ClockThứ Sáu, 09/11/2018 06:37

Sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục, xây dựng bộ sách giáo khoa chuẩn cho cả nước

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) chỉ rõ nguyên tắc chung nên có một bộ sách giáo khoa chuẩn dùng cho cả nước do Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đề xuất, đảm bảo sự ổn định, ít nhất vài ba năm mới sửa một lần.

Quốc hội chốt chỉ tiêu GDP 2019 tăng 6,6-6,8%Hôm nay 8/11, Quốc hội biểu quyết Nghị quyết về kinh tế - xã hội 2019

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 8/11, các đại biểu Quốc hội đã nghe Báo cáo về việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục; giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5; báo cáo thẩm tra dự án Luật. Sau đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về nội dung này.

Ưu tiên triển khai miễn học phí tại vùng kinh tế khó khăn

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết: Ủy ban tán thành việc mở rộng phạm vi sửa đổi của dự án Luật. Nội dung sửa đổi đã cơ bản thể chế hóa các quan điểm, định hướng của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; hoàn thiện môi trường pháp lý về giáo dục, phù hợp với Hiến pháp 2013. Việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục nhằm tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực, tăng tính tự chủ của các cơ sở giáo dục, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Về chính sách không thu học phí đối với trẻ em Mầm non 5 tuổi, học sinh Trung học Cơ sở công lập; hỗ trợ đóng học phí đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục (Điều 97 dự thảo Luật), Ủy ban ủng hộ việc giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện chính sách không thu học phí đối với học sinh Trung học Cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí đối với học sinh Trung học Cơ sở trường tư thục; trước mắt ưu tiên triển khai thực hiện chính sách này ở vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, cần quy định trong dự thảo Luật điều khoản chuyển tiếp về thời điểm thực hiện, các chính sách phát triển xã hội hóa tương ứng.Về chính sách tín dụng sư phạm (Điều 83), Chủ nhiệm Phan Thanh Bình chỉ rõ, Ủy ban tán thành với dự thảo Luật về chính sách tín dụng dành cho học sinh, sinh viên sư phạm và bổ sung quy định việc hoàn trả đối với những trường hợp người học không có nhu cầu sử dụng tín dụng sư phạm nhưng ra trường vẫn làm trong ngành giáo dục. Tuy nhiên, để thu hút sinh viên giỏi vào ngành sư phạm và đảm bảo đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn tới, ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, quy định rõ việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, chương trình đào tạo, quy mô đào tạo gắn với điều kiện bảo đảm chất lượng; dự báo nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực; tạo điều kiện cho sinh viên sư phạm ra trường có cơ hội tìm được việc làm.

Mỗi môn học chỉ có một bộ sách giáo khoa

Quy định về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông (Điều 30 dự thảo Luật) là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại phiên thảo luận tổ.

Trước khi các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trình bày Báo cáo về việc sửa đổi toàn diện Luật Giáo dục; giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ năm. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: Ban soạn thảo đã rà soát, luật hóa một số quy định về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; quy định cụ thể việc lựa chọn sách giáo khoa theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo; nâng một số quy định trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 thành các quy định của Luật. Đồng thời, dự thảo Luật đã luật hóa các quy định tại văn bản dưới luật về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; việc lựa chọn, sử dụng sách giáo khoa; sách giáo khoa điện tử, học liệu; Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục, sách giáo khoa; bổ sung quy định thực hiện giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh; bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc thực nghiệm một số nội dung, phương thức giáo dục mới trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) chỉ rõ nguyên tắc chung nên có một bộ sách giáo khoa chuẩn dùng cho cả nước do Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đề xuất, đảm bảo sự ổn định, ít nhất vài ba năm mới sửa một lần. Về sách tham khảo, theo đại biểu cũng nên có một lượng nhất định. “Dự thảo Luật nên sửa lại là mỗi môn học chỉ có một bộ sách giáo khoa chuẩn và một số sách tham khảo", đại biểu nêu quan điểm.

Đại biểu Nguyễn Văn Được (Hà Nội) đề nghị không nên xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa bởi nếu thực hiện xã hội hóa, vấn đề kiến thức, tính định hướng, tính thống nhất khó đảm bảo các mục tiêu đặt ra cho giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông. “Mặc dù dự thảo Luật quy định chặt chẽ việc thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa nhưng việc xây dựng, biên soạn sách cần được thực hiện, quản lý bởi cơ quan chuyên môn nhất định”, đại biểu nhấn mạnh.

Ngoài ra, việc quy định cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa trong giảng dạy dễ dẫn đến tình trạng trong một địa bàn, một tỉnh có nhiều trường lựa chọn sách giáo khoa khác nhau, dẫn đến trình độ học sinh; sự hiểu biết, thống nhất khác nhau.

Đối với quy định tham khảo ý kiến giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh về việc lựa chọn sách giáo khoa, theo đại biểu, quy định này không khả thi vì bản thân học sinh, cha mẹ học sinh nhiều nơi cũng không có đầy đủ thông tin hay trình độ để lựa chọn.

Đại biểu Hồ Thị Vân (Quảng Ngãi) cho rằng, quy định cơ sở giáo dục được tự lựa chọn sách giáo khoa để đưa vào chương trình giảng dạy trên cơ sở ý kiến đề xuất của giáo viên và phụ huynh là không phù hợp với các vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Bởi tại các địa phương này, công tác giáo dục rất hạn chế, sự quan tâm của phụ huynh dành cho giáo dục còn rất ít. Vì vậy, cơ quan soạn thảo nên xem xét lại quy định này. Bên cạnh đó, theo đại biểu, việc chạy thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa cần phải được triển khai song song ở các cơ sở giáo dục ở thành phố lớn lẫn các cơ sở giáo dục ở vùng sâu, vùng xa để có sự đánh giá toàn diện. Bởi khả năng nắm bắt kiến thức tại các địa phương thường chênh lệch khá lớn; không thể chỉ thực nghiệm ở một số địa phương mà đưa vào áp dụng chung cho cả nước.

Đại biểu Lê Thành Long (Kiên Giang) nêu quan điểm: Khoản 3, 4, Điều 30 dự thảo Luật quy định giao thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục phổ thông, các vấn đề liên quan đến đổi mới, chỉnh lý, căn chỉnh chương trình. Tuy nhiên, tại khoản 1, Điều 3 Nghị quyết 88 của Quốc hội đã giao cho Chính phủ chỉ đạo, thực hiện và phê duyệt đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông. Do đó, đại biểu đề nghị không quy định thẩm quyền cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo mà nên giao cho Chính phủ phê duyệt chương trình giáo dục phổ thông.

Đại biểu đề xuất quy định rõ ràng và cụ thể hơn ngay trong Luật về sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc biên soạn sách giáo khoa để có cơ chế thực hiện. Về Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông, theo đại biểu, cũng nên nâng lên một cấp thẩm quyền, không giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo mà giao cho Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu, tổ chức hoạt động, các nội dung cơ bản nhất của Hội đồng.

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định cơ chế tài chính để bảo đảm công bằng trong việc biên soạn, sử dụng sách giáo khoa, trách nhiệm nhà nước trong đảm bảo cung cấp sách giáo khoa cho vùng dân tộc thiểu số; quy định cụ thể về việc các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; về Hội đồng và quy trình thẩm định, bảo đảm công bằng trong thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa.

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận

Năm 2025, TP. Huế tiếp tục xây dựng và phát triển 2 quận của TP. Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các nền tảng hiện có, thành tựu đã đạt được; đồng thời, khai thác tiềm năng, thế mạnh, lợi thế riêng có để góp phần xây dựng TP. Huế phát triển bền vững.

Khai thác tiềm năng, thế mạnh để xây dựng và phát triển 2 quận
Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế

Quyết định số 3979/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận "Nghề làm bún Vân Cù" trong Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, thuộc lĩnh vực Nghề thủ công truyền thống. Đây là tiền đề xây dựng hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể với tầm nhìn quốc gia và quốc tế về di sản văn hóa ẩm thực Bún Huế trong thời gian tới.

Xây dựng hồ sơ di sản bún Huế
Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục

Ngày 18/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện Thông tư số 26/2017/TT-BGDĐT và Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT về quy định quy tắc ứng xử trong các cơ sở giáo dục. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục
Kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng tỉnh (15/12/1964 - 15/12/2024)
Tự hào truyền thống xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển

Trải qua 60 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân.

Tự hào truyền thống xây dựng, chiến đấu, trưởng thành và phát triển

TIN MỚI

Return to top