Chăm chỉ luyện rèn tiếng Nhật
Khát khao
Renshuu shimashou, kyuukei shimashou (tạm dịch cùng luyện tập nào, nghỉ giải lao thôi)… những câu chữ từ đất nước Nhật Bản xa xôi được Trần Thị My phát âm rành mạch, hứng khởi. Trước đó, với cô gái nhỏ quê Vinh Thanh (Phú Vang) này, được học ngôn ngữ Nhật là giấc mơ khó có thể chạm đến. Em chia sẻ: “Từ hồi bé em đã mong ước được học tiếng Nhật, thậm chí là đặt chân đến đất nước mặt trời mọc. Nhưng hoàn cảnh của gia đình em quá khó khăn nên giấc mơ chưa thể thực hiện".
Cha mất sớm, My là chị cả trong gia đình ba người con. Mẹ của My sớm trưa làm lụng trên cánh đồng, chắp cánh cho chị em My đến trường. Thế nhưng cũng như My, bà biết rằng giấc mơ của con gái khó có thể trở thành hiện thực. Bởi điều kiện kinh tế khó khăn, và sau My còn hai người em cũng đang khát khao con chữ.
Khác với My, Thanh Tùng, sinh viên năm nhất Trường ĐH Nông lâm Huế đang từng bước thực hiện ước mơ của mình. Tùng cho biết: “Em mong muốn trở thành thực tập sinh kỹ năng. Sau khi học tập, nâng cao tay nghề, kỹ thuật trong các nhà máy tại Nhật Bản sẽ trở về và đóng góp cho sự phát triển của nước nhà. Bởi thế em đang cố gắng học tập tiếng Nhật và tiếng Anh để phục vụ cho giấc mơ này”.
Cơ hội đến với My, Thanh Tùng và 29 cô cậu học trò Phú Vang khi vùng quê ven chân sóng xuất hiện lớp học tiếng Nhật miễn phí. Đây là lớp học dành cho các bạn học sinh, sinh viên đam mê ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản nhưng khó khăn trong việc tiếp cận, do Hội quán sinh viên tổ chức.
Truyền động lực
Lớp học tiếng Nhật đã diễn ra hơn 1 tháng nay. Nguyễn Anh Thi, sinh viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, Trường ĐH Ngoại ngữ Huế hiện đang phụ trách đứng lớp cho biết mỗi buổi học sẽ bao gồm 3 tiết; Trong đó, 2 tiết học sẽ dành cho luyện rèn ngôn ngữ và 1 tiết học để giao lưu văn hóa. “Chúng mình dạy bảng chữ cái Hiragana, chuyển tải những kiến thức vỡ lòng về ngôn ngữ cũng như văn hóa Nhật Bản. Không chỉ thế, lớp học còn mong muốn đưa ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản đến gần hơn với các bạn trẻ. Vì vậy, 1 tiết học còn lại sẽ là những chương trình thú vị để thực hành, tìm hiểu về văn hóa và con người ở miền đất này”, Anh Thi nói.
Không chỉ rộn ràng học bảng chữ cái, tập tành với ngôn ngữ Nhật Bản, những bạn trẻ vùng quê ven biển còn hào hứng với các kiến thức mới về văn hóa, con người ở xứ sở hoa anh đào. Thanh Tùng hứng khởi: “Chúng em luôn ngạc nhiên với nhiều điều mới, từ trang phục truyền thống đến phong thái và tinh thần Nhật Bản”.
Lớp học còn tạo điều kiện để các bạn trẻ giao lưu, học hỏi trực tuyến với những du học sinh (các em đều là cựu học sinh Phú Vang, hiện đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản). Qua chiếc màn hình nhỏ, những bạn trẻ ở đất nước xa xôi chia sẻ với 31 học viên về cách học, những khó khăn và niềm vui khi đến sinh sống và học tập tại một môi trường mới.
Như được tiếp thêm động lực, sau những rụt rè ban đầu, Trần Thị My và Thanh Tùng cùng nhiều học viên đã vững tin hơn với giấc mơ thuở nhỏ của mình. Các em đã mạnh dạn đặt những câu hỏi để nhận được lời tư vấn thiết thực từ các anh chị du học sinh. Trong ánh mắt của các cô cậu học trò nhỏ, niềm tin đang dần lớn lên mỗi ngày. Xuất phát từ lớp học tiếng Nhật miễn phí này, tin rằng một ngày nào đó không xa, những đôi chân của các cô cậu học trò vùng ven biển Phú Vang sẽ hiện thực hóa giấc mơ được học tập tại xứ sở hoa anh đào.
Bài, ảnh: Mai Huế