.

Phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh tiểu họcThầy giáo “có tay” bồi dưỡng học sinh giỏi

 Chương trình giáo dục phổ thông mới giảng dạy theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh

Phát huy năng lực học sinh

Sau 1 năm triển khai Chương trình GDPT 2018, thầy và trò Trường THPT Phú Bài (Hương Thủy) đã có những thay đổi đáng kể để thích ứng với chương trình mới. Ngoài tham gia đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao chất lượng chuyên môn, đáp ứng yêu cầu việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa, các giáo viên cũng tự nghiên cứu đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với mục tiêu, nội dung, yêu cầu của từng môn học, bài học.

Không khí lớp học cũng sinh động hơn. Ngoài sự năng động của giáo viên trong quá trình tổ chức dạy và học, học sinh cũng tích cực, chủ động và dễ nắm bắt vấn đề thông qua việc vận dụng từ lý thuyết vào thực tế và ngược lại thông qua các bài thực hành, nội dung các bài học. Từ đó, các em phát huy được năng lực, sở trường đối với các nhóm môn mình lựa chọn cũng như có sự phân hóa trong định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực, nguyện vọng.

Theo ông Hoàng Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Phú Bài, chưa thể khẳng định chương trình đổi mới sẽ cho kết quả tốt hơn, bởi chỉ mới thực hiện được 1 năm đối với bậc THPT. Tuy nhiên, việc nâng cao chất lượng là có, bởi Chương trình GDPT 2018 đòi hỏi giáo viên và học sinh phải phát huy năng lực thực sự của bản thân mới đáp ứng được mục tiêu của việc dạy và học. Chương trình mới cũng giúp phát huy năng lực, sở trường của học sinh phù hợp với việc định hướng tương lai nghề nghiệp sau này và phát huy tính chủ động của giáo viên trong việc lập kế hoạch bài dạy cũng như kế hoạch năm.

Ở cấp TH và THCS, các giáo viên cũng đánh giá cao những ưu điểm của chương trình GDPT mới. Bà Huỳnh Thị Thanh Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Thủy Dương (Hương Thủy) cho hay, nhà trường đã áp dụng thuận lợi chương trình GDPT mới, thiết bị dạy học được đầu tư đầy đủ đảm bảo việc triển khai chương trình nên chất lượng giáo dục của nhà trường được nâng lên. Trừ những khó khăn chung khi dạy môn tích hợp, đến nay, giáo viên đã quen với phương pháp dạy học mới.

Việc đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá đã được các trường trên địa bàn tỉnh tiếp cận nhanh và thực hiện đúng hướng dẫn theo các thông tư quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Các trường đã xây dựng đề kiểm tra đáp ứng kiến thức, kỹ năng, mục tiêu định hướng phát triển năng lực học sinh. Việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập phù hợp với từng môn học bằng nhiều hình thức khác nhau: đánh giá qua việc quan sát trên lớp, đánh giá qua sản phẩm học tập, qua hồ sơ học tập kết hợp với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Nhờ vậy, việc triển khai đánh giá đảm bảo trung thực, khách quan, chính xác kết quả học tập và rèn luyện của học sinh, không để xảy ra tình trạng “ngồi nhầm lớp”.

Đổi mới phương pháp giảng dạy

Từ năm học 2020-2021, tư tưởng đổi mới căn bản, toàn diện của Chương trình GDPT 2018 được thể hiện ở toàn bộ mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục, đánh giá học sinh. Tư tưởng xuyên suốt là chuyển từ nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học.

Nói cách khác, giáo dục không phải để truyền thụ kiến thức mà nhằm giúp học sinh hoàn thành các công việc, giải quyết các vấn đề trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả và sáng tạo những kiến thức đã học. Nội dung chương trình theo từng chủ đề mạch kiến thức, giáo viên phân bố nội dung tiết dạy tùy theo năng lực tiếp thu của học sinh. Kiến thức phù hợp tâm lý lứa tuổi và năng lực nhận thức của học sinh các vùng miền; học sinh được trải nghiệm, vận dụng kiến thức vào thực tế. Do đó, chương trình GDPT 2018 phù hợp với mọi đối tượng học sinh ở các địa phương khác nhau.

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT nhấn mạnh, đổi mới phương pháp dạy học là một trong những thay đổi lớn của Chương trình GDPT 2018. Vì vậy, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị trường học tăng cường tập trung sinh hoạt, tập huấn chuyên môn, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển phẩm chất và năng lực người học; đa dạng hóa các hình thức dạy học, dạy học ngoài không gian lớp học, tham quan học tập; kết hợp trực tuyến với trực tiếp trong dạy học, kiểm tra, đánh giá... Đồng thời, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy học, hình thành các kho học liệu, bài giảng điện tử, các sản phẩm thiết bị công nghệ điện tử trên các nền tảng số, cổng thông tin điện tử ngành để giáo viên trao đổi ứng dụng vào việc xây dựng, thiết kế kế hoạch bài dạy; thí điểm triển khai giáo dục STEM trong giáo dục TH và THCS; đổi mới kiểm tra, đánh giá gắn với lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Theo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” của Đoàn ĐBQH tỉnh, các địa phương, đơn vị đều đánh giá chương trình mới phù hợp với điều kiện của địa phương và các vùng miền; được xây dựng theo hướng mở và giao quyền chủ động cho các trường, giáo viên nên luôn tạo sự chủ động, tránh áp lực và quá tải lên học sinh.

Ngành GD&ĐT Thừa Thiên Huế đã có sự chủ động, chuẩn bị tốt trong việc triển khai chương trình mới trên địa bàn toàn tỉnh, thường xuyên bám sát cơ sở, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các địa phương trong quá trình thực hiện, giúp việc triển khai chương trình GDPT mới đạt kết quả và giảm bớt những khó khăn của giai đoạn giao thời, chuyển tiếp trong quá trình đổi mới. Sở GD&ĐT cũng như các Phòng GD&ĐT thường xuyên chỉ đạo, kiểm tra, tư vấn các cơ sở giáo dục phổ thông trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường và triển khai linh hoạt, phù hợp với thực tế địa phương, đúng theo tinh thần chương trình mới. Công tác triển khai lựa chọn sách giáo khoa được tiến hành nghiêm túc, công khai và minh bạch theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Khó khăn nhất hiện nay trong việc triển khai chương trình GDPT mới là việc bố trí giáo viên dạy môn tích hợp. Hầu hết giáo viên dạy đơn môn nay chuyển sang dạy liên môn/tích hợp nên các giải pháp bố trí giáo viên luân phiên dạy cũng chỉ mang tính tình thế. Vì thế, về lâu dài, để đảm bảo cho sự phát triển bền vững, Bộ GD&ĐT cần có kế hoạch đào tạo giáo viên giảng dạy các bộ môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý, nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp đáp ứng thực hiện Chương trình GDPT 2018. Trước mắt, chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học đào tạo ngành sư phạm quyết liệt hơn trong việc gắn kết với cơ sở giáo dục phổ thông cùng giải quyết những khó khăn trước mắt cũng như lâu dài trong công tác tập huấn, bồi dưỡng và đào tạo đội ngũ một cách chủ động.

Hiện nay, nhiều trường học còn khó khăn trong bố trí giáo viên dạy liên môn ở cấp THCS và cấp TH do không có nguồn để tuyển dụng. Mặt khác, do cùng thực hiện đồng thời hai chương trình (Chương trình GDPT 2006 và Chương trình GDPT 2018) nên việc bố trí thời khóa biểu thuận lợi, phù hợp cho người học và người dạy cũng không dễ dàng.

Bài, ảnh: Minh Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trò đến lớp, thầy vui!

Bên cạnh dạy học, thầy cô giáo ở vùng cao A Lưới còn phụ trách thêm công tác vận động học sinh đến trường. Thấy học sinh nghỉ học dài ngày, có nguy cơ bỏ học, sau giờ dạy, giáo viên lại tìm đến nhà tìm hiểu, động viên, nhắc nhở. Niềm vui giản dị của các nhà giáo nơi đây là được thấy học sinh trở lại trường.

Trò đến lớp, thầy vui
Hơn 16.000 bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024

Được phát động từ tháng 4 đến nay, cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024 thu hút 16.358 bài dự thi đến từ 120 trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh tham gia.

Hơn 16 000 bài dự thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024
Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh

Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, việc áp dụng công nghệ trong dịch vụ nông thôn giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững và hiện đại hóa khu vực này. Để làm được điều này, mô hình xã nông thôn mới thông minh là lựa chọn tối ưu.

Phát triển các dịch vụ nông thôn thông minh
Nhiều công ty nước ngoài mở rộng năng lực thử nghiệm và đóng gói chip tại Việt Nam

Hãng tin Reuters hôm qua (12/11) dẫn lời các giám đốc điều hành cho biết, nhiều công ty nước ngoài đang mở rộng năng lực thử nghiệm và đóng gói chip tại Việt Nam, trong khi các công ty trong nước đang “để mắt” đến việc hợp tác đầu tư, giữa bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang nhanh chóng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc để tránh tác động từ căng thẳng thương mại.

Nhiều công ty nước ngoài mở rộng năng lực thử nghiệm và đóng gói chip tại Việt Nam

TIN MỚI

Return to top