ClockThứ Ba, 24/07/2018 14:21

Từ vụ việc ở Hà Giang: Chỉ nên thi để xét tốt nghiệp cho học sinh yếu

Việc tổ chức kỳ thi 2 trong 1 là không cần thiết khi có đến hơn 90% thí sinh tốt nghiệp THPT mỗi năm và các trường đại học đang đẩy mạnh tự chủ.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Rà soát toàn bộ kết quả thi THPT quốc gia 2018 trên cả nướcThi THPT quốc gia năm 2018: Điểm thi thấp, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp vẫn caoCó 925.792 thí sinh đủ điều kiện dự thi THPT quốc gia 2018

Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức nhằm phục vụ việc xét tốt nghiệp THPT cũng như  làm cơ sở cho các trường xét tuyển đại học. Tuy nhiên sau hàng loạt các vấn đề như đề thi quá dễ dẫn đến "mưa điểm 10" năm 2017, hay các sai phạm trong công tác chấm thi tại Hà Giang, Sơn La mới đây đã khiến dư luận băn khoăn về việc có nên tiếp tục duy trì kỳ thi 2 trong 1 như hiện nay.

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH FPT cho rằng: “Trong bối cảnh tự chủ đại học, xét tốt nghiệp THPT dựa cả vào học bạ, thì cần xem xét lại tính cần thiết của việc tổ chức một cuộc thi phức tạp và có nhiều vấn đề nảy sinh như thi THPT quốc gia 2 trong 1".

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT. Ảnh minh họa

TS Tùng lý giải, mục đích ban đầu của kỳ thi THPT quốc gia là để xét tốt nghiệp THPT và là cơ sở để các trường xét tuyển đại học. Song thực tế hiện nay mức điểm của kỳ thi này cũng chỉ có vai trò “tham gia” chứ không mang tính quyết định hoàn toàn kết quả tốt nghiệp THPT của học sinh.

“Hiện nay, xét tốt nghiệp bằng cách cộng điểm thi với điểm học bạ chia đôi, chưa kể xét cả điểm ưu tiên. Với bức tranh như năm trước, việc thí sinh tốt nghiệp hay không, chủ yếu phụ thuộc vào học bạ thế nào. Như vậy, nếu chỉ tham gia một phần thì vai trò của cuộc thi này không còn nhiều, còn nếu để xét tuyển đại học, thì hiện nay các trường đã tự chủ rất nhiều, một số trường tổ chức thi riêng, một số trường kết hợp nhiều phương thức xét tuyển khác nhau", ông Tùng phân tích.

Theo TS Lê Trường Tùng, hàng năm có đến trên 90% thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT, những ý kiến cho rằng nên loại bỏ thi để công nhận tốt nghiệp cũng đã được đưa ra trước đó. Nhưng nếu không tổ chức thi, sẽ khó tránh việc thí sinh không học, học lệch bởi tâm lý học để thi còn rất nặng nề.

“Dù thi chỉ để loại 1-2% học sinh khi xét tốt nghiệp nhưng kỳ thi này cũng có tác dụng khiến học sinh phải học”, TS Tùng cho biết.

Từ những phân tích trên, TS Lê Trường Tùng cho rằng Bộ GD-ĐT vẫn nên tổ chức thi, nhưng chỉ nên tổ chức thi cho khoảng 20% số thí sinh có học lực yếu kém, 80% còn lại sẽ được đặc cách xét tốt nghiệp dựa trên điểm học bạ.

Theo đó, những học sinh xếp hạng học lực yếu vẫn sẽ phải tham gia thi tốt nghiệp. Việc tổ chức cho 20% thí sinh thi sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, giảm tải khối lượng công việc trong công tác tuyển sinh.

Bên cạnh đó, ông Tùng cũng nhấn mạnh rằng, không nên để cho các địa phương tự chấm thi mà cần chuyển toàn bộ dữ liệu bài thi về chấm theo cụm do Bộ GD-ĐT chủ trì.

“80% thí sinh được đặc cách xét tốt nghiệp cũng vẫn sẽ phải cạnh tranh học để được lọt vào danh sách xét thẳng. Việc tuyển sinh sẽ được giao lại hết cho các trường tự chủ. Như vậy sẽ không cần thiết phải tổ chức một kỳ thi 2 trong 1 tốn kém, không cần thiết”.

Còn theo Nhà giáo, TS Lê Thống Nhất, ưu điểm duy nhất của kỳ thi "2 trong 1" là tiết kiệm chi phí, sức lực cho phụ huynh nhưng khi kết quả của học sinh bị thua thiệt do các tiêu cực thì việc tiết kiệm này lại hoàn toàn không cần thiết. Điều này cũng làm cho các trường Đại học bị động và nghi ngờ kết quả xét tuyển của mình.

“Chưa bao giờ sau kỳ thi xã hội lại hoang mang về kết quả thi như thế! Nếu các trường Đại học không hoang mang thì quả là chuyện lạ. Những lãnh đạo ở các trường Đại học tâm huyết và trung thực thì đều phải đi đến khẳng định: Điểm thi THPT quốc gia 2018 khó để tin tưởng trong việc xét tuyển vào Đại học”, TS Nhất nói.

TS Lê Thống Nhất cũng cho rằng, Bộ GD-ĐT nên xem xét việc giao quyền xét tốt nghiệp THPT cho các Sở GD-ĐT. Kết quả học tập và hạnh kiểm của 3 năm học THPT hoàn toàn có thể đủ để xét và khó xảy ra những bất thường như khi thi.

Bên cạnh đó, Bộ nên giao quyền cho các trường đại học tự chủ về phương án tuyển sinh, đóng vai trò trọng tài để xem xét.

“Trong việc tự chủ này sẽ có phương án về hình thức thi, đề thi, điểm thi, các mốc thời gian cho việc tổ chức tuyển sinh, cán bộ coi thi, cán bộ chấm thi. Riêng với đề thi, trước đây đã có những cụm trường dùng chung đề thi bởi vậy các trường hoàn toàn có thể liên kết để có đề thi chất lượng. Trong trường hợp đặc biệt mới cần Bộ GD-ĐT cung cấp đề thi. Khi đó, Bộ GD-ĐT là đơn vị quản lý nhà nước, giám sát các trường thực hiện đúng phương án đã duyệt.

Nếu thực hiện giải pháp như trên sẽ có một lợi ích nữa là Bộ GD-ĐT không phải ôm nặng kỳ thi như hiện nay mà thực chất cuối cùng thì từ việc ra đề, in sao, coi thi, chấm thi cũng lại phải điều động các cán bộ phía dưới thực hiện. Bộ GD-ĐT sẽ có thời gian và dồn lực để thực hiện sứ mệnh quản lý nhà nước về giáo dục, khi mà công việc này đang đòi hỏi sự chỉ đạo và quản lý rất kịp thời, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới căn bản, toàn diện theo tinh tình Nghị quyết 29 của Đảng", TS Lê Thống Nhất nêu ý kiến.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phòng chống gian lận thi cử thời công nghệ cao

Tình trạng gian lận thi cử xảy ra trong thời gian qua, nhất là khi việc sử dụng thiết bị công nghệ cao ngày càng tinh vi đã đặt ra đòi hỏi việc phòng, chống gian lận thi cử càng phải chặt chẽ hơn.

Phòng chống gian lận thi cử thời công nghệ cao
Hỗ trợ thí sinh tự do tham gia kỳ thi THPT quốc gia

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024 là năm cuối cùng thi theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006. Vì thế, nhiều thí sinh tự do đăng ký thi lại để xét tuyển vào trường đại học mình mong muốn. Đồng hành cùng thí sinh tự do, các trường THPT tích cực hỗ trợ cho các em từ việc hướng dẫn đăng ký hồ sơ đến ôn tập.

Hỗ trợ thí sinh tự do tham gia kỳ thi THPT quốc gia
Trên 20% bài thi môn văn đạt điểm 7 trở lên

Ông Nguyễn Tân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Tính đến thời điểm này, công tác chấm thi môn văn tự luận kỳ thi THPT quốc gia 2019 đã gần như hoàn tất.

Trên 20 bài thi môn văn đạt điểm 7 trở lên
Return to top