Học sinh Trường tiểu học Hương Hồ (Hương Trà) trong giờ ra chơi
Quyết tâm bám trường, bám lớp
Con số của ngành giáo dục Thừa Thiên Huế đưa ra trong thời điểm lụt lịch sử 99 minh chứng cho sự khó khăn của sự nghiệp trồng người. 32 học sinh và một giáo viên bị thiệt mạng; 87 gia đình giáo viên bị sập nhà; 414/502 ngôi trường bị ngập sâu trong nước từ 2m - 4m nên hầu như máy móc, thiết bị đều hỏng nặng; 1.300 phòng học bị sập và 750.000 bộ bàn ghế hư hỏng… Sau cơn lũ lịch sử, khó khăn chồng chất khi học sinh không có phòng, nhiều trường đổ nát, tan hoang.
Cô giáo Lê Thị Loan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Quảng Phú 1 (Quảng Điền) nhớ lại: Hồi ấy, tôi là giáo viên của Trường tiểu học Quảng Vinh 1. Sau khi nước rút, giáo viên đi tìm bàn ghế, mái tôn để về che tạm cho các em học. Các trường ở Quảng Điền phải học dồn lớp, tăng ca hoặc mượn trụ sở, nhà dân... Thiếu bàn thì kê ván, thiếu ghế thì thêm đòn để ngồi; thiếu bảng thì treo tấm vải nilon lên để viết... Cả giáo viên và học sinh đều quyết tâm bám trường, bám lớp.
Tôi vẫn không thể quên hình ảnh cô bé ở Trường tiểu học Thủy Bằng (TX. Hương Thủy) khóc nức nở trên sóng truyền hình rằng, em không có sách vở để học khi tất cả đều nằm sâu dưới bùn lầy. Sau đó là những chuỗi ngày chờ nắng khi trường nào cũng tranh thủ đem sách ra phơi. Lúc đó, sách giáo khoa thiếu trầm trọng khi toàn tỉnh có đến 980.000 bản sách, 1.200.000 cuốn vở bị cuốn trôi… Thế nên, có trường không đủ sách, 2-3 em học một cuốn. Phong trào hỗ trợ sách cho học sinh Thừa Thiên Huế được nhân rộng…
Toàn ngành giáo dục quyết tâm không để học sinh nào bị đói rét, bỏ học vì khó khăn thiếu thốn do lũ gây ra; không vì lụt mà học chậm chương trình, giảm sút chất lượng. Những thầy cô giáo phải vượt cửa biển Hòa Duân mới mở đầy sóng gió, lội bộ hàng chục cây số trong bùn lầy để đến trường giảng dạy.
Sau hai tháng trận lụt lịch sử đi qua, vùng đất học bắt đầu hồi sinh. Các em đã được sự quan tâm của toàn xã hội khi có sách vở để học, có bàn ghế để ngồi, có áo quần để mặc… Nhiều cơ quan đơn vị, dự án đã giúp đỡ khởi công để xây dựng lại trường học kiên cố, cao tầng để cứu trường, cứu dân trong những mùa mưa lũ.
Sẵn sàng ứng phó với thiên tai
Cách đây hai năm, có đợt lũ với mực nước xấp xỉ cán mốc lũ lịch sử 99, song nhiều trường ở vùng thấp trũng vẫn chủ động đối phó. Thuận tiện hơn khi ở các vùng như Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Hương Thủy và Nam Đông... có 100% số phòng học thuộc loại kiên cố.
Ông Lê Đình Phong, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phú Vang cho biết: Hai mươi năm sau lụt lịch sử, trường lớp ở Phú Vang đã đổi thay rất nhiều, đa số đều được tầng hóa. Hơn nữa, tinh thần phòng, chống bão lụt của các trường trên địa bàn khá tốt, hạn chế tối đa thiệt hại từ thiên tai và không để bất cứ học sinh có hoàn cảnh khó khăn nào nghỉ học”.
Bài học trong trận đại hồng thủy khiến các trường không chủ quan, khi xảy ra mưa lớn, các trường huy động cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh chủ động kê cao bàn ghế, chuyển toàn bộ máy tính, sách vở, đồ dùng và thiết bị dạy học. Nhiều trường học thành lập tổ tự quản trong việc đưa đón học sinh trong mùa mưa bão. Nhiều vùng thấp trũng tổ chức cho học sinh học sớm để chủ động hoàn tất chương trình.
Nhiều lớp dạy bơi cho học trò vùng sông nước được mở ra cũng là cách giúp các em tự bảo vệ mình. Cô Nguyễn Thị Kim Huế, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Mậu (Phú Vang), cho biết: Đây là địa bàn chịu nhiều thiên tai, lũ lụt, dễ xảy ra tình trạng đuối nước, nên nhà trường đã thực hiện dự án dạy bơi, khoảng 100 học sinh/năm. Dạy bơi trên dòng nước mở là cách nhà trường, chính quyền và phụ huynh rèn luyện cho các em tâm thế, sự tự tin và kỹ năng tự cứu mình hoặc giúp đỡ người khác”.
Hai mươi năm sau cơn "đại hồng thủy", ngành giáo dục đã có nhiều đổi thay. Toàn tỉnh có 585 trường học từ mầm non đến phổ thông trung học với 266.178 học sinh theo học. Không chỉ thỏa nguyện giấc mơ có trường mà trong thực tế các trường huyện trong tỉnh còn được đầu cơ sở vật chất thỏa đáng, trang thiết bị đồng bộ, đảm bảo nhu cầu “dạy tốt, học tốt”. Hằng năm, ngành giáo dục được đầu tư trên 100 tỷ đồng, trang thiết bị dạy học mua sắm kịp thời, ngày càng hiện đại đã đáp ứng nhu cầu dạy và học.
Vẫn còn nhiều việc phải làm cho các trường vùng thấp trũng khi thiên tai thường xuyên xảy ra và hiện còn 287 phòng học ở các cấp học xuống cấp; 382 phòng học bộ môn phải tận dụng từ các phòng học nên chưa phát huy công năng sử dụng. Vì vậy, cần huy động các nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn, phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc xã hội hóa giáo dục.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, ông Nguyễn Tân cho rằng: Hướng đến, các cơ sở giáo dục sẽ lập đề án, bố trí nguồn lực để xóa bỏ phòng học xuống cấp và đầu tư phòng học bộ môn đạt chuẩn. Các địa phương chú trọng việc quy hoạch sử dụng đất dành cho giáo dục, xây dựng trường khang trang trên nguyên tắc gom các điểm trường nhỏ lẻ lại, tránh tình trạng thiếu trường. Ngoài ra, các địa phương tiếp tục huy động nguồn lực, lồng ghép để tầng hóa những ngôi trường ở vùng thấp trũng, đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh trong những ngày mưa bão.
Bài, ảnh: Huế Thu