Thi vào lớp 10 tại TP. Huế năm học 2017 -2018
Công bằng cho học sinh
Mọi năm, ngoài Trường THPT chuyên Quốc Học tuyển sinh theo hình thức thi tuyển, các trường còn lại tuỳ theo danh sách học sinh đăng ký, nếu vượt quá 20% chỉ tiêu được giao sẽ tổ chức thi tuyển kết hợp với xét tuyển, còn không thì chỉ căn cứ vào kết quả qua học bạ để thực hiện việc xét tuyển. Dù áp dụng hình thức tuyển sinh nào thì hàng năm vẫn phải chấp nhận một tỷ lệ nhất định, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) không được học lớp 10 công lập. Rõ ràng, cách xét tuyển trong những năm qua chưa hợp lý và thiếu sự công bằng đối với một số học sinh có thành tích học tập tốt.
Mỗi kỳ xét tuyển, kể từ khi đăng ký, thay đổi nguyện vọng cho đến lúc chờ điểm chuẩn các trường là học sinh, phụ huynh vô cùng căng thẳng, hồi hộp. Chưa kể, điểm số trong suốt 4 năm học THCS vốn đã là nỗi lo của nhiều gia đình. Khoan chưa bàn đến cách tính điểm ở các trường đồng đều hay khập khiễng, chỉ thấy thật vô lý khi học sinh học 4 năm đạt kết quả giỏi lại không vào được trường THPT công lập, chỉ vì thiếu may mắn trong khâu chọn trường. Thông thường, điểm chuẩn nguyện vọng 2 của tất cả các trường sẽ xấp xỉ điểm chuẩn của hai Trường THPT Hai Bà Trưng và Nguyễn Huệ và cao hơn điểm chuẩn vào trường ở nguyện vọng 1 khá nhiều. Nếu không có sự tính toán cẩn thận trong lựa chọn nguyện vọng sẽ xảy ra tình trạng em có điểm cao hơn điểm chuẩn vào các trường top 2 nhưng vẫn không trúng. Thế nên, dẫu các trường có tăng thêm sĩ số hay lớp học cũng chỉ để giải quyết tình thế.
Anh Trần Bá Nghĩa, phụ huynh có con học lớp 10 Trung tâm Giáo dục thường xuyên TP. Huế, bày tỏ: “Năm nay, con tôi không trúng tuyển vào Trường THPT Nguyễn Huệ và Trường THPT Nguyễn Trường Tộ. Tôi chạy đôn, chạy đáo xin xét tuyển cho con vào Trường THPT Đặng Trần Côn nhưng không được, dẫu lúc đó trường vẫn chưa đủ số học sinh đến học”. Trường hợp như anh Nghĩa phản ảnh xảy ra, do tình trạng đăng ký ảo ở các trường tốp dưới khi không ít phụ huynh có sự lựa chọn, cân nhắc, chỉ muốn “giữ chỗ” cho yên tâm, song khi chọn được phương án tốt hơn thì lại không cho con học. Thế nên, tình trạng nhiều học sinh chăm chỉ học tập để thi tuyển lại chưa chắc đã có trường học, ngược lại, học sinh không thi, đăng ký nguyện vọng 1, nghiễm nhiên có trường học đàng hoàng.
Phân luồng học sinh học nghề
Theo Quyết định số 522 ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” thì mục tiêu đến năm 2020, phấn đấu ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đến năm 2025 con số này là 40%. Nghĩa là vào năm 2020, tối đa chỉ có 70% và năm 2025 chỉ có 60% học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học THPT, bao gồm cả hệ công lập và ngoài công lập. Khi trường nghề chưa thực sự thu hút học sinh, trường công lập không đủ chỗ cho nhu cầu học thì mục tiêu trên là một thách thức lớn.
Ông Nguyễn Tân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Năm học 2018-2019, sở sẽ tổ chức thi kết hợp với xét tuyển ở tất cả các trường trên địa bàn TP. Huế. Chỉ tiêu và phương thức tuyển sinh được thực hiện trên cơ sở đảm bảo mục tiêu phân luồng sau tốt nghiệp THCS và đảm bảo thực hiện công tác phổ cập. Theo đó, những học sinh đủ điều kiện đỗ vào các trường phổ thông sẽ tiếp tục học lớp 10 phổ thông theo đúng năng lực, số còn lại sở sẽ phối hợp với các trường dạy nghề để phân luồng học sinh. Đối với vấn đề lấy nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 ở các trường ra sao sẽ được bàn bạc rốt ráo để đạt hiệu quả cao nhất” - ông Nguyễn Tân thông tin thêm.
Trở lại vấn đề vì sao chỉ áp dụng ở TP. Huế, do đây là địa bàn có số lượng học sinh đông, còn ở các huyện, thị xã thường các trường điều tiết được số học sinh quanh vùng nên không căng thẳng trong chuyện chọn trường của học sinh và ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh đầu vào khối 10 tại các địa phương. “Nhiều ý kiến cho rằng, việc thi tuyển kết hợp với xét tuyển sẽ tạo cơ hội công bằng hơn cho học sinh, cũng như để đánh giá lại chất lượng dạy và học ở các trường. Dù xét hay thi cũng cần có giải pháp hiệu quả để ngăn chặn tiêu cực. Xét cho cùng, dù áp dụng phương thức tuyển sinh nào thì mấu chốt vấn đề cũng là đánh giá đúng chất lượng dạy và học ở từng trường, có các giải pháp hiệu quả hơn nữa nhằm ngăn chặn bệnh thành tích, tạo động lực thúc đẩy “dạy thật, học thật”...
Bài, ảnh: Huế Thu