Tập tành các kỹ năng
Vất vả
Bước chân vào từng lớp học mới thấy sự đa dạng của những đầu sách. Mỗi nhóm lớp đều có một góc thư viện nhỏ, nhưng ấm áp và đầy sắc màu. Cô Lê Thị Hoài Nam, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Đây là kết quả của hội thi “Xây dựng thư viện của bé” do trường tổ chức. Tập thể giáo viên đã nỗ lực hết mình để thực hiện mơ ước, tạo ra thư viện thân thiện cho các bé, giúp các bé tiếp cận, tìm tòi, làm quen với sách ngay từ bậc học đầu đời”.
Để xây dựng thư viện khá gian nan. Mỗi giáo viên đều bận rộn với việc nhà và việc trường. Một số phụ huynh lại lo âu các bé còn quá nhỏ để tiếp cận sách. “Càng khó khăn, chúng tôi càng quyết tâm. Giáo dục mầm non có vai trò rất quan trọng, là bậc học đặt nền móng cho việc hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Nếu thúc đẩy được tình yêu với sách ngay từ bây giờ, đó sẽ là động lực lớn cho các bé tìm tòi, học hỏi về sau”, cô Hoài Nam nói.
Cô giáo Nguyễn Thị Ánh tâm sự: “Dù bận rộn nhưng ai cũng cố gắng. Sắp xếp, tranh thủ thời gian rảnh là mọi người bắt tay ngay vào việc. Thay vì mua vật liệu đắt tiền, chúng tôi tận dụng những đồ dùng cũ, hư hỏng để tái chế”.
Để thúc đẩy tình yêu của trẻ, các cô đã sử dụng các hình ảnh ấn tượng, những bức tranh sặc sỡ sắc màu. “Trong quá trình ấy, những trò chơi, kỹ năng thú vị được mọi người lồng ghép khéo léo, kích thích các con lật giở những trang sách tiếp theo. Đồng thời, bé sẽ “vô tình” được luyện rèn những kỹ năng căn bản”, cô Ánh cho biết thêm.
Cảm nhận được cái tâm của nhà trường, nhiều phụ huynh đã tình nguyện phụ giúp. Người thành thạo cắt dán những mảnh bìa. Phụ huynh không khéo tay thì tìm các vật liệu tái chế. Có các chị, các mẹ lại tặng sách, hỗ trợ kinh phí.
Phát triển kỹ năng
Tháng 10/2018, “Thư viện của bé” đã đi vào hoạt động. Trên góc tường, bên cạnh những chú rối xinh xắn là các sách kỹ năng, sách tô vẽ màu. Vào khung giờ thư viện, cảnh tượng háo hức, tươi vui râm ran đều ở các lớp. Tiếng sột soạt của sách vang lên khắp nơi. Nhóm tô vẽ hý hoáy bên các bức tranh. Nhóm kỹ năng lúc thì gài nút, lúc lại ghép những hình khối sao cho phù hợp. Các bạn nhỏ khác lại tập tành múa rối, nhái giọng chú chó, con gà…
Tự hào về những đồng nghiệp của mình, cô Hoài Nam nói: “Mình rất bất ngờ và cảm động trước nỗ lực của mọi người. Với sự tận tâm và đoàn kết của giáo viên và phụ huynh, nhà trường đã có được những cuốn sách quý giá”.
Ngoài sách phát triển kỹ năng, thư viện còn đầu tư không gian dành cho các bậc phụ huynh. Những hôm thời tiết tốt, khi chờ bé, các ông bố bà mẹ có thể tham khảo sách về dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục tâm lý của trẻ…
Mô hình thư viện của bé chỉ được nhà trường triển khai trên quy mô nhỏ. Lợi thế là các lớp có thể tự linh động thời gian tiếp cận thư viện. Thế nhưng, để có được hiệu quả lâu dài, một thư viện chuẩn” với đa dạng thể loại sách, đồ chơi là lựa chọn tất yếu.
Hình ảnh mà chúng tôi bắt gặp là một em nhỏ đang tự cài nón bảo hiểm khi phụ huynh đến đón. Dù còn lóng ngóng nhưng trong ngôi trường này, cháu bé đã tiếp thu được những kỹ năng hữu ích bên cạnh tình yêu đối với sách.
Bài, ảnh: MAI HUẾ