|
Sinh viên sư phạm làm thủ tục nhập học năm 2023 (Ảnh minh họa) |
Sau gần nửa năm chờ đợi, cuối tháng 12/2023, kinh phí hỗ trợ theo Nghị định 116 cho sinh viên đang theo học các ngành sư phạm được thanh toán về tài khoản ngân hàng cá nhân của sinh viên. Khi niềm vui nhận được tiền chưa bao lâu, thì nữ sinh viên D.H.H.L., Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế trở nên hoảng loạn, lo lắng khi bị các đối tượng lừa đảo lừa hết số tiền gần 20 triệu đồng.
Khi số tiền hỗ trợ theo Nghị định 116 về trong tài khoản cá nhân một thời gian ngắn, có một số điện thoại lạ điện đến giả danh nhân viên ngân hàng gọi đến cho D.H.H.L. và yêu cầu sinh viên phải kích hoạt thẻ sinh viên mới có thể rút được tiền hỗ trợ. Nếu không số tiền đó sẽ bị thu hồi. Sau một hồi trao đổi qua lại, các đối tượng lừa đảo hướng dẫn nữ sinh viên làm theo các thao tác và cung cấp mã OTP trên điện thoại sang cho các đối tượng để kích hoạt thẻ sinh viên. Khi vừa cung cấp mã OTP xong, toàn bộ số tiền trong tài khoản của D.H.H.L. đã biến mất.
Thấy vậy, nữ sinh viên hốt hoảng thì các đối tượng trấn an và cho hay, chỉ cần nộp thêm một số tiền vào tài khoản để xác minh tài khoản đã hoạt động. Khi đó, toàn bộ số tiền trước và sau sẽ được phục hồi, rồi nữ sinh viên có thể rút ra hết số tiền đó.
Như bị “thôi miên”, nữ sinh viên đã tin lời, tiếp tục dùng tiền để thuê trọ nộp vào tài khoản của mình. Ngay sau khi nộp vào, số tiền đó lập tức bị biến mất. Đợi mãi mà vẫn không thấy số tiền trả về lại tài khoản, nữ sinh viên thắc mắc thì các đối tượng lại dùng chiêu trò tương tự, lừa nữ sinh tiếp tục nộp thêm tiền vào tài khoản. Mong muốn lấy lại tiền, D.H.H.L. quyết định điện thoại cho bố mẹ xin thêm tiền nộp tiền vào tài khoản. Thấy có dấu hiệu bị lừa đảo, gia đình đã liên hệ với nhà trường để xác minh thông tin. Trường đại học Sư phạm nhanh chóng liên hệ với nữ sinh viên và xác nhận đã bị các đối tượng sử dụng công nghệ cao lừa đảo.
D.H.H.L. cho biết, khi đối tượng gọi đến đọc đúng tên tuổi, ngày tháng năm sinh, lớp học và cả địa chỉ quê quán nên đã tin ngay những gì đối tượng yêu cầu và không có chút nghi ngờ nào. Nữ sinh viên như mất hết lý trí, tin tưởng hoàn toàn vào các đối tượng lừa đảo dù trước đó đã từng đọc được những thông tin lừa đảo tương tự. 20 triệu đồng là số tiền lớn đối với sinh viên, là số tiền phục vụ học tập, ăn ở nửa năm học của D.H.H.L.
Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế cho biết, sau sự việc nữ sinh D.H.H.L. bị các đối tượng dùng công nghệ cao lừa đảo, nhà trường nắm thông tin sinh viên khác thì đã có rất nhiều sinh viên cũng nhận được các cuộc điện thoại lừa đảo tương tự. Rất may, các sinh viên khác đã tỉnh táo và không để bị lừa như nữ sinh viên D.H.H.L.
Hiện, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế không có hợp tác với bất kỳ đơn vị nào để kích hoạt thẻ sinh viên, hay hình thức nào khác liên quan đến ngân hàng và tiền hỗ trợ theo Nghị định 116 của sinh viên. Trong khi đó, các đối tượng lừa đảo đã nắm bắt sinh viên học ngành sư phạm nhận được hỗ trợ theo Nghị định 116, cùng với đó các thông tin cá nhân của sinh viên đã bị đánh cắp. Vì vậy, sinh viên trong trường cần hết sức cẩn trọng, tìm hiểu kỹ các quy định và khi nhận các cuộc điện thoại lạ cần liên hệ với nhà trường để tránh bị các đối tượng xấu lừa đảo.
|
Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm. Theo đó, từ năm 2021 đến nay, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ 100% tiền học phí cùng 3,63 triệu đồng/tháng chi phí sinh hoạt. |