Tại hội thi nghiệp vụ sư phạm, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Huế
Lượng tăng
So với giai đoạn trước, số lượng sân chơi học thuật, kỹ năng tại các đơn vị giáo dục ĐH tại Huế hiện tăng lên nhiều. Không chỉ ở cấp trường mà ngay tại các khoa, các câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm đều “khai sinh” được các sân chơi mới hướng đến mục đích giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng và chuyên môn. Đáng nói là, chất lượng chưa cao là điều các trường thừa nhận. Ths. Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo ĐH Trường ĐH Ngoại ngữ thẳng thắn: “Vẫn còn nhiều hoạt động chưa được như mục tiêu đặt ra”.
Có nhiều nguyên nhân khiến chất lượng các sân chơi học thuật, kỹ năng chưa cao. Theo ông Tiến, do khó khăn chung nên nguồn kinh phí hằng năm dành cho các hoạt động này còn hạn hẹp, trong khi để tổ chức một sân chơi học thuật, kỹ năng hiệu quả cần đầu tư nhiều mặt. Ngoài ra, đa phần các hoạt động này được giao cho Đoàn Thanh niên, hội sinh viên, trong đó nhiều cán bộ còn trẻ, thiếu kinh nghiệm về chuyên môn.
Ông Phan Quốc Hải, Trưởng khoa Báo chí – Truyền thông, Trường ĐH Khoa học phân tích, ở cấp khoa cũng có nhiều sân chơi học thuật, kỹ năng. Để các sân chơi này có sức hút, cần mời chuyên gia bên ngoài nhưng kinh phí là vấn đề khó nhất. “Kinh phí này nằm ngoài khoản chi tiêu thường xuyên. Nguồn của khoa thì eo hẹp trong khi xin trường không dễ, do nhà trường có nhiều khoa, kinh phí có hạn nên phải cân nhắc rất kỹ khi duyệt. Các chuyên gia từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cũng rất có thiện chí muốn giúp đỡ sinh viên, chỉ cần hỗ trợ họ chi phí di chuyển, ăn ở nhưng đây cũng là vấn đề không dễ đối với khoa”, ông Hải trăn trở.
Anh Cao Hữu Phụng, Bí thư Đoàn Thanh niên Khoa Du lịch cho rằng, hiện nay việc phát triển các sân chơi học thuật, kỹ năng với số lượng lớn chủ yếu ở các CLB, đội, nhóm. Những sân chơi này mới mở ra vài năm nên kinh nghiệm tổ chức còn hạn chế, quy mô nhỏ ít tạo ra hiệu quả; nhiều sân chơi khó duy trì được tính thường xuyên do khó khăn trong kinh phí. Một lý do nữa là khi sinh viên tổ chức, ngoài hạn chế về kinh nghiệm thì quan niệm, ý tưởng của sinh viên cũng khác. Một số hoạt động được họ tổ chức theo hướng giải trí nhiều hơn, trong khi thiếu sự phối hợp, định hướng cụ thể từ những người có chuyên môn.
Cần đầu tư
Theo ông Hải, lãnh đạo các trường nên xem xét, tạo điều kiện để các khoa tổ chức các sân chơi học thuật, kỹ năng, nhất là với những khoa đào tạo nghề đặc thù, cần tính thực tế. Ngoài ra, để tạo tính hấp dẫn và có thêm nguồn kinh phí, các đơn vị có thể kêu gọi tài trợ của các đơn vị, doanh nghiệp bên ngoài nhà trường. Để thu hút doanh nghiệp đồng hành, cần phải cho họ thấy mặt lợi, nhất là truyền thông cho họ, làm sao để hài hòa lợi ích các bên.
Các trường cũng cần phát huy tính gắn kết giữa đoàn, hội và lãnh đạo, giảng viên các khoa. Với các sân chơi do đoàn, hội tổ chức nên chuẩn bị kế hoạch sớm để phối hợp thực hiện, nhất là để các khoa bố trí, phân công cán bộ chuyên môn. Ngay cả chương trình của các CLB hoặc sinh viên tổ chức, cũng cần liên hệ, trao đổi kịch bản sớm với các giảng viên để được định hướng chuyên môn và hỗ trợ những mặt cần thiết.
TS. Trương Quý Tùng, Phó Giám đốc ĐH Huế cho biết, thời gian tới ĐH Huế sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị quan tâm hơn việc tổ chức các hoạt động khóa, sân chơi học thuật, kỹ năng nhất là các hoạt động về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho sinh viên. |
Bài, ảnh: Hữu Phúc