ClockChủ Nhật, 24/07/2022 08:30

Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 rất ấn tượng và có cải thiện ở môn Lịch sử, tiếng Anh

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi thi tốt nghiệp THPT năm 2022, các chuyên gia giáo dục đánh giá, về cơ bản kết quả kỳ thi năm nay không có sự thay đổi lớn so với năm 2021. Đặc biệt, có sự cải thiện ở môn tiếng Anh và Lịch sử.

Bộ GD&ĐT hướng dẫn ba cách tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT 2022Nhiều tỉnh, thành hoàn tất công tác chấm thi tốt nghiệp THPT 2022Tăng cường công tác chấm kiểm tra bài thi tự luận kỳ thi tốt nghiệp THPT

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 tại điểm thi Trường THCS Vân Côn (Hoài Đức, Hà Nội). Ảnh: Lê Vân.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thì trong tình hình 3 năm dịch COVID-19, với nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), kết quả thi tốt nghiệp năm nay, với phổ điểm như vậy tôi thấy nhiều điểm tích cực, đáng ghi nhận. Phổ điểm đều và khá đẹp nằm ở tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa). Điều thấy rõ sự thay đổi nhất ở kết quả năm nay nằm ở phổ điểm 2 môn Lịch Sử và Tiếng Anh.

“Về môn Lịch sử, đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau về môn học này. Vì vậy, việc thay đổi cách ra đề để đánh giá học sinh về môn Lịch sử đã có những chuyển biến tích cực. Phổ điểm môn thi này năm nay khá đẹp và đây là điều đáng ghi nhận. Về môn Tiếng Anh, năm ngoái, đề thi môn này có phổ điểm theo hình chuông và tôi cũng đã có ý kiến về việc này. Năm nay, phổ điểm môn Tiếng Anh có nhiều điểm tiến bộ hơn. Sẽ có nhiều ý kiến khác nhau, tuy nhiên chúng ta nên phân tích một cách thấu đáo về nguyên nhân”, GS.TS Nguyễn Văn Minh nói. 

Nói rõ hơn về nguyên nhân, GS.TS Nguyễn Văn Minh cho rằng, Việt Nam có những vùng phát triển gắn với đầu tư nước ngoài, chẳng hạn như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và các tỉnh thành phố lớn, những địa phương có tiềm năng về du lịch thì người dân ở đó tập trung đầu tư ngoại ngữ. Vì thế điểm phân bổ của phổ điểm môn Tiếng Anh có những đặc điểm như vậy. Đây cũng được xem là những cảnh báo cho các địa phương cần tìm cách nâng cao việc dạy và học, đánh giá kiểm tra hàng ngày. 

“Kỳ thi tốt nghiệp THPT là đáp ứng những yêu cầu cần đạt cho một học sinh ra xã hội. Còn tuyển sinh đại học là xác định năng lực của một học sinh để vào học một ngành nghề nào đó. Tuy nhiên, việc chúng ta tổ chức thi tốt nghiệp THPT như hiện nay, trên cơ sở tổ chức một cách nghiêm túc cũng như so sánh các kết quả trong quá trình học tập của các em thì đây là một trong những căn cứ để các trường đại học có thể dựa vào như một hình thức tuyển sinh của mình. Ở chất lượng chúng ta đã đạt được cũng như so sánh kết quả học tập từ học bạ với một kỳ thi nghiêm túc tôi nghĩ rằng đây có thể là căn cứ để các trường đại học để tuyển cho các ngành phù hợp”, GS.TS Nguyễn Văn Minh nhấn mạnh.

Đánh giá về phổ điểm theo khối thi, GS.TS Nguyễn Văn Minh cho biết: “Sự phát triển của đất nước kèm theo sự phát triển của nhân lực, ta thấy rằng đây là thời đại bùng nổ của công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật và đặc biệt là sự thay đổi của các nghề nghiệp trong tương lai thì việc dịch chuyển để lựa chọn những nghề nghiệp thích ứng càng được thể hiện rõ. Ngay cả việc ta xác định rằng khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu nên rất nhiều em đi vào xu hướng lựa chọn theo hướng khoa học công nghệ, theo tổ hợp A00, tỉ lệ cao và phổ điểm rất tích cực. Tuy nhiên, các lĩnh vực khác không phải chúng ta không xem trọng mà khi số lượng nghề nghiệp, số lượng cơ hội việc làm nhiều ra thì xu thế xã hội cũng thể hiện ra và chúng ta thấy được rất rõ điều đó”.

Về điểm 10 môn Giáo dục Công dân, GS.TS Nguyễn Văn Minh khẳng định sẽ nhỉnh hơn so với các môn thi khác cũng là điều dễ hiểu bởi nội dung môn thi sát với đời sống. Do đó, phổ điểm môn thì này cao cũng là điều tất yếu.

Còn GS. TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá: “Cơ bản kết quả kỳ thi năm nay không có sự thay đổi lớn so với năm 2021, giữ ở mức ổn định. Đặc biệt là môn Lịch sử và môn Tiếng Anh đã có sự điều chỉnh tốt hơn. Tôi đánh giá với phổ điểm và kết quả như vậy thì kỳ thi đạt mục tiêu thi tốt nghiệp THPT”.

“Có thể thấy được qua phổ điểm này chúng ta có thể đánh giá được mức độ, kết quả học tập của học sinh trên toàn quốc. Có thể thấy những địa phương như Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định hầu hết tất cả các môn đều có phổ điểm rất tốt và tương đối sát với điểm học bạ. Những vùng như đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, sự chênh lệch giữa điểm thi và điểm học bạ nhiều hơn”, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nói.

Khẳng định kết quả kỳ thi THPT hết sức quan trọng, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho rằng, kỳ thi nhằm đạt được mục tiêu đánh giá để học sinh có thể tốt nghiệp THPT theo chương trình đã định ra. Bên cạnh đó, chúng ta đánh giá chỉ số về giáo dục, các địa phương, các vùng miền. Từ đó có những điều chỉnh đánh giá phù hợp. Về cơ bản tất cả các môn, phổ điểm đều vẫn giữ ổn định như vậy, tỉ lệ điểm 8 vẫn như năm trước. Nhưng đặc biệt năm nay kết quả môn Lịch sử tốt hơn và môn Tiếng Anh có sự tính toán, điều chỉnh phù hợp, sát hơn với tình hình năng lực, kiến thức của học sinh về môn Tiếng Anh năm nay. Như vậy, những điều được dư luận phản ánh cũng được tiếp thu. 

“Môn Lịch sử có sự cải thiện rõ rệt. Thứ nhất, có lẽ là cách đây vài năm đã gióng lên hồi chuông cần đổi mới phương pháp dạy môn Lịch sử và trên thực tế đã triển khai tại các trường THPT. Thứ hai là đề thi năm nay có sự cải biến. Theo tôi, hai điểm đổi mới đó gặp nhau nên kết quả kỳ thi năm nay có sự cải thiện rõ rệt trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy cũng như đề thi đánh giá được năng lực học sinh”, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức cho biết.

Qua phân tích ở trên, thì điểm môn Lịch sử và môn Ngoại ngữ thì tỉ lệ điểm giỏi giảm đi. Về cơ bản phổ điểm năm nay vẫn từ 21-26 nên điểm thi của các khối tuyển sinh không có quá nhiều biến động so với năm ngoái. Tuy nhiên tổ hợp nào có môn Lịch sử thì điểm sẽ nhỉnh lên một chút. Tổ hợp nào có môn Tiếng Anh thì điểm sẽ giảm đi một chút. 

“Điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ có sự chênh lệch, đối với từng môn học thì khoảng chênh lệch là 1 điểm là khoảng cho phép, phù hợp. Nhưng nếu 3 điểm trên 3 đầu môn thi trong một tổ hợp thì chênh lệch đến 3 điểm khác nhau. Như vậy, rõ ràng điểm thi và điểm xét học bạ là hai điểm hoàn toàn khác nhau. Do đó, sử dụng kết quả thi Tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào đại học sẽ sát hơn và tốt hơn.  Với phổ điểm như thế này thì năm nay sẽ rất hiếm hoặc sẽ không xảy ra hiện tượng 30 điểm vẫn trượt đại học nữa vì có sự phân hóa tốt ở ngưỡng điểm tuyệt đối. Tôi cho rằng, đó là sự điều chỉnh rất phù hợp”, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh. 

TS. Lê Thống Nhất cho rằng: “Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm nay về cơ bản tương tự với phổ điểm năm ngoái. Tuy nhiên, phổ điểm một số môn thi đã có thay đổi đáng kể. Tiêu biểu là phổ điểm môn Lịch sử. Điều này chứng tỏ chúng ta đã thay đổi được phương pháp dạy - học môn Lịch sử cũng như cách ra đề thi. Những đổi mới tích cực này cho thấy Bộ GD&ĐT đã hết sức lắng nghe dư luận. Đối với tôi, đây thực sự là một thay đổi đáng mừng. Tiếp theo là phổ điểm môn tiếng Anh. Phổ điểm năm nay tiến bộ hơn nhiều so với năm ngoái. Điều này cho thấy đề thi tiếng Anh đã chuẩn hóa tốt hơn”.

“Nhìn chung phổ điểm năm nay giữ ổn định so với năm ngoái. Tôi tin rằng việc công bố phổ điểm từng môn thi và các khối thi sẽ giúp các em học sinh cân nhắc để điều chỉnh nguyện vọng, thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng tốt hơn. Thầy cô, gia đình cũng có thể cùng tham mưu để giúp các em học sinh có những sự lựa chọn phù hợp nhất với bản thân”, TS. Lê Thống Nhất đánh giá.

TS. Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT ấn tượng nhất với phổ điểm môn Lịch sử. 

"Kết quả này cho thấy đề thi đã đáp ứng mục đích đánh giá tốt nghiệp THPT. Hiện nay, việc tuyển sinh đầu vào đã được giao cho các trường Đại học tự quyết định. Và với kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, các trường Đại học hoàn toàn có thể tin tưởng lấy kết quả này làm căn cứ để xét tuyển", TS Quách Tuấn Ngọc khẳng định.

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học

Đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học được đề cập tại Kết luận số 91- KL/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024 - 2025 của ngành giáo dục. Chủ trương này được kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ, nâng cao năng lực ngoại ngữ cho người Việt. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả sẽ gặp không ít khó khăn.

Để tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học
Bồi dưỡng kỹ năng tiếng Anh cho học sinh tiểu học

“Tìm kiếm tài năng tiếng Anh” là cuộc thi dành cho học sinh lớp 5 do Trường tiểu học Vĩnh Ninh tổ chức ngày 9/11 mang đến cho các em học sinh không khí học tập sôi nổi, trải nghiệm đầy cảm hứng về môn học.

Bồi dưỡng kỹ năng tiếng Anh cho học sinh tiểu học

TIN MỚI

Return to top