ClockThứ Bảy, 18/03/2023 12:05

Tuyển sinh đại học năm 2023: Nhiều điểm mới

TTH - Năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) không ban hành quy chế tuyển sinh mới, song vẫn sẽ có nhiều điểm mới trong tuyển sinh đại học (ĐH) mà thí sinh cần lưu ý.

Tuyển sinh 2023: Mở rộng phương thức xét tuyểnNhiều phương án hỗ trợ thí sinh

leftcenterrightdel
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2023 

Đơn giản hóa

Một trong những điểm mới trong công tác tuyển sinh ĐH năm 2023 chính là đơn giản hóa việc đăng ký xét tuyển, giảm nhầm lẫn cho thí sinh. Đáng chú ý, thí sinh chỉ cần đăng ký xét tuyển theo ngành, không cần đăng ký cả phương thức xét tuyển như năm ngoái. Thí sinh có thể trúng tuyển theo bất kỳ phương thức nào vào ngành mình đăng ký nếu đủ điều kiện. “Trong hội nghị triển khai công tác tuyển sinh năm 2023 vừa qua, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ sửa hệ thống phần mềm để giải quyết vấn đề này. Đây là điểm mới rất thuận lợi cho thí sinh, bởi hiện nay các trường trong toàn quốc có quá nhiều phương thức tuyển sinh”, TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên ĐH Huế cho biết.

Theo ThS. Phan Thanh Tiến, Phó Trưởng phòng Đào tạo ĐH, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Huế, trong mùa tuyển sinh này, Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện hệ thống tuyển sinh để hạn chế các sai sót và bổ sung các dữ liệu liên quan theo các phương thức như điểm thi đánh giá năng lực… Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng sẽ hoàn thiện quy trình tuyển sinh, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1.

Thí sinh sẽ tiếp tục được hưởng nhiều quyền lợi, như: Được đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT; không giới hạn số lượng nguyện vọng xét tuyển ĐH; toàn bộ quy trình đăng ký xét tuyển đều được thực hiện trực tuyến trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT…

Một điểm mới nữa là quy định về cách tính và áp dụng điểm ưu tiên được đưa vào quy chế tuyển sinh ban hành năm 2022, nhưng có hiệu lực từ năm 2023. Theo đó, lần đầu tiên Bộ GD&ĐT áp dụng như quy định cộng điểm ưu tiên giảm dần đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30). Cách tính điểm ưu tiên sẽ là: Điểm ưu tiên = [(30 – Tổng điểm đạt được)/7,5] × Mức điểm ưu tiên quy định.

“Với cách tính và áp dụng điểm ưu tiên mới, những em đạt tổng điểm 22,5 (điểm thi, điểm xét học bạ hoặc điểm khác quy đổi về thang điểm 10 cho từng môn với tổng điểm là 30) thì không có gì thay đổi trong điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng. Đối với các em đạt từ 22,5 điểm trở lên, điểm ưu tiên của các em sẽ được giảm dần đều cho đến khi điểm thi là 30 điểm thì điểm ưu tiên bằng 0. Như vậy, với công thức xác định trong quy chế, việc tính toán ra mức điểm ưu tiên rất rõ ràng. Đối với thí sinh đạt điểm càng cao, điểm ưu tiên càng giảm, tránh được hiện tượng như những năm trước có thí sinh đạt điểm xét tuyển cao hơn 30 điểm, hoặc trường hợp những thí sinh ở khu vực 3 có điểm thi rất cao nhưng vẫn không trúng tuyển, do sự cạnh tranh ở những ngành có điểm trúng tuyển cao là rất lớn. Việc điều chỉnh trên tạo sự công bằng ở nhóm điểm cao khi cạnh tranh vào các ngành và các trường hàng đầu”, đại diện Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) cho hay.

Hoàn thành công tác xét tuyển sớm

Với việc Bộ GD&ĐT công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2023 (từ 27-30/6) sớm hơn năm ngoái gần 2 tuần, công tác xét tuyển ĐH cũng sẽ sớm hơn năm 2022.

Theo TS. Nguyễn Công Hào, theo kế hoạch của Bộ GD&ĐT, dự kiến, từ ngày 5/7 đến 25/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn trên hệ thống của Bộ GD&ĐT. Sau đó, thí sinh có 11 ngày để nộp lệ phí xét tuyển, bắt đầu từ 26/7, nhận kết quả (điểm chuẩn) ngày 14/8 và xác nhận nhập học đợt 1 trước 17 giờ ngày 30/8. Công tác xét tuyển đợt 1 sẽ hoàn thành sớm hơn năm ngoái.

Theo kế hoạch dự kiến, thí sinh diện tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển nộp hồ sơ trước 30/6, nhận kết quả trước ngày 5/7 và xác nhận nhập học trên hệ thống tuyển sinh của Bộ trước 17 giờ ngày 15/8. Đối với tổ chức xét tuyển sớm, đến 17 giờ ngày 4/7, các trường hoàn thành công tác xét tuyển sớm và thông báo kết quả cho thí sinh để đăng ký xét tuyển trên hệ thống; cập nhật danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm lên hệ thống.

Một trong những thông tin thí sinh quan tâm là mốc thời gian công bố điểm sàn, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào. Theo Hội đồng Tuyển sinh ĐH Huế, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề do Bộ GD&ĐT công bố, dự kiến ngày 20/7. Còn đến 17 giờ ngày 22/7, các trường hoàn thành việc điều chỉnh, công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển trên hệ thống, trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo đối với ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe (nếu có).

Theo đại diện các trường, thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển năm nay rút ngắn chỉ còn 2 tuần, trong khi năm 2022 là một tháng. Thời gian thí sinh biết điểm chuẩn và nhập học cũng sớm hơn so với năm trước, để các cơ sở đào tạo có thể khai giảng vào đầu tháng 9. Thí sinh cần nắm rõ các mốc thời gian để thuận lợi hơn trong quá trình làm thủ tục tuyển sinh.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top