ClockThứ Hai, 18/06/2018 06:30

Thay đổi cách đào tạo nghề

TTH - Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại những tác động nhanh và mạnh mẽ đến thị trường lao động, việc làm. Điều đó đòi hỏi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần có những thay đổi linh hoạt và thích ứng nhanh chóng trong việc đào tạo nghề.

Nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp để đào tạo nghềÁp lực của đào tạo nghềĐổi mới công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm

 Đào tạo nghề cần có sự thay đổi phù hợp với xu thế mới

Thay đổi

Theo NGƯT. TS. Vũ Xuân Hùng, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục nghề nghiệp, trong cuộc cách mạng 4.0, thị trường lao động gặp những thách thức lớn giữa chất lượng cung và cầu lao động cũng như cơ cấu lao động. Nước ta cũng đang đối mặt với một số thách thức lớn, như: Tồn tại sự chênh lệch giữa các kỹ năng của người lao động (NLĐ) đang có và các kỹ năng mà thị trường lao động cần, dẫn đến tình trạng thiếu hụt kỹ năng; thiếu sự tham gia của doanh nghiệp trong xây dựng và phát triển chương trình đào tạo, do đó thiếu cập nhật thực tiễn, thiếu giáo viên có trình độ, kỹ năng và kinh nghiệm nghề nghiệp...

Tại hội thảo khoa học “Tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến công tác giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam” do Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề - Ban Tuyên giáo Trung ương và Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức vào tháng 12/2017, một số chuyên gia cho rằng, với sự bùng nổ của công nghiệp 4.0, sẽ có một sự dịch chuyển lớn nguồn lực lao động, nhiều nghề nghiệp cũ sẽ mất đi và thay vào đó là sự xuất hiện của nhiều nghề nghiệp mới trong lĩnh vực kỹ thuật số, lập trình, bảo vệ dữ liệu... Cùng với việc tăng cường tự động hóa và sử dụng robot thay thế con người trong các lĩnh vực của nền kinh tế, người lao động phải có những thay đổi để thích nghi nếu không muốn bị đào thải và thất nghiệp.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, công nghiệp 4.0 không chỉ đe dọa tới việc làm của những lao động trình độ thấp mà ngay cả lao động có kỹ năng bậc trung cũng bị ảnh hưởng nếu họ không trang bị các kiến thức mới - kỹ năng sáng tạo cho nền kinh tế 4.0. Theo đó, người lao động sẽ phải nâng cao trình độ chuyên môn, nhằm đáp ứng các yêu cầu mới.

Đào tạo bằng các mô hình thiết bị thực tế giúp sinh viên cập nhật công nghệ khi ra trường

“Trong cuộc cách mạng 4.0, hệ thống giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cũng sẽ bị tác động mạnh mẽ và toàn diện. Danh mục ngành nghề đào tạo sẽ phải điều chỉnh, cập nhật liên tục vì ranh giới giữa các lĩnh vực rất mong manh, hình thành những nghề đào tạo mới. Công nghệ thực tế ảo sẽ thay đổi cách dạy và học. Những khái niệm phòng học ảo, thầy giáo ảo, thiết bị ảo sẽ thành xu hướng trong hoạt động đào tạo nghề nghiệp trong thời gian tới”, NGƯT. TS. Vũ Xuân Hùng dự báo.

Điều chỉnh trong đào tạo

Để đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, các cơ sở GDNN cần có những thay đổi linh hoạt và thích ứng nhanh chóng, đổi mới mạnh mẽ từ hoạt động đào tạo đến quản trị nhà trường để tạo ra những “sản phẩm” - NLĐ tương lai có năng lực làm việc trong môi trường sáng tạo và cạnh tranh. NGƯT. TS. Vũ Xuân Hùng cho hay: “Cách mạng 4.0 đòi hỏi phương thức và phương pháp đào tạo thay đổi với sự ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT). Đào tạo ảo, mô phỏng, số hóa bài giảng sẽ là xu hướng đào tạo nghề nghiệp trong tương lai. Điều này tác động đến bố trí cán bộ quản lý, phục vụ và đội ngũ giáo viên của các cơ sở GDNN. Đội ngũ này phải được chuyên nghiệp hóa và có khả năng sáng tạo cao, có phương pháp đào tạo hiện đại”.

Theo ông Hà Văn Tuấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các trường nghề trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cố gắng để xây dựng các chương trình đào tạo nghề đạt chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế, như: Trường cao đẳng Nghề, Trường cao đẳng Du lịch Huế, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế... Tuy nhiên, để có nguồn nhân lực đáp ứng tốt yêu cầu của công nghiệp 4.0, các cơ sở đào tạo nghề phải tập trung nâng cao chất lượng người thầy, kể cả trình độ và nhận thức đối với cuộc cách mạng này để định hướng, truyền đạt cho học sinh, sinh viên. Phía nhà trường phải đổi mới chương trình giảng dạy, phối hợp với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo vì trang thiết bị của nhà trường không thể đổi mới bằng thực tiễn nên sự kết hợp này giúp học sinh tiếp cận kịp thời với công nghệ mới.

Theo ông Cung Trọng Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp Huế, trong thời đại chuyển đổi công nghệ số, ngoài kiến thức chuyên môn, người học phải biết về ngoại ngữ, CNTT để hội nhập và trang bị kỹ năng sẵn sàng làm việc, như: nói chuyện, làm việc, hợp tác, độ chịu đựng và kiên nhẫn trong môi trường làm việc, kỹ năng sáng tạo và cập nhật công nghệ, đủ khả năng để điều chỉnh năng lực theo hướng mới.

Ông Cung Trọng Cường cho rằng: “Ngoài kỹ năng về chuyên môn, trong thời đại mới phải có kỹ năng sẵn sàng làm việc và kỹ năng hội nhập quốc tế là tin học, ngoại ngữ. Trường chúng tôi tập trung đào tạo nhiều các kỹ năng mềm, kỹ năng sẵn sàng làm việc phù hợp với ngành nghề để sinh viên ra trường có thể tự học, cập nhật công nghệ, tự thay đổi và sáng tạo. Điều này rất cần thiết trong xu thế hiện nay”.

Để đào tạo kỹ năng sẵn sàng làm việc, Trường cao đẳng Công nghiệp Huế lồng ghép trong mô hình đào tạo hiện tại, đưa học phần kỹ năng mềm và đổi mới sáng tạo vào khóa học. Sinh viên cũng cần tích lũy năng lực, tác phong, thái độ làm việc công nghiệp trong quá trình thực tập tại doanh nghiệp để khi ra trường có thể đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Bài, ảnh: Minh Hiền

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thủ tướng: Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt

Chỉ rõ 5 yếu tố về thời gian, trí tuệ, khát vọng, tự lực và hội nhập, cùng 3 nội dung cần đặc biệt lưu ý để tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo theo chủ trương của Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khát vọng đột phá để đưa nền giáo dục và đào tạo nước ta theo kịp, ngang tầm các nước phát triển càng sớm càng tốt.

Thủ tướng Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt
Nâng cao chất lượng giáo dục ở cơ sở mầm non ngoài công lập

Thành phố Huế hiện có khá nhiều trường mầm non ngoài công lập và cơ sở giáo dục mầm non (GDMN) độc lập. Để nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ ở các cơ sở GDMN ngoài công lập, UBND TP. Huế triển khai nhiều giải pháp góp phần đáp ứng nhu cầu của phụ huynh học sinh cũng như thực hiện mục tiêu phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.

Nâng cao chất lượng giáo dục ở cơ sở mầm non ngoài công lập

TIN MỚI

Return to top