ClockThứ Năm, 10/10/2019 13:47

Thận trọng khi tự chủ theo hướng xã hội hóa

TTH - Đại học (ĐH) Huế xác định kế hoạch triển khai mô hình tự chủ cho Trung tâm Phục vụ sinh viên (SV) trong năm học 2019 - 2020 theo hướng xã hội hóa. Song trên thực tế, dù định hướng này có làm được cũng khó đạt đúng hạn và cần phải thận trọng.

Trường đại học địa phương loay hoay tìm hướng phát triểnPhát triển nguồn thu ở đại học: Phải “sống” được nhờ nghiên cứuXây dựng môi trường đại học dân chủ

Sinh viên ở nội trú mua sắm tại KTX Trường Bia

Luẩn quẩn

Ông Đào Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Phục vụ SV ĐH Huế thừa nhận, việc quản lý SV ngoại trú khá khó khăn, trong khi thu hút SV vào ở nội trú không đơn giản. Nhu cầu hiện nay đòi hỏi cơ sở vật chất hiện đại, đa dạng loại phòng, trái lại kinh phí đầu tư luôn gặp khó.

Vấn đề trên xảy ra một vòng luẩn quẩn. SV ít vào ở ký túc xá (KTX) do cơ cở vật chất, dịch vụ đi kèm chưa thực sự tốt. Muốn thay đổi, cần đầu tư nhưng thiếu nguồn vốn, trong khi tiền phòng ở từ SV vẫn là nguồn thu chính. Lượng SV ở không đạt ngưỡng tối đa nên rất khó để thường xuyên đầu tư, xây dựng lớn, nâng cấp tốt hơn. “Ngoài nguồn thu chủ yếu là tiền ở SV thì các dịch vụ phục vụ SV và nguồn thu từ phòng ở khách quốc tế, giảng viên, SV quốc tế rất ít, trên dưới 500 triệu đồng/năm”, lãnh đạo Trung tâm Phục vụ SV ĐH Huế tiết lộ.

Theo quy định, mức thu tiền ở SV không thể vượt trần. Giá phòng cũng phải đảm bảo rẻ ở bên ngoài để hỗ trợ SV. Đối với phòng ở 8 người, chi phí mỗi tháng cho một SV là 90.000 đồng và 4 người là 220.000 đồng/người. Trên thực tế, lấp đầy chỗ ở KTX có thể đảm bảo nguồn thu, song hiện nay bình quân đầu năm chỉ đạt khoảng 2.000 SV, số lượng giảm qua học kỳ hai do SV năm 3 – 4 đi thực tập nên trả phòng.

“ĐH Huế bố trí nguồn vốn chống xuống cấp và phần chi thường xuyên 60% lương của viên chức, còn các khoản khác trung tâm phải tự lo theo nguyên tắc lấy thu để bù chi, kể cả lương cho hơn 20 cán bộ hợp đồng, quản lý, điều hành, bảo vệ. Nguồn thu có hạn, một vài thời điểm, trung tâm đã gặp khó khăn. Vì vậy, việc đầu tư, xây dựng, phát triển dịch vụ cho SV mới chỉ đảm bảo điều kiện tối thiểu, để có một KTX hiện đại, dịch vụ đầy đủ thì quá khó”, ông Hải thừa nhận.

TS. Trương Quý Tùng, Phó Giám đốc ĐH Huế trăn trở, ĐH Huế rất muốn thu hút SV vào ở nội trú vì điều kiện để quản lý, hỗ trợ cho các em sẽ thuận lợi hơn nhưng đây vẫn là một bài toán khó.

Thận trọng

Theo đại diện ĐH Huế, nhiệm vụ trọng tâm mà ĐH Huế đặt ra trong năm học 2019 – 2020 là triển khai mô hình tự chủ cho Trung tâm Phục vụ SV theo hướng xã hội hóa, dự kiến trong quý IV/2019.

Đại diện ĐH Huế giải thích, tự chủ theo hướng xã hội hóa khác với xã hội hóa, bởi cơ sở vật chất đều của Nhà nước, nếu xã hội hóa, tức là cho phép tư nhân vào đấu và đầu tư, điều hành thì sẽ không đúng với quy định của pháp luật. ĐH Huế xác định, để Trung tâm Phục vụ SV tự chủ theo hướng xã hội hóa, cho phép liên kết để đầu tư, phát triển những dịch vụ phục vụ trực tiếp cho SV, dưới sự quản lý của trung tâm nhưng phải đúng quy trình và quy định của pháp luật. “Để thực hiện, Trung tâm Phục vụ SV phải tính toán công năng sử dụng của các đơn vị theo đúng chức năng, nhiệm vụ rồi trình Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, xét duyệt”, ThS. Trần Đăng Huy, Trưởng ban Kế hoạch – Tài chính ĐH Huế cho biết.

Hiện, một số dịch vụ có thể làm theo hướng này như nhà xe, căng tin, tạp hóa, dịch vụ thể dục thể thao cho SV. Đây là các dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu của SV. Song, điều thận trọng là chỉ được phục vụ đối tượng SV bởi nếu “vượt ranh giới”, sẽ vướng quy định của pháp luật.

Lượng SV ở các KTX không quá nhiều nên việc nghiên cứu dịch vụ phải kỹ lưỡng. Đơn cử, trước đây từng mở ra dịch vụ giặt sấy, nhưng chỉ tồn tại được 1 năm, SV ít sử dụng dịch vụ nên không duy trì được. Vì vậy, phải tìm được dịch vụ nào đáp ứng nhu cầu SV và dịch vụ đó phải “sống” được trong môi trường SV, có như thế mới đảm bảo được việc tự chủ.

Ngoài cách làm, về mặt thời gian cũng cần phải thận trọng. So sánh với hai đầu đất nước, hiện, các KTX của các ĐH lớn vẫn chưa tự chủ hoàn toàn. Trong bối cảnh khó khăn nhưng bắt buộc phải tự chủ, theo một số chuyên gia có thể dẫn đến chuyện phải “lòn, lách”, thiếu hợp lý.

Theo ông Huy, các đơn vị đào tạo trong cả nước hiện nay dù đã có lộ trình nhưng đều trễ hạn, vì chờ hướng dẫn về tự chủ. Đúng ra, sẽ có một nghị định tự chủ riêng cho giáo dục, nhưng hiện tại chưa có và phải chờ nghị định chung cho tất cả các ngành rồi vận dụng. Vì thế, để các đơn vị tự chủ, phải xác định thời gian hợp lý và có cách làm thận trọng.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đối với giáo dục mầm non

Ngày 18/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức hội thảo trực tuyến đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đối với giáo dục mầm non (GDMN). Điểm cầu tại Thừa Thiên Huế được tổ chức tại Sở GD&ĐT.

Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đối với giáo dục mầm non
WC ở trường học:
Thiếu để mắt sẽ mất ý nghĩa và thành lãng phí

Đầu tư là một chuyện, còn chăm sóc, quản lý, sử dụng lại là một chuyện. Nếu thiếu quan tâm quản lý, thì các nhà vệ sinh ở trường học sẽ rất nhanh bị xuống cấp, trở nên mất vệ sinh, và rồi lại trở thành nỗi ám ảnh cho mỗi học sinh khi có nhu cầu...

Thiếu để mắt sẽ mất ý nghĩa và thành lãng phí
Return to top