ClockThứ Ba, 07/04/2020 06:45

Sinh viên đồng hành chống dịch

TTH - Biết thông tin có thể tham gia vào công tác phòng, chống dịch COVID-19, hàng trăm sinh viên Huế đã không ngần ngại đăng ký. Với họ, góp sức cho tuyến đầu chặn dịch hay công tác hậu cần vừa là cơ học tập, vừa để cống hiến sức trẻ cho Tổ quốc.

Sinh viên Y dược ra quân tình nguyện phòng chống dịch COVID-19

Sinh viên đăng ký tham gia tình nguyện hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19

"Không để thời gian rảnh vô ích"

Sau 3 lần tham gia công tác hậu cần, phụ giúp nấu ăn, dọn dẹp tại khu cách ly tập trung ở chung cư Hương Sơ và Trường trung cấp công nghệ số 10 (phường Thủy Xuân, TP. Huế), Trương Thị Thanh Tuyết, sinh viên năm 2, Trường đại học (ĐH) Nông lâm, ĐH Huế vẫn muốn tiếp tục được góp sức nhiều hơn cho công tác phòng chống dịch COVID-19. Bận bịu sau một sau ngày tình nguyện, Thanh Tuyết mới có thời gian trải lòng: “Ở khu cách ly, mỗi người một việc và có thể giúp đỡ lẫn nhau. Em không thấy bất kỳ một vất vả, khó khăn gì”.

Các công việc liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 luôn cần nguồn nhân lực khá lớn, nhưng với sinh viên, họ không phải là đối tượng bắt buộc. Từ những nguồn thông tin, thông báo kêu gọi tình nguyện của nhà trường, các tổ chức đơn vị, hay thậm chí là bắt gặp thông tin trên mạng xã hội, rất nhiều sinh viên đã tìm hiểu để đăng ký tham gia. “Chỉ sau một ngày nhà trường thông báo, vận động sinh viên tham gia các chốt chặn kiểm soát dịch COVID-19 của tỉnh, lập tức đã có khoảng 350 em đăng ký. Nhiều em còn viết tay đơn đăng ký để xin tham gia và chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ để lên đường ngay”, anh Võ Văn Khoa, Bí thư Đoàn Trường ĐH Y dược chia sẻ.

Huế những ngày qua nắng gắt, song một điều đặc biệt là càng tham gia các hoạt động đồng hành phòng chống dịch COVID-19, sinh viên lại càng hăng say. Hoàng Trần Tiến, sinh viên tình nguyện hỗ trợ công tác giúp người dân khai báo y tế ở chốt chặn kiểm soát dịch tại thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc), tâm sự: “Điểm chốt chặn em xa thành phố nên được bố trí ở lại, cách trạm chốt khoảng 2,5km và chúng em thường đi bộ để đến điểm làm. Mỗi ngày 2 ca, từ 6 giờ sáng đến 10 giờ đêm nhưng thực sự em không cảm nhận thấy mệt mỏi hay vất vả mà càng làm, càng cảm thấy công việc này có ý nghĩa”.

Còn theo Hồ Ngọc Hiền Nhơn, sinh viên Trường ĐH Y dược “bám chốt” tại thị xã Hương Trà, giai đoạn này, sinh viên đang được nghỉ học tập trung và rất nhiều bạn không muốn sử dụng thời gian ấy một cách vô ích. Cả nước cùng vào cuộc để phòng chống dịch và cá nhân mỗi người đều có thể là dũng sĩ chống COVID-19, nếu được các đơn vị cho phép, em tình nguyện tham gia chốt chặn kiểm soát dịch mỗi ngày.

Góp sức

Chưa có một thống kê cụ thể về số lượng sinh viên tham gia các hoạt động tình nguyện liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19, song có thể dễ thấy là hiện nay, bất kỳ nam nữ, sinh viên trường ĐH nào tại Huế cũng đang cố gắng làm những việc có thể để đẩy lùi dịch COVID-19.

Nguyễn Thị Thùy Trang, sinh viên năm 1, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Huế chia sẻ, do thời gian nghỉ nên em đăng ký tham gia tình nguyện cùng với đoàn phường làm công tác hậu cần ở các khu cách ly. Thời gian đầu, gia đình không yên tâm khi lo ngại nhiều vấn đề ở khu cách ly và bản thân em lại là con gái, nhưng sau khi nghe Trang giải thích, thuyết phục bố mẹ đã đồng ý để em tham gia. Những ngày qua, công việc tình nguyện hay sức khỏe của em đều rất tốt.

Theo TS. Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch Hội Sinh viên ĐH Huế, Đoàn Thanh niên – Hội sinh viên hiện nay có khá nhiều hoạt động liên quan đến phòng chống dịch COVID-19 và sinh viên cũng đang góp sức rất nhiều, ngoài nhiệm vụ trực tiếp tại các điểm chốt chặn chống dịch, khu cách ly thì các sinh viên cũng tham gia hoạt động phát khẩu trang, dung dịch sát khuẩn và tuyên truyền cho người dân chủ động phòng chống dịch COVID-19. Ngoài ra, các sinh viên vận động miễn giảm giá phòng trọ hay giải cứu nông sản, gà vịt cho người nuôi trồng trong bối cảnh dịch.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM, ĐẠI HỌC HUẾ:
Hướng tới cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao của cả nước

PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo: "Trường đại học Sư phạm, ĐHH là một trong những cơ sở giáo dục đại học chất lượng tốp đầu của cả nước. Tuy nhiên, để trở thành cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao thì trường phải có sự nhìn nhận, đánh giá một cách thực tiễn, khách quan để có sự đầu tư đúng hướng".

Hướng tới cơ sở giáo dục đại học chất lượng cao của cả nước
Return to top